25/03/2014 07:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ngày 23/3, các nhà khảo cổ đã dựng lại 2 bức tượng khổng lồ mang chân dung Pharaoh Amenhotep III, nằm ngay cạnh 2 bức tượng khác của ông tại ngôi đền Amun, vốn là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng thế giới của Ai Cập.
Hai bức tượng này được làm bằng đá quartzite nguyên khối. Theo các nhà khảo cổ châu Âu và Ai Cập, chúng đã được dựng lại tại vị trí ban đầu, nằm trong ngôi đền Amun nơi mai táng vị vua này ở bờ Tây sông Nile. Đền Amun vốn là công trình nổi tiếng thế giới, luôn thu hút nhiều khách tham quan với 2 bức tượng Memnon khổng lồ, mô tả Amenhotep III đang ngồi.
“Thế giới mới đã biết đến 2 bức tượng Memnon khổng lồ của Amenhotep III, nhưng từ ngày hôm nay họ sẽ được chiêm ngưỡng thêm 2 bức tượng khổng lồ nữa của vị vua này. Các bức tượng này đã bị bỏ mặc trong nhiều thế kỷ ở ngoài các cánh đồng, bị hư hại nặng bởi các tác động thiên nhiên như động đất, sau này còn chịu ảnh hưởng từ nước tưới tiêu, muối, trình trạng xâm lấn và bị cướp phá" - Hourig Sourouzian, nhà khảo cổ người Đức gốc Armenia, nhân vật đang phụ trách dự án bảo tồn ngôi đền Amun, cho biết.
Trong 2 bức tượng đã qua phục dựng, 1 bức nặng tới 250 tấn, cao 11,5m với phần bệ tượng cao 1,5m và rộng 3,6m. Bức tượng có hình ảnh Amenhotep III trong tư thế ngồi, 2 tay đặt lên đầu gối. Các nhà khảo cổ cho biết, nếu tính cả mũ miện đã bị mất thì nó phải cao tới 13,5m và nặng 450 tấn.
Bức tượng mô tả Amenhotep III đang mặc váy xếp nếp hoàng gia, đeo một chiếc thắt lưng to, được trang trí bằng những đường zigzag. Bên cánh tay trái của vị vua này là tượng chân dung vợ ông, bà Tiye. Bà mặc chiếc váy bó dài và đội bộ tóc giả rất to. Điều đáng tiếc là tượng Hoàng thái hậu Mutemwya được tạc ở bên chân trái Amenhotep III đã bị mất. Ngoài ra, mỗi bên ngai vàng của Amenhotep III còn được trang trí bằng những hình ảnh mô tả sự thống nhất Thượng và Hạ Ai Cập. Bức tượng thứ 2 mô tả Amenhotep III trong tư thế đứng, đã được đặt tại cổng phía Bắc của ngôi đền.
Ngoài 2 bức tượng trên, nhóm khảo cổ còn giới thiệu nhiều cổ vật nữa, mà theo họ là các phần của những bức tượng khác mô tả Amenhotep III và người thân của ông. Chúng gồm phần đầu còn khá nguyên vẹn thuộc một bức tượng thạch cao tuyết hoa mô tả Amenhotep III và tượng Công chúa Iset, con gái ông.
“Phần đầu tượng này rất độc đáo và hiếm có bởi thế giới không có nhiều tượng được làm bằng thạch cao tuyết hoa. Mũi, mắt và tai tượng không hề bị sứt mẻ, nhưng có một số dấu hiệu rõ ràng cho thấy nó đã trải qua phục chế cách đây vài thế kỷ” - Sourouzian cho biết.
Sourouzian nói rằng mục đích công việc của bà là bảo tồn các bức tượng này và ngôi đền Amun, sau nhiều thế kỷ chịu đựng sự tác động của “thiên nhiên và con người". "Mọi di chỉ khảo cổ và công trình kỷ niệm đều có quyền được đối xử tử tế. Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn hành động phá hủy các bức tượng và đặt chúng về đúng chỗ” - Sourouzian bày tỏ và mong muốn có một quỹ quốc tế ổn định, vững chắc để bảo tồn những di sản thế giới vô cùng giá trị như thế này.
Amenhotep III, hay Amenophis III, (có nghĩa là thần Amun hài lòng) là vị pharaoh thứ 9 trong vương triều thứ 18 của Ai Cập cổ đại. Đây là thời đại vàng son trong lịch sử Ai Cập. Ông lên ngôi vào năm 12 tuổi và cai trị Ai Cập trong khoảng 40 năm, từ 1391 tới 1353 trước Công nguyên. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất