05/09/2022 21:02 GMT+7 | Tin tức 24h
Nhà sản xuất khí đốt lớn nhất tại Nga là tập đoàn Gazprom đã thông báo ngừng vô thời hạn việc cấp khí đốt qua đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1).
Việc Nga đình chỉ vô thời hạn hoạt động của tuyến đường cung cấp khí đốt then chốt tới châu Âu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt có nguy cơ đẩy châu lục này vào cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa Đông năm nay.
Ngừng vô thời hạn hoạt động của đường ống Nord Stream 1
Trước khi xung đột tại Ukraine bùng phát, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt của châu Âu. Châu Âu cũng là điểm đến của gần một nửa lượng dầu thô và các sản phẩm xăng dầu xuất khẩu của Nga.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu giảm xuống còn khoảng 15%, đẩy giá khí đốt lên cao và gây căng thẳng cho cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Cùng với việc giá khi đốt tăng cao, giá điện và giá dầu cũng đã tăng mạnh tại châu Âu. Cụ thể, giá khí đốt đã tăng hơn 170%, giá điện tại một số thị trường tăng gần 2.700%, còn giá dầu tăng gần 30%. Giá khí đốt trên thị trường giao dịch Hà Lan đã tăng 172% kể từ đầu năm 2022. Còn ở Đức, khí đốt được coi là cầu nối để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, giá điện cũng đang tăng mạnh. Hợp đồng điện một năm tại Đức đã tăng 2.692% kể từ đầu năm. Giá dầu Brent Biển Bắc cũng đã tăng 28,2%.
Từ tháng 7/2022, nguồn cung năng lượng tới châu Âu tiếp tục sụt giảm khi đường ống Nord Stream 1 giảm công suất do một số tuabin ngừng hoạt động. Một số tuabin được gửi đến Canada để sửa chữa và kẹt lại ở đó do các lệnh trừng phạt của Canada đối với Nga. Theo yêu cầu của Đức, Canada thông báo miễn trừ lệnh trừng phạt cho các tuabin nhưng Gazprom từ chối nhận lại vì cho rằng thủ tục có những bất thường. Trong khi đó, đường ống Nord Stream 2 mới được xây dựng không hoạt động. Nguồn cung khí đốt bị cắt giảm cộng thêm lo ngại về khả năng Nga ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống dẫn Nord Stream 1 đã đẩy giá năng lượng tăng mạnh chưa từng có.
Lo ngại về khả năng Nga ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu đã trở thành hiện thực khi ngày 2/9, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1” dẫn khí đốt tới Đức, vốn dự kiến vận hành trở lại vào ngày 3/9 sau khi ngừng hoạt động do cần phải sửa chữa tuabin khí từ ngày 31/8 sẽ tiếp tục bị khóa cho tới khi một tuabin được sửa chữa, qua đó đình chỉ vô thời hạn hoạt động của tuyến đường cung cấp khí đốt then chốt tới châu Âu.
Đường ống Nord Stream 1 dài 1.200 km nằm dưới biển Baltic chạy từ bờ biển Nga gần St Petersburg tới đông bắc nước Đức. Đây là huyết mạch quan trọng đưa lượng khí đốt khổng lồ của Nga đến châu Âu, chiếm khoảng 35% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu trong năm 2021.
Khủng hoảng thêm trầm trọng
Giới phân tích cho rằng việc Nga tiếp tục cắt nguồn cung khí đốt sẽ khiến cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu thêm tồi tệ, khiến giá cả tiếp tục leo thang, đẩy lạm phát lên cao hơn, đồng thời làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.
Hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho rằng nền kinh tế Eurozone sẽ rơi vào suy thoái do gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga và thiếu các phương án bù đắp trong ngắn hạn. Theo hãng này, việc Nga cắt toàn bộ nguồn cung có thể khiến GDP của Eurozone giảm từ 1,5-2%. Điều này dẫn tới suy thoái bắt đầu từ nửa cuối năm 2022, trong đó Đức và Italy sẽ ghi nhận GDP tăng trưởng âm trong năm 2023.
Đức, nền kinh tế đầu tàu của khu vực, sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất khi xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng hoặc chi phí tăng vì ngành công nghiệp nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Một khi Đức chịu tác động nặng nề nhất thì hậu quả là nền kinh tế EU nói chung cũng sẽ đối mặt với những nguy cơ suy thoái.
Một thực tế nữa là mặc dù EU đã tích cực dự trữ khí đốt và đạt tới 80% năng lực, song với việc Nga cắt nguồn cung khí đốt và chưa tìm được nguồn cung thay thế, 27 nước thành viên EU vẫn phải hy vọng vào một mùa Đông bớt lạnh giá hơn để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng.
Theo giới chuyên gia, dù thông số về dự trữ khí đốt có thể mang lại tín hiệu tích cực giúp giảm áp lực giá cả trong ngắn hạn nhưng chỉ riêng khí đốt dự trữ sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu mùa Đông. Nguy cơ thiếu khí đốt vẫn tồn tại vì nếu mùa Đông khắc nghiệt hơn thì nguồn dự trữ sẽ nhanh chóng cạn kiệt do nhập khẩu không kịp bù đắp cho mức tiêu thụ.
Trước nguy cơ "khát" khí đốt, EU cũng nhanh chóng tìm kiếm những nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, tình trạng thiếu cơ sở tích trữ LNG và việc xây dựng những địa điểm này cần nhiều thời gian đều là những yếu tố cản trở các nỗ lực của EU. Ngay cả nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 của EU là Na Uy cũng đã không thể bù đắp lượng khí đốt bị thiếu như kỳ vọng dù đã cam kết tăng nguồn cung.
Giám đốc dự báo toàn cầu của The Economist Intelligence Unit cho rằng EU đang bước vào một mùa Đông khắc nghiệt và nên chuẩn bị cho 2 năm cực kỳ khó khăn với nhiều tổn hại về kinh tế.
Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất