16/11/2020 22:42 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Chiều 16/11, Quốc hội tiếp tục Kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội thảo luận dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tại phiên thảo luận, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, không làm tăng biên chế trong Công an, không tăng các thủ tục về hành chính.
Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là dự án Luật lần đầu tiên được trình Quốc hội, xây dựng trên cơ sở đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
Theo tờ trình, việc Chính phủ quyết định trình Quốc hội dự án Luật này cùng với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan. Quá trình xây dựng dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ.
Việc xây dựng độc lập Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực là bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ.
Việc tách thành 2 dự án Luật không vi phạm quy định của pháp luật
Góp ý về dự án Luật, đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) tán thành việc ban hành Luật nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 và Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn cụ thể hóa quan điểm của Đảng, phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. "Việc tách Luật không phải phân chia quyền anh quyền tôi mà trên hết là xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc, xây dựng hình ảnh quốc gia văn hoá, văn minh, người dân sống và làm việc trong điều kiện tốt nhất” - đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đồng ý việc tách 2 dự án Luật vì ở Việt Nam, vấn đề giao thông vận tải đường bộ có vai trò trọng yếu, góp phần bảo đảm an ninh - trật tự, kinh tế, hướng tới giao thông thông minh. Đại biểu đưa số liệu và phân tích tai nạn đường bộ chiếm 95% tổng số tai nạn giao thông; đường bộ cũng là nơi xảy ra nhiều vi phạm pháp luật, tội phạm như trộm cắp, cướp giật, buôn lậu, vận chuyển ma tuý, hàng cấm, trốn truy nã...
Theo đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình), việc Chính phủ trình 2 dự án Luật đã được thảo luận đánh giá khách quan xuất phát yêu cầu thực tiễn, được sự đồng tình cao của các bộ, gắn trách nhiệm từng bộ cụ thể. Ngành Công an có nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong đó có đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe. Ngành Giao thông Vận tải quy định về kết cấu hạ tầng giao thông. “Việc quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe thuộc trách nhiệm Bộ Công an là đảm bảo tính hợp lý thống nhất, nhất quán từ quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và kiểm soát. Đây cũng là vấn đề xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn” - đại biểu cho biết.
Một số đại biểu thể hiện sự băn khoăn khi tách dự án Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật, là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), phạm trù giao thông là một chỉnh thể thống nhất có quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời, đó là cơ sở hạ tầng giao thông, quy tắc giao thông, phương tiện giao thông và người tham gia giao thông. Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là một mục tiêu mà chúng ta hướng đến, không phải là đối tượng cần có Luật điều chỉnh.
"Luật liên quan đến việc triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện của nhiều bộ, ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Nên không thể chỉ vì phạm vi thực hiện của 2 bộ, 2 lĩnh vực thì phải tách ra 2 luật. Nếu như thế, chúng ta còn phải tách ra nhiều luật nữa để tách bạch giữa các bộ, ngành và lĩnh vực" - đại biểu nêu ý kiến.
Còn đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) thì băn khoăn khi tách thành 2 luật thì tổ chức bộ máy và biên chế có phát sinh tăng không? Việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và phương tiện máy móc, trang thiết bị phục vụ cho chuyên môn được sử dụng như thế nào, nhất là ở bộ phận sát hạch cấp phép lái xe, bộ phận an toàn giao thông.
Không tăng biên chế trong Công an
Tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cảm ơn các đại biểu đã đóng góp ý kiến rất tâm huyết đối với dự án Luật; khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, giải trình thấu đáo.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, ngày 5/11, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình gửi đến các đại biểu Quốc hội. Bộ Công an với trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, Chính phủ cũng đã xác định đó là trách nhiệm của ngành Công an và cũng xác định trật tự, an toàn giao thông là một bộ phận quan trọng của trật tự, an toàn xã hội. Chính vì thế, Chính phủ cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đồng ý đề xuất xây dựng dự án Luật này.
Trong báo cáo tác động, cũng như trong các quy định của dự thảo Luật đã nêu rất rõ trách nhiệm về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là trách nhiệm của Bộ Công an, xác định như là một bộ phận của trật tự, an toàn xã hội.
"Nếu Quốc hội đồng ý ban hành Luật này và giao trách nhiệm cho Bộ Công an thì trong báo cáo đánh giá tác động chúng tôi cũng đã nêu, trong lực lượng Công an sẽ không tăng biên chế, không tăng các thủ tục về hành chính" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, đã thảo luận rất kỹ trong tập thể Đảng ủy Công an Trung ương, các cơ quan chuyên trách là nhận trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước, trước Quốc hội, trước nhân dân về các vấn đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó có vấn đề về trật tự, vấn đề về tai nạn giao thông, an toàn giao thông cho người dân.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc tách các dự án Luật thì trên thực tế không có gì mới, nhiều Luật được tách, ví dụ như Luật Đầu tư; Luật Khiếu nại, tố cáo... đều được tách thành nhiều dự án Luật khác nhau. “Việc tách Luật là việc việc bình thường nếu cần thiết, không phải là chia quyền mà đảm bảo tốt hơn sự an toàn của con người” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề cập nhiều ý kiến cử tri đều rất quan tâm đến việc đảm bảo an toàn giao thông. “Đây là vấn đề phổ cập của toàn xã hội, từ cháu bé bắt đầu đi học đến cụ già đều cần được tuyên truyền. Người tham gia giao thông thì phải học luật, phải thi, sát hạch nên các quy định phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Nếu để chung với các luật khác sẽ quá dài, khó tiếp cận” – Bộ trưởng cho biết.
Đại tướng Tô Lâm khẳng định, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các thành viên Chính phủ nhất trí; đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an đã bàn thảo, thống nhất việc tách thành 2 dự án Luật không vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng văn bản pháp luật, không làm ảnh hưởng lẫn nhau./.
Xuân Tùng TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất