Kỉ niệm 57 năm thảm họa Munich: Mãi vẫn là 'Những đóa hoa thành Manchester'

08/02/2015 10:55 GMT+7

(lienminhbng.org) - 57 năm trước, ngày 6/2/1958, đội Manchester United thứ 2 và là đội vĩ đại nhất trong số 3 đội hình mà Sir Matt Busby gây dựng trở về nhà sau trận hòa 3-3 với Sao Đỏ Belgrade ở lượt về Tứ kết Cúp C1.

Kết quả đó giúp họ đi tiếp vào bán kết với chiến thắng 5-4 chung cuộc. Họ dừng lại để tiếp nhiên liệu ở Munich và 2 lần thử cất cánh không thành công do vấn đề với động cơ bên trái. Dù tuyết rơi, cơ trưởng quyết định thử lần thứ 3, chiếc máy bay trượt đi do tuyết đã tan trên đường băng, đâm qua hàng rào và lao vào một ngôi nhà.

Tiếc nuối một thế hệ tài năng

Đó là ngày đen tối nhất trong lịch sử đội bóng và trong 73 năm lịch sử bóng đá chuyên nghiệp ở Anh. Bảy cầu thủ thiệt mạng trong tai nạn là Roger Byrne, Eddie Colman, Mark Jones, Billy Whelan, David Pegg, Geoff Bent và Tommy Taylor. Ngôi sao sáng nhất Duncan Edwards bị thương nặng và qua đời 15 ngày sau đó.

Những người thiệt mạng khác gồm thư kí đội bóng và huấn luyện viên của Man United Walter Crickmer, Tom Curry và Bert Whalley, 8 phóng viên đi cùng đội, Henry Rose, Donny Davies, Tom Jackson, Archie Ledbrooke, Eric Thompson, George Follows, Alf Clarke và Frank Swift, cổ động viên Man United Willie Satinoff, người đại lý du lịch Bela Milkos và 2 thành viên của phi hành đoàn Ken Rayment và Tom Cable. Hai cầu thủ Jackie Blanchflower và Johnny Berry bị thương rất nặng và không thể chơi bóng được nữa.

Khắp nơi là sự tiếc thương vô hạn. Hàng nghìn người đã dự lễ tưởng niệm “Những đứa trẻ của Busby”, những cầu thủ trẻ, đầy sức sống và không biết sợ hãi tưởng như đã có thể chinh phục thế giới. Họ đã vô địch Anh 2 năm liên tiếp 1956 và 1957 với khoảng cách hơn đội thứ 2 lần lượt là 11 và 8 điểm, khi mà mỗi trận thắng chỉ được tính 2 điểm, chơi một thứ bóng đá tấn công đẹp mắt, đọng lại mãi trong tâm trí những người may mắn từng được theo dõi một đội bóng mạnh mẽ và đầy tiềm năng.

Những đoạn băng về chàng trai Edwards mạnh mẽ, những pha di chuyển biến ảo của Eddie Colman, những pha dứt điểm sát thủ của Tommy Taylor và người đội trưởng tốc độ và thanh nhã Roger Byrne càng nhấn mạnh thêm mức độ của mất mát này với Man United, cũng như với bóng đá Anh.

Mãi mãi tưởng nhớ

Jimmy Murphy, HLV đội 1 của Man United, người đã nuôi dưỡng những đứa trẻ tài năng này cho Sir Matt Busby, tóm gọn lại không thể tuyệt vời hơn nhiệm vụ của những người còn sống: “Tôi biết những chàng trai này hơn bất cứ ai. Tôi đã tìm thấy họ. Tôi nuôi dưỡng họ. Tôi ở đó với họ vào mỗi buổi sáng, trưa và tối, bất chấp mưa hay tuyết rơi. Họ để tôi hình thành nên tính cách của họ. Họ đã đền đáp tôi, đền đáp đội bóng này với kĩ năng, nhiệt huyết và giờ là mạng sống của họ. Những gì chúng ta cần làm không phải là tưởng nhớ kí ức về họ, mà là cho thế giới thấy chúng tôi là ai. Cho thấy chúng tôi không bị bi kịch đánh gục. Bởi vì tương lai của chúng tôi ra sao, phụ thuộc vào cách chúng tôi hành động hôm nay”.

Man United đã làm như thế. Với nòng cốt là thủ thành Harry Gregg và huyền thoại Bobby Charlton, những người sống sót sau thảm họa, Man United từng bước hồi sinh. Họ vào đến chung kết Cúp FA năm đó, với Jimmy Murphy cầm quân thay Sir Matt Busby, chỉ chịu thua Bolton 0-2. Sau đó, Sir Matt Busby trở lại, xây dựng nên đội hình Man United thứ 3 của ông, với những ngôi sao như George Best và Dennis Law. 10 năm sau thảm họa Munich, Man United đánh bại Benfica 4-1 ở sân Wembley, giành chức vô địch Cúp C1 đầu tiên trong lịch sử CLB, và hoàn tất quá trình hồi sinh từ đống tro tàn của con phượng hoàng lửa.

Dù đã đứng dậy từ bi kịch, Man United không bao giờ quên thảm kịch năm xưa, và luôn tri ân những cầu thủ đã nằm xuống, những người đã góp phần tạo nên một Man United hùng mạnh và được yêu thích như ngày hôm nay. Những đóa hoa của thành Manchester…

Thanh Hoài
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm