Khuyến khích đầu tư tăng trưởng xanh: Đưa môi trường làm tiêu chí thẩm định tín dụng

12/12/2017 16:19 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - "Khuyến khích đầu tư tư nhân thực hiện các chiến lược tăng trưởng xanh - thực trạng và giải pháp" là một trong những chủ đề chính được đưa ra tại hội nghị “Đánh giá giữa kỳ thực hiện tăng trưởng xanh Việt Nam tại khu vực miền Bắc” do Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tại Hà Nội, ngày 12/12.

Chủ đề được đưa ra nhằm cập nhật tình hình hiện tại về chính sách quốc gia, các sáng kiến huy động tư nhân về tăng trưởng xanh cũng như chia sẻ về những rào cản, thách thức từ phía khu vực tư nhân để từ đó đề xuất các khuyến nghị nhằm thúc đẩy đầu tư xanh.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường cho biết, huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu trong chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2020 ước tính cần khoảng 30 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn đầu tư của Chính phủ hiện nay mới có thể đảm bảo được 1/3 nhu cầu. Vì vậy, việc huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng xanh đang là nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy quá trình thực hiện phát triển kinh tế xanh.

Chú thích ảnh
Đánh giá giữa kỳ thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh Việt Nam khu vực miền Bắc. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ông Lê Đức Chung, chuyên gia tư vấn dự án cho biết, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Chính phủ ban hành vào tháng 9/2012. Tháng 3/2014, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được Chính phủ ban hành; trong đó, xác định vai trò rất quan trọng của khu vực tư nhân. Đây được coi là nhân tố quyết định trong thực hiện tăng trưởng xanh.

Theo báo cáo, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới, tư vấn và đầu tư vào năng lượng tái tạo tăng nhanh. Số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững ngày càng tăng. Năm 2016, trong số 400 doanh nghiệp đăng ký, có 100 doanh nghiệp được trao tặng giải thưởng “Doanh nghiệp phát triển bền vững”.

Hiện nay, công suất  năng lượng tái tạo đang được khai thác gồm thủy điện nhỏ, sinh khối, rác thải sinh hoạt, mặt trời và gió là khoảng 2.500 MW, chỉ chiếm khoảng 4% tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam; trong đó, năng lượng mặt trời mới khai thác được khoảng 3% tiềm năng. Đến nay, cả nước có 77 dự án điện gió, quy mô công nghiệp được đăng ký tại 18 tỉnh, thành phố với công suất trên 7.000 MW. Tuy nhiên, chỉ có 5 dự án được triển khai có tổng công suất khoảng 200 MW.

Đối với khối doanh nghiệp FDI, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, đến nay, trong số 110 dự án FDI sản xuất điện, khí đốt, Việt Nam đã thu hút được 16 dự án FDI trong lĩnh vực năng lượng xanh với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 778 triệu USD, chiếm 14,5% về số dự án và 6% tổng số vốn đăng ký trong ngành điện và khí đốt.

Ông Lê Đức Chung đánh giá, Việt Nam đã hình thành được hệ thống luật pháp, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đầu tư vào tăng trưởng xanh. Mặc dù, có nhiều tiềm năng phát triển nhưng các doanh nghiệp còn khá thận trọng khi đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng xanh do nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật liên quan đến tăng trưởng xanh chưa được hướng dẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư còn nhỏ lẻ, thủ tục quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, cấp phép phức tạp vì điều phối liên ngành, gây chán nản…. Mặt khác, nguồn lực chung còn hạn hẹp, nhiều khoản đầu tư theo thói quen truyền thống đã làm giảm cơ hội cho tăng trưởng xanh.

Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh, nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị, cần có cam kết thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào thực hiện tăng trưởng xanh. Đồng thời, cần có chính sách linh hoạt, áp dụng cho sản xuất năng lượng sạch.

“ Khuyến khích hỗ trợ tài chính là quan trọng nhưng chưa đủ cần tiếp tục ban hành hệ thống văn bản pháp quy tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư thông qua cơ chế 1 cửa đảm bảo các thủ tục liên ngành tương đối đồng bộ, thuận lợi”, ông Chung nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm, bà Justyna Grosjean, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho rằng, Việt Nam cần có cơ sở để các tổ chức tín dụng tham khảo và đưa các tiêu chí môi trường vào quá trình thẩm định tín dụng. Bên cạnh đó, cần thành lập các dự án tín dụng xanh, các dự án xanh đã được xác định để tham gia các chương trình tín dụng xanh, huy động vốn trái phiếu xanh và các chương trình đầu tư xanh.

“Để thúc đẩy đầu tư trong dự án xanh, các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức hành chính công cần xây dựng hệ thống khung chính sách hỗ trợ hiệu quả, làm nền tảng để vận dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro giúp tăng cường tính hấp dẫn và giảm thiểu rủi ro đầu tư trong các dự án xanh.”, bà Hạnh Lê, Phó Trưởng Đại diện Viện Tăng trưởng xanh Việt Nam (GGGI) cho biết.

Ông Bùi Trung Nguyên, Phó Giám đốc Ban Kế hoạch Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng đưa ra kiến nghị, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn về môi trường cụ thể cho các ngành, nghề, lĩnh vực để hệ thống ngân hàng có đủ căn cứ trong thẩm định, đánh giá tác động về môi trường, xã hội. Ngoài ra, cần có các công cụ khuyến khích các ngân hàng thương mại cùng tham gia hỗ trợ phát triển tín dụng xanh…

Đề xuất giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Đề xuất giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Trong 2 ngày 11-12/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng xanh của Hợp tác Phát triển Việt – Đức và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tổ chức hội nghị “Đánh giá giữa kỳ thực hiện tăng trưởng xanh Việt Nam” tại khu vực miền Bắc.

Thúy Hiền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm