29/08/2017 19:20 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Người Pa Kô bao đời nay vẫn giữ tục táng treo vô cùng kì lạ. Cứ đến dịp lễ hội Ariêu Ping, họ khai quật mồ người chết lên và bỏ vào những cái A Pổ (cái tiểu) rồi đặt nằm trên mặt đất trong khu nhà mồ của dòng họ.
Lễ hội Ariêu Ping: “Mùa” cải táng
Lễ hội Ariêu Ping hay còn gọi là lễ cải táng và phong thần, một lễ hội truyền thống mang nét văn hóa tâm linh đặc sắc và lớn nhất của đồng bào Pa Kô. Lễ hội được tổ chức nhằm tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến những người đã khuất của đồng bào dân tộc Pa Kô, khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào từ xa xưa và đây cũng là dịp để tụ hợp con cháu trong dòng họ.
Theo tập tục của người Pa Kô cứ đến dịp lễ hội Ariêu Ping thì những người thân của họ chết từ 3-5 năm sẽ phải bốc hài cốt rồi tạ lễ và đưa lên bỏ trong những ngôi nhà mồ mà không cần chôn xuống dưới đất. Theo họ, tập tục này đã có lâu đời nhằm thể hiện sự hiếu nghĩa của con cháu đối với đấng sinh thành.
Để biết rõ hơn về tập tục này tôi tìm đến nhà già làng Quỳnh Hồ (79 tuổi, ở thôn Đụt, xã Hồng Trung, huyện A lưới) và khá may mắn khi được già làng tiếp chuyện và nói cho tôi nghe khá nhiều về lễ hội Ariêu Ping cũng như tục cải táng: “Cải táng không chỉ riêng người Pa Kô đâu, cả người Tà Ôi và Vân Kiều cũng có. Những người chết được chôn xuống đất sau 3 đến 5 năm, thậm chí đến 7 năm thì được cất lên làm lễ cải táng rồi đưa vào trong những cái Piêng (Nhà mồ).
Mỗi Piêng có ít nhất 3 A Pổ (cái tiểu), bởi vì theo tập tục thì mỗi lần cải táng phải từ ba người trong họ trở lên. Chi phí cho việc xây Piêng, mua tiểu và những vật lễ tế như con heo, 10 cái chén, bộ quần áo, chiếc chiếu được chia đều cho những người con gái. Còn người con trai cả trong gia đình chịu trách nhiệm thông báo cho chị em gái đã đi lấy chồng xa, chuẩn bị rượu thịt và ăn uống cho những ngày làm lễ. Nếu gia đình đó không có con trai thì họ hàng phải đứng ra lo liệu”.
Để làm lễ cải táng cho những người thân đã khuất, người thân và già làng phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật trước đó 3 tháng. Tất cả lễ vật như trâu bò, gà, dê, lợn, rượu được bày ra cả sân trước và sân sau nhà. Theo lệ làng, mỗi người dân trong bản phải đóng góp 100 ngàn đồng dùng vào công việc chung của bản, còn mỗi dòng họ con cháu phải đóng tiền riêng để lo cho lễ của họ mình.
“Trước lễ Ariêu Ping, đích thân mình đi đến các thôn bản khác mời mọi người tới tham dự lễ hội, có những lần còn đi ra mời bà con Pa Kô ở Quảng Trị vào tham dự. Khách đến dự lễ hội sẽ được sắp xếp chổ nghỉ, rồi mình còn đứng ra thu xếp chu đáo mọi việc ăn uống, nghỉ ngơi và tiếp chuyện khách.
Lễ sẽ được diễn ra trong 2 ngày 3 đêm, những ngày này mọi người sẽ ở lại bản chứ không ai được đi đâu hết. Cứ đến đêm thì tất cả già trẻ, trai gái và khách mời sẽ cùng nhau ca hát và nhau múa theo tiếng chiêng trống truyền thống của người mình”, già Quỳnh Hồ cho biết thêm.
“Nghĩa địa treo”- chốn linh thiêng của người Pa Kô
Người Pa Kô có lòng tôn kính rất đặc biệt với những người đã khuất. Sau khi an táng, thì người dân trong làng sẽ bị cấm đến khu nghĩa địa để viếng mộ, kể cả người nhà cũng không được tới. Nếu ai xâm phạm mà để người làng bắt được thì họ sẽ bắt vạ và đưa ra trước làng để chịu tội.
Tùy theo ý kiến của chủ lăng mộ mà có mỗi cách phạt và hình thức nặng nhẹ khác nhau. Thường thì phạt nhẹ cũng phải làm mâm cúng với một con heo lớn, một con gà và hai chai rượi, còn phạt nặng thì bắt người xâm phạm đó phải xây lại Piêng mới và bỏ tiền ra để người làng tổ chức lại lễ cải táng cho khu một vừa bị xâm phạm. Người Pa Kô vốn rất sợ ma, khi phát hiện có người xâm phạm mồ mả của người đã khuất thì họ sẽ bắt về phạt tội. Họ cho rằng sự xâm phạm đó gây nên tai họa, bệnh tật cho gia đình mình.
Sau một hồi ngồi nghe già làng kể về lễ Ariêu Ping cùng tục cải táng thì tôi ngõ ý muốn được già dẫn đi để mục sở thị những khu nhà mồ và những quan tài nổi, nhưng già làng đã từ chối vì ngay chính già cũng sợ ma, cũng sợ bị bắt vạ. Tôi thuyết phục mãi thì làng mới đồng ý cho tôi một mình vô xem. “Mình sẽ chỉ đường để anh đi chứ mình không đi cùng anh được, nhưng nên nhớ tuyệt đối không được ở lâu, không được bước chân vào trong Piêng và không được đụng đến bất cứ thứ gì nếu không anh cũng sẽ bị bắt vạ”, già Quỳnh Hồ nói.
Một mình men theo con đường mòn dẫn vào rừng nơi có những khu “nghĩa địa treo” tôi cũng bắt đầu có cảm giác rờn rợn khi nhớ lại những lời mà già Quỳnh Hồ nói. Đã thế khi đến nơi trước mắt tôi là khu nghĩa địa với khá nhiều nhà mồ với đủ hình dáng và trang trí nhiều hình thù kì dị, cái thì còn mới, cái thì đã hư hỏng và bị cây cối bao phủ, còn xung quanh tôi là núi rừng không một bóng người. Vì đây là chốn linh thiêng của người Pa Kô nên cũng không dám ở lâu, tôi chỉ ở đây đúng 5 phút và chụp vài ba tấm hình thì liền đi ra ngay.
Mỗi khi đến dịp lễ Ariêu Ping hoặc vào độ chiều 30 tết âm lịch thì già làng cùng những gia đình có người đã được cải táng mới được vào những khu nhà mồ để làm vệ sinh, quét dọn, phát quang, thắp nhang cho người đã khuất và kèm theo đó là một mâm cúng để xin phép người đã khuất mới được vào. Còn ngày thường thì dĩ nhiên là không mộ ai dám bén mảng tới vì chẳng ai muốn rước họa vào thân.
Hồng Ân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất