Kịch cổ điển cũng phải… cười được

26/01/2016 12:10 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Tháng 2/2016, vở kịch cổ điển Quan thanh tra mới ra mắt khán giả. Nhưng trong buổi tổng duyệt vở kịch vào tuần qua, việc khán phòng Nhà hát Tuổi trẻ luôn rộn tiếng cười có thể là một “phép thử” cho lần ra rạp sắp tới.

“Quan thanh tra” đã khiến khán giả cười, cho dù, những gì diễn ra trên sân khấu lại là câu chuyện của cả trăm năm trước, ở tận nước Nga xa xôi. “Trong tiềm thức của nhiều người, kịch cổ điển là cái gì đó rất hàn lâm, nặng nề và…bi đát. Họ quên rằng, tinh hoa sân khấu vẫn có không ít những vở hài kịch của Moliere, Chekov, Gogol”, ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát, cho biết. “Và, Quan thanh tra là một lựa chọn thích hợp với chúng tôi trong thời điểm này”.

Một thị trấn nhỏ với bộ máy hành chính ngột ngạt và tăm tối ở nước Nga vào thế kỷ XIX. Một gã bịp bợm xuất hiện, úp mở để thiên hạ tin rằng mình là “quan thanh tra”, từ thủ đô tới kiểm tra tình hình.


Cảnh trong vở “Quan thanh tra”

Gần 2 tiếng đồng hồ, tất cả những lo lắng, hồi hộp, khúm núm… của đám quan chức địa phương diễn ra quanh sự lừa bịp ấy. Và, để kéo câu chuyện lại gần hơn với khán giả, khá nhiều ngôn ngữ, tình tiết của “chuyện hôm nay” đã được đạo diễn NSƯT Chí Trung gia giảm vào kịch bản nguyên gốc.

“Cũng là hài kịch, nhưng việc dàn dựng Quan thanh tra khác một trời, một vực so với những tiểu phẩm hài vẫn được NHTT biểu diễn mấy năm qua” - ông Nhuận chia sẻ thêm - “Thay cho sự quanh quẩn của những lời thoại đầu môi trót lưỡi, của những mảnh vụn của cuộc sống thường nhật, diễn viên trẻ của chúng tôi phải làm quen với những yêu cầu rất khắt khe về diễn xuất và thể hiện chiều sâu tính cách nhân vật.”

Thực tế, sự thay đổi ấy chưa hẳn đã thật sự thành công - khi trong Quan Thanh tra, một vài diễn viên trẻ vẫn thấp thoáng để lộ thói quen diễn hài “hiện đại” bằng cách nhại lời, bằng những động tác hình thể ít nhiều dễ dãi. Thế nhưng, bên cạnh sự dàn dựng công phu với trang phục Nga và âm nhạc Nga đặc sệt, câu chuyện kịch khá hấp dẫn của Gogol vẫn đủ sức lôi cuốn sự tập trung của khán giả đến phút cuối cùng.

Cũng cần nói thêm,  Nhà hát Tuổi trẻ đang nằm trong lộ trình cắt giảm 30% kinh phí bao cấp mỗi năm (kể từ 2015 tới hết 2017) để chuyển sang giai đoạn tự hạch toán thu chi. Do vậy, có thể coi Quan thanh tra là giải pháp “2 trong 1” để vừa nuôi hi vọng đỏ đèn, vừa giữ vững truyền thống dàn dựng kịch cổ điển vài năm một lần như đã từng có trong kịch mục.Vở diễn dự kiến sẽ ra mắt chính thức từ 27/2/2016.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm