12/06/2017 16:38 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Cuộc khủng hoảng chưa từng có tại vùng Vịnh sau khi một loạt quốc gia trong khu vực do Saudi Arabia dẫn đầu đồng loạt cắt quan hệ ngoại giao, thương mại và vận tải với Qatar hôm 5/6 vẫn chưa có hướng giải quyết.
Nếu nhìn vào những lý do mà các bên đưa ra để chống Qatar, là "đáp trả sự can thiệp của Qatar vào công việc nội bộ, ủng hộ khủng bố và các nhóm cực đoan", cùng những chính sách gây hại cho an ninh quốc gia của những nước này nói riêng và an ninh Arab nói chung, động thái trên dường như chỉ là "giọt nước tràn ly" sau những mâu thuẫn khó hòa giải âm ỉ và kéo dài suốt hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh khu vực, cuộc khủng hoảng còn phản ánh tham vọng tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn tại Trung Đông, giữa một bên là dòng Hồi giáo Shi'ite do Iran đứng đầu và bên kia là các nước Sunni do Saudi Arabia dẫn dắt với sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây.
Cuộc khủng hoảng lần này xuất phát từ một bài viết đăng tải trên trang mạng của hãng thông tấn chính thức Qatar QNA ngày 23/5, trong đó có những phát biểu gây tranh cãi được cho là của Quốc vương nước này Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tại một buổi lễ dành cho tân binh của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Qatar. Theo bài viết, Quốc vương Thani chỉ trích dữ dội Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập và Saudi Arabia, đồng thời buộc tội những nước này phát động chiến dịch bôi nhọ chống Qatar như một nước ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Những phát biểu được cho là của Quốc vương Tamin còn thể hiện sự ủng hộ đối với các tổ chức Anh em Hồi giáo, Hamas và chỉ trích chính sách của các nước vùng Vịnh chống Iran, trong khi khẳng định tầm quan trọng của Iran trong khu vực và thế giới Hồi giáo.
Mặc dù được gỡ bỏ chỉ sau khoảng nửa giờ đồng hồ cùng với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Qatar khẳng định thông tin này bị thêu dệt và là sản phẩm của tin tặc, nhưng bài viết đã dẫn đến làn sóng phản ứng dữ dội chưa từng có từ các nước trong khu vực, nhất là Saudi Arabia. Truyền thông những nước này đã tràn ngập các bài viết chỉ trích và lên án Qatar với những lời lẽ hết sức gay gắt.
Phản ứng bất ngờ và đồng loạt của nhiều nước trong khu vực cho thấy thông tin trên QNA dường như đã vượt quá giới hạn của những nước nói trên liên quan tới chính sách đối ngoại của Qatar, hay nói cách khác là "giọt nước tràn ly".
Trên thực tế, căng thẳng giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh đã nhen nhóm kể từ sau khi Quốc vương Qatar Sheik Hamad bin Khalifa lên nắm quyền năm 1995 và thành lập kênh truyền hình al-Jazeera rất có ảnh hưởng nhưng thường công kích Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác. Căng thẳng gia tăng khi Qatar bị coi là ủng hộ làn sóng bất ổn năm 2011 tại các nước Arab, được biết đến với tên gọi là Mùa xuân Arab, cũng như tích cực ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo lên nắm quyền tại Ai Cập, hay các phái cực đoan kiểm soát thủ đô Tripoli ở Libya và rút khỏi sáng kiến vùng Vịnh về một giải pháp cho cuộc xung đột Yemen. Mâu thuẫn đã nhanh chóng lên một nấc thang mới sau khi Quốc vương Tamin lên nắm quyền năm 2013 mà đỉnh điểm là vào tháng 3/2014 với việc Saudi Arabia, UAE và Bahrain rút đại sứ khỏi Doha. Đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao đầu tiên và lớn nhất ở vùng Vịnh kể từ khi Tổ chức Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) ra đời.
Mặc dù mối quan hệ đã được tái lập sau đó một năm nhờ các nỗ lực hòa giải của Kuwait, căng thẳng giữa Doha với các quốc gia vùng Vịnh không có dấu hiệu hạ nhiệt liên quan tới việc Qatar và Iran ký hiệp định quân sự vào tháng 10/2015, trong đó bao gồm hợp tác an ninh giữa quân đội hai nước.
Song song với động thái này, các nước trong khu vực còn cáo buộc Qatar tăng cường sự hiện diện tại Libya thông qua các nhóm chiến binh cực đoan, như Ansar al-Sharia, tại Tunisia với đảng Ennahda và thậm chí al-Qaeda ở Iraq, Mặt trận al-Nusra ở Syria hay Houthi ở Yemen. Doha còn được cho là có mối quan hệ tốt với Hezbollah ở Liban và Taliban ở Afghanistan.
Mặc dù là quốc gia Arab nhỏ bé với dân số hơn 2 triệu người, các nước khác trong khu vực lâu nay vẫn lo ngại Qatar tìm cách tăng cường vị thế trên trường quốc tế bằng cách mở rộng ảnh hưởng khu vực và quốc tế, nhất là liên minh với Iran, vốn bị Saudi Arabia coi như "kẻ thù", để làm đòn bẩy tăng cường vị thế trong GCC.
Nhìn rộng ra, bản chất các cuộc xung đột và cán cân quyền lực ở vùng Vịnh lâu nay là sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc và mâu thuẫn giữa hai dòng Hồi giáo lớn ở Trung Đông là Shi'ite và Sunni. Cuộc khủng hoảng liên quan đến Qatar hiện nay có thể xem là sự kiện phản ánh tham vọng của Saudi Arabia theo dòng Sunni. Riyadh muốn tận dụng mối đe dọa từ "kẻ thù Iran" theo dòng Shi'ite để kêu gọi các nước Arab dòng Sunni thiết lập liên minh quân sự, song không nhận được sự đồng thuận từ Doha. Quyết định cắt đứt quan hệ trên nhiều mặt với Qatar được lấy lý do là nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, nhưng mục đích chính của chiến dịch này là cô lập Tehran và nâng tầm vị thế của Riyadh trong khu vực.
Đáng chú ý là tuần trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Saudi Arabia, nhiều bài báo và phóng sự điều tra trên các phương tiện truyền thông phương Tây đã buộc tội Qatar hỗ trợ chính trị và tài chính cho các tổ chức khủng bố như Hamas, Jabhat Al-Nusra và Taliban, đồng thời chất vấn sự hợp tác của Mỹ với Qatar trong vấn đề này.
Bộ Ngoại giao Qatar hôm 20/5 thậm chí đã phải ra tuyên bố lên án những thông tin chống nước này, nhấn mạnh rằng những cáo buộc trên được cố ý đưa ra trước chuyến thăm khu vực của ông Trump. Trong các tuyên bố tại Riyadh, ông Trump đã miêu tả Iran là "khởi nguồn của chủ nghĩa khủng bố", hay "nhân tố chính gây bất ổn tại Trung Đông".
Ông nhấn mạnh rằng Mỹ và giới lãnh đạo Saudi Arabia cùng các đồng minh đang đứng cùng phía chiến tuyến trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Những phát biểu của Tổng thống Mỹ còn được hiểu như một sự "bật đèn xanh" cho các nước đồng minh trong khu vực quyết tâm hơn khi đưa ra quyết định chống Qatar và thông qua đó nhằm vào Iran.
Hiện chưa thể khẳng định bên nào sẽ hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng hiện nay, song nếu không giải quyết ổn thỏa thì chính các bên liên quan sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể. Ví dụ, những rạn nứt trong khu vực hiện nay sẽ tác động không nhỏ tới vai trò và khả năng của Mỹ trong việc thực hiện mục tiêu tại vùng Vịnh, nhất là kiềm chế sức ảnh hưởng của Iran.
Qatar là nơi Mỹ đặt căn cứ không quân lớn nhất trong khu vực và trụ sở Bộ Chỉ huy Trung tâm, trong khi trụ sở Hạm đội 5 của Mỹ nằm tại Bahrain và 5 căn cứ không quân khác của Mỹ ở Saudi Arabia. Mâu thuẫn giữa các nước khu vực sẽ cản trở việc triển khai và phối hợp giữa các đơn vị quân sự của Mỹ trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Trong bối cảnh khu vực phức tạp hiện nay, những biện pháp phong tỏa và cô lập chống Qatar chỉ được xem là sự khởi đầu và có thể còn kéo theo các biện pháp ngoại giao khác, không chỉ trong phạm vi GCC mà cả các cấp độ quốc tế, như thông qua nghị quyết của Liên đoàn Arab thắt chặt phong tỏa đối với Qatar hoặc đề nghị Mỹ, châu Âu và các nước ngoài Arab Hồi giáo có hành động riêng rẽ bên ngoài khuôn khổ Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an.
Tuy nhiên, hướng đi này khó có thể giành được sự nhất trí chung và có nguy cơ càng làm phân cực nghiêm trọng cũng như gây bất ổn khu vực. Do đó, nhiều khả năng các nước vùng Vịnh sẽ duy trì áp lực kinh tế và chính trị lên Qatar, cộng với các nỗ lực trung gian ngoại giao, chủ yếu thông qua Kuwait và Oman.
Về phía Qatar, các biện pháp trừng phạt nói trên chắc chắn sẽ gây hậu quả kinh tế về lâu dài cho nước này. Tuy nhiên, Qatar sẽ có thể tránh được khủng hoảng kinh tế bất chấp các biện pháp cấm vận, xét tới cán cân thương mại giữa nước này và GCC chỉ chiếm 12% tổng kim ngạch buôn bán của Qatar và 8% kim ngạch nội khối Arab. Trao đổi thương mại của Qatar với các nước GCC khác tương đối nhỏ nên có thể bù đắp thông qua nhập khẩu từ những nước khác ngoài khu vực.
TTXVN/Bùi Hoàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất