02/03/2013 07:04 GMT+7 | Phim
(lienminhbng.org) - Cánh diều - giải thưởng điện ảnh được kỳ vọng là “Oscar của Việt Nam” - hóa ra cũng từng bị Hội Điện ảnh Việt Nam cân nhắc tới cả khả năng quay trở lại quy mô của một buổi lễ trao giải giản dị, không có ngôi sao, thảm đỏ hay truyền hình trực tiếp...
Như TT&VH thông tin, Lễ trao giải thưởng Cánh diều 2012 của Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ diễn ra tại TP.HCM vào tối 9/3. Trước mùa Cánh diều, TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam.
* Thưa bà, còn nhớ cách nay ít lâu, một số hội viên của Hội Điện ảnh Việt Nam lên tiếng: Nên đưa lễ trao giải thưởng cho các tác phẩm điện ảnh xuất sắc của hội trở lại với quy mô trước kia, là một buổi lễ giản dị giống các hội nghề nghiệp khác, bởi Lễ trao giải thưởng Cánh diều đòi hỏi quá nhiều công sức mà lại bị áp lực lớn từ dư luận và cả giới làm nghề?
- Đúng, có ý kiến đó. Trong cuộc họp Ban chấp hành Hội cuối năm ngoái điều này đã được đưa ra thảo luận, bàn bạc, trao đổi để đi đến sự thống nhất. Nhưng đa số thành viên trong Ban chấp hành thấy nên để nguyên như cũ. Nghĩa là trước làm thế nào nay vẫn cứ làm như vậy. Lễ trao giải Cánh diều không chỉ có mỗi việc trao giải hàng năm mà cạnh đó còn là những hoạt động của Ngày Điện ảnh Việt Nam.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát |
* Vấn đề khó khăn nhất với các giải thưởng chính là giám khảo chấm chọn. Năm nay, hội giải quyết vấn đề khó này thế nào?
- Thì cũng vẫn như mọi năm thôi. Giám khảo là những hội viên có chuyên môn cao trong các lĩnh vực của điện ảnh như: biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên, họa sĩ... quan trọng nữa là họ không có phim tham dự tranh giải thì mới được mời vào làm giám khảo.
* Có ý kiến cho rằng, "gu" giám khảo của giải thưởng Cánh diều bị "già", bà nghĩ sao về nhận xét này?
-Tôi nghĩ trẻ hay già không phụ thuộc vào tuổi tác mà phụ thuộc vào quan niệm của mỗi người. Có cái khó là những người trẻ tuổi đều bận đi làm phim hoặc có phim tham dự giải nên mời đủ cho được thành phần của sáu ban giám khảo (Phim truyện điện ảnh, Phim truyện truyền hình, Phim ngắn, Phim tài liệu khoa học, Phim hoạt hình, Công trình nghiên cứu lý luận) không phải dễ.
* Theo bà, một bộ phim cũng như giải thưởng được trao, làm thế nào dung hòa được các yếu tố: nghệ thuật và doanh thu; chất lượng và công luận? Vì thực tế, phim gắn mác nghệ thuật khó bán vé; phim được công luận chú ý có khi lại không phải là tác phẩm chất lượng...
- Tôi nghĩ, tiêu chí chấm giải của hội nghề nghiệp nên chú ý nhiều đến tính chuyên nghiệp, tính sáng tạo, sự mới mẻ, tìm tòi trong mỗi tác phẩm. Còn việc doanh thu nhiều hay ít của mỗi phim không quan trọng. Có phim vừa ra lò đã gửi dự thi ngay cũng có sao. Miễn là bộ phim đó thuyết phục được ban giám khảo, làm họ phải xúc động về tính nhân văn cũng như cách dẫn dắt câu chuyện.
Thiên mệnh anh hùng đã giành giải thưởng của Ban giám khảo tại LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2 tại Hà Nội tháng 11/2012 |
* Áp lực của lãnh đạo hội trước mỗi mùa giải Cánh diều thường là gì, thưa bà: tìm tác phẩm xuất sắc nhất để tôn vinh; khâu tổ chức lễ trao giải; báo chí và truyền thông; và kể cả sự "gửi gắm" những đứa con tinh thần dự giải từ chính anh em làm nghề...?
- Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam cũng như Văn phòng Hội chỉ biết làm việc hết sức mình. Công tâm và nghiêm cẩn trong mỗi mùa giải. Các hội viên có phim dự thi họ cũng rất tự trọng, chả ai gây áp lực gì cho chúng tôi cả. Trong mùa sáng tạo, tác giả các bộ phim đã làm việc hết sức mình trong điều kiện có thể, nay đứa con tinh thần của họ đã ra đời, đã ra với xã hội, với công chúng thì nó có đời sống của nó.
Ban giám khảo các thể loại cũng là những nhà chuyên môn, được anh em tin tưởng nên không có gì phải lo ngại cả.
Khâu tổ chức lễ trao giải thì Hội luôn phối hợp với VTV (ở Hà Nội) và HTV (ở TP.HCM) cùng một số kênh truyền hình nối sóng khác.
Với anh em truyền thông báo chí lại càng thuận lợi vì điện ảnh là lĩnh vực luôn được báo chí truyền thông quan tâm. Hơn nữa, Hội Điện ảnh VN luôn luôn giữ mối quan hệ thâm tình đã có từ rất lâu củamình với các cơ quan báo chí, truyền thông nên hy vọng là càng được ủng hộ.
* Là người làm điện ảnh lâu năm, bản thân bà kỳ vọng gì ở giải thưởng Cánh diều?
- Năm nào tôi cũng mong có phim xuất sắc được giải cao. Như một mùa gặt được bội thu vậy, ai chả mừng. Lúc nào cũng phải tin tưởng và hy vọng…
* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất