07/04/2022 18:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Triển lãm New days diễn ra tại 42 Yết Kiêu (Hà Nội) ngày 2/4 vừa qua với các tác phẩm của 8 nghệ sỹ, trong đó nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền là người trẻ nhất sinh năm 1974.
Nói là trẻ, anh cũng có gần 20 năm tuổi nghề. Nhưng đó không phải là lý do đáng nói nếu điêu khắc của anh không thuộc hạng “nặng ký” và thú vị ở sự “tẩm ngẩm tầm ngầm” một cách chín chắn, hay tiết chế đến “lì lợm” khiến người theo dõi anh đôi khi sẽ nhạy cảm ngay từ những động thái nhỏ.
Mới cách đây một tháng, anh có các tác phẩm tham gia triển lãm Điêu khắc 2022 cùng nhóm nghệ sỹ trong dự án xây dựng “Bảo tàng nghệ thuật Ánh Dương” với “động thái” mới của tạo hình. Và đó là cái cớ để tôi có cơ hội nhận thức lại về cả các tác phẩm trước đây của Tuyền.
Những tác phẩm nặng ký
Tuyền là giảng viên khoa Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Chất liệu “nặng ký” đặc trưng nhất của anh là đá. Những tác phẩm này nặng thật (sau này anh làm việc nhiều với các khối hộp lớn thép không gỉ và sắt hàn, nhưng có thể làm rỗng hoặc đặc còn các tác phẩm đá là nguyên khối). Nghệ sỹ phải ăn ở ngay tại những trại sáng tác đá để làm việc tại chỗ nơi gần với nguồn vật liệu thô. Và triển lãm các tác phẩm này phần lớn diễn ra tại chỗ.
Tác phẩm tiêu biểu cho chất liệu “khủng” này là Gắn kết (2006) chất liệu Đá Marble kích thước 230x190x100cm, được trưng bày ở bên bờ sông Hoài trong khuôn khổ trại sáng tác Điêu khắc Quốc tế Biến tấu Hội An. Nhìn vào tác phẩm và nhan đề, không khó để nhận ra nội dung tác phẩm. Nhưng vấn đề ở chỗ ý tưởng lấy đá để khâu đá thì người xem không tưởng tượng được nó lại thú vị như thế. Với kích thước lớn, sợi chỉ hay sợi dây khổng lồ trở nên vụng về nhưng lại thuyết phục tuyệt đối.
Về sau này, những tác phẩm đá như Nhịp sóng (2015), Kết nối (2016) sáng tác và trưng bày tại Flamingo Đại Lải - Vĩnh Phúc vừa tiếp nối mạch ý tưởng kết nối, vừa biến chuyển qua những “chuyển động ngầm” đặc trưng với các tác phẩm kim loại của Khổng Đỗ Tuyền.
Những dấu vết chuyển dịch tinh tế
Năm 2015, Tuyền có triển lãm cá nhân lớn đầu tiên mang tên Chuyển động ngầm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ,với các tác phẩm sắt hàn đủ kích thước lớn nhỏ (từ 152x300x136cm tới 20x23x20cm). Riêng chỉ về kích thước, loạt tác phẩm đã cho thấy sự bí hiểm khó lường: từ kích thước đầy thách thức đến đủ tinh vi lợi hại.
Lúc này, thủ pháp và kỹ thuật của tác giả đã được định hình rõ nét qua hình khối tối giản, qua những chi tiết lỗ, nút, vạch, rãnh của tác phẩm… Chuyển biến trong sáng tác ở một khía cạnh nào đó cũng tương quan với sự biến đổi trong tác giả. Về các chi tiết này, nhà báo, nhà phê bình mỹ thuật Vũ Lâm nhận xét: “…nét riêng tư là thích hướng tới tạo tác mầm, chồi và những vết rạn chứa sự mẫn cảm do chính đôi tay trực tiếp điêu tô dù qua đá, đồng, nhôm, gỗ hay sắt thép…”.
tôi thì thấy đây chính là biểu hiện tinh tế trong những hình khối thô nặng, nét ý nhị trong một hình hài mộc mạc hay con người hơn là thứ thổ lộ hiếm hoi của một tâm hồn xù xì và giản dị. muốn hiểu từ góc nhìn của tác giả thì có đoạn chia sẻ sau: “…Chúng là những điều nằm sâu bên trong mà ta không nhìn thấy được, điều khiến lòng ta thấy bất an. Chúng biến hình đổi dạng, tạo ra sự rạn nứt, tan chảy, hoặc thành những vết thắt, vết hằn còn in lại không thể xóa nhòa được theo thời gian” - Khổng Đỗ Tuyền.
Xin được nhắc lại một đoạn nổi tiếng của hoạ sĩ, nhà nghiên cứu Lý Trực Sơn cảm thụ về các tác phẩm của nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền: “Hầu hết tác phẩm của anh được thực hiện theo lối nén khối, gây cảm giác vật chất bị dồn chặt tới mức muốn phá ra và thoát khỏi hình dạng của mình. Khối điêu khắc vì vậy chứa được một năng lượng bên trong, sự tĩnh tại chứa khả năng bùng nổ. Với nghệ thuật điều đó giống như đi ngược. Kim loại đi ngược về quặng. Ngôn ngữ đi ngược về im lặng. Lời đi ngược về ý”.
Chuyển động mới trong không gian mới
Ngay từ cái tên Chuyển động của các tác phẩm trong triển lãm Điêu khắc 2022 diễn ra trong tháng 2 vừa qua, ta đã thấy một động thái mới so với ngôn ngữ của Chuyển động ngầm mà nhà điêu khắc đã theo đuổi hơn 10 năm nay. Tác giả chia sẻ: “Đây là khởi đầu cho một tinh thần khác về không gian, cấu trúc tác phẩm mở hơn. Dĩ nhiên những cảm xúc trong các tác phẩm mới vừa thay đổi nhưng vẫn còn nối tiếp những cảm xúc, trạng thái cũ… và khi tôi làm loạt tác phẩm mới có để ý đến yếu tố không gian, tương tác với không gian sống”.
Các tác phẩm mang hình thể mới (khối tròn phát triển), hướng vận động và sắc thái mới. Sự biến đổi này kéo dài mạch ý của các tác phẩm cũ, và góp phần tái nhận thức cho cả chuỗi tác phẩm hay có thể liên tưởng với ngôn ngữ, khi thay đổi vị trí hoặc thêm một từ mới, thì cả mạch ý nghĩa sẽ bị tác động. Nếu như lúc này, chưa thể hiểu được mạch ý nghĩa đó sẽ thay đổi như thế nào thì ít nhất ta cũng có thể nhận thức thêm được một ví dụ về từng bước nhỏ trong phát triển ý tưởng - công việc sáng tạo/ khám phá của nghệ sỹ.
Nghệ thuật điêu khắc của Khổng Đỗ Tuyền ngay ở bề ngoài cũng đã giống hệt anh trong thời điểm hiện tại. Nhà phê bình Vũ Lâm, một người đồng trang lứa với nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền và cũng là đồng nghiệp, nói về anh: “Dáng dấp to cao, bặm trợn, dứt khoát… nhưng nói năng lại mộc mạc dân dã vui vẻ”. Tôi xin được thay luôn để nhận xét là: “Các tác phẩm to nhỏ của anh bặm trợn, dứt khoát… nhưng lại mộc mạc, gần gũi, vui vẻ”!
Có lẽ, quan điểm nên nhìn tác phẩm độc lập với tác giả muốn ám chỉ tới việc tác giả thì sẽ thay đổi, còn các tác phẩm đã ra đời thì bất biến và mang ý nghĩa kết nối với tác giả tại thời điểm sáng tác. Nhưng nếu tách biệt được điều đó, tác phẩm vẫn có thể đại diện cho tác giả và ngược lại tại một thời điểm. Cá nhân tôi luôn nhìn nhận tác phẩm trong bối cảnh của người nghệ sỹ, với tư chất của họ và cả quá trình người nghệ sỹ sáng tạo ra nó, thậm chí với ý nghĩ người nghệ sỹ chính là đời sống gốc để tác phẩm phát triển.
Trần Thu Huyền
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất