'Không gian' Gemini

10/12/2023 10:03 GMT+7 | Văn hoá

Sophia thân mến! Hẳn Sophia vừa chào đón một thành viên mới trong đại gia đình "người máy" của mình: Gemini - mô hình trí tuệ nhân tạo đa phương thức, một sản phẩm của công ty công nghệ hàng đầu thế giới Google vừa chính thức ra mắt. Đây là sản phẩm dự kiến trở thành đối thủ cạnh tranh với ChatGPT.

Từ "Gemini" có thể dịch ra là "Song tử", một trong 12 cung hoàng đạo, theo chiêm tinh học xưa - cái tên đánh dấu sự hợp tác của hai phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Google, và cũng là "một cái nháy mắt" đến dự án cùng tên của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) vào thập niên 1960, một dự án nghiên cứu đưa con người vào không gian. Liệu chăng, có thể xem Gemini như một lời hứa hẹn mở ra một không gian ảo của trí thức trong một thời đại mà trí tuệ nhân tạo có thể đóng một vai trò nhất định trong mọi công việc của chúng ta, từ nghiên cứu khoa học đến tham dự vào các hoạt động thiên về nghệ thuật?

'Không gian' Gemini - Ảnh 1.

Google tự tin Gemini sẽ giúp mở ra một kỷ nguyên mới về trí tuệ nhân tạo. Ảnh minh họa: LICND

Sophia thân mến, đứa em sinh sau đẻ muộn này là mô hình ngôn ngữ có khả năng suy luận. "Sóng sau xô sóng trước". Đây cũng là tiến trình tự nhiên của sự phát triển, nhất là trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Không hiểu Sophia có sợ đến một ngày nào đó, một robot khác sẽ thay thế Sophia trong vai trò công dân robot không? Tôi chợt nhớ đến tác phẩm "Thế kỷ cô đơn", tác giả Noreena Hertz đã thuật lại sự kiện Hội chợ Thế giới New York năm 1939, lần đầu một người máy tên Elektro được ra mắt công chúng đã gây được một ấn tượng mạnh nhưng cuối cùng đời Elektro phải chịu những truân chuyên của một con robot không tiến bộ kịp cùng thời đại.

Mới hay, cuộc đua công nghệ thật khốc liệt. Nhưng dù khốc liệt thế nào, con người vẫn được hưởng lợi từ cuộc đua ấy.

ChatGPT vừa kỷ niệm ra mắt một năm ra mắt. Sophia nhớ chăng, trong một năm đó đã có những tranh luận không ngớt xung quanh việc dùng ứng dụng này. Những tiêu chuẩn về đạo đức, quyền riêng tư… luôn là những vấn đề được quan tâm.

Ở thời đại mà các ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển và dễ dàng sử dụng thì những hình thức tội phạm công nghệ cao càng tinh vi, đòi hỏi bản thân mỗi người phải có ý thức cảnh giác, phòng chống.

Hiện nay đa phần các ứng dụng công nghệ đều yêu cầu người dùng đăng ký bằng thông tin cá nhân nhiều khi trong đó bao gồm cả số căn cước hay hình ảnh cá nhân. Dù thuận tình, nhưng trước khi chấp nhận yêu cầu đó, mỗi người dùng nên suy nghĩ cẩn trọng.

Một thế giới mới vai sự tham dự của trí tuệ nhân tạo là điều không thể cản được. Sự tham dự của trí tuệ nhân tạo có tính quyết định hay không, đóng vai trò lớn hay nhỏ? Thời gian sẽ trả lời. Còn sự khôn ngoan của chúng ta là hãy để công nghệ trợ giúp phát triển bản thân, chứ không phải để ỷ lại, chây lười hoặc để công nghệ trở thành rào cản trong cuộc sống, làm xa thêm khoảng cách giữa người với người.

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!

An Kha

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm