08/08/2017 07:23 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) – Là người hiếm khi rơi nước mắt, NSƯT Công Ninh đã rơi lệ vì Lan và Điệp bởi đây là câu chuyện mà ông rất yêu thích. Ông cho rằng đây là Romero và Julliet của Việt
Những đứa con oan nghiệt, Tắt lửa lòng và Tô Ánh Nguyệt - những tác phẩm vang bóng một thời - đã được đạo diễn Xuân Trang, Ngọc Duyên và Vũ Trần dàn dựng lại một cách mới lạ trong đêm thi thứ 12 của Kịch cùng Bolero có chủ đề Ký ức vàng son, vừa phát sóng vào tối ngày 7/8 trên kênh THVL1.
Đây cũng là đêm thi quyết định hai đạo diễn bước vào vòng chung kết xếp hạng. Giám khảo của đêm thi là NSƯT Công Ninh, NSƯT Kim Xuân, danh ca Phương Dung và diễn viên Việt Trinh.
Xuân Trang tái dựng Những đứa con oan nghiệt
Đạo diễn Xuân Trang mở màn với tác phẩm Những đứa con oan nghiệt, cảm tác từ kịch bản cùng tên của soạn giả Doãn Hoàng Giang. Đây là một tác phẩm sân khấu có tính giáo dục sâu sắc, đề cao phương pháp giáo dục nhân cách và môi trường giáo dưỡng trong mỗi gia đình. Tác phẩm lấy bối cảnh xa xưa, thời mà con người tha hóa vì đồng tiền, đạo đức xã hội xuống cấp.
Tiết mục mở đầu với hình ảnh lão tướng cướp Tư Chớp (Trung Dũng) ngồi buồn ủ rũ và ray rứt về những việc làm trong quá khứ của mình. Ngày còn trẻ, ông đã từng gây ra không ít tội ác, cướp không biết bao nhiêu tiền bạc của người dân và phụ bạc không ít phụ nữ. Và quả báo cho ông đó là cậu con trai tên Đức (Huỳnh Thanh Trực) đã kế thừa nghề ăn cướp của ông và càng lớn Đức càng trở nên bất nhẫn, côn đồ và đã giết không ít mạng người.
Khi Tư Chớp đặt vấn đề hoàn lương với Đức, cậu con trai đã mỉa mai và xát muối vào lòng người cha với quan điểm đây là nghề gia truyền: “Cướp ông sẽ sinh ra cướp con, cướp con sẽ sinh ra cướp cháu”. Hắn oán giận Tư Chớp bởi vì ông mà hắn phải sống lang bạt, xa quê hương, không có tuổi thơ và không biết mẹ của mình là ai. Tư Chớp đón nhận những lời trách móc của Đức như một quả báo mà ông phải trả cho những tội ác trong quá khứ của mình.
Điều an ủi duy nhất của ông đó là Nhân – người con ruột mà ông đã đánh tráo với Đức năm xưa nay đã trưởng thành, lương thiện và có con đường công danh rộng mở. Ông nhớ lại 18 năm trước, vì muốn đoạn tuyệt nghề ăn cướp truyền đời của dòng họ, ông đã đánh tráo đứa con vừa sinh của mình là Nhân (Âu Thành Cát) với đứa con cũng vừa mới chào đời của ông thầy đồ trong vùng là Đức.
Lớn lên trong sự dạy dỗ của thầy đồ, Nhân trở thành một thanh niên tốt, đang chuẩn bị thi trạng nguyên. Còn Đức thì trở thành một tên cướp giết người không gớm tay. Bí mật về việc hoán đổi thân thế vô tình lọt đến tai của Đức. Hắn giận vì cuộc đời bị đánh tráo nên đã bắt cóc Nhân và cho Nhân biết hết sự thật về người cha là tướng cướp của mình.
So với kịch bản gốc, thay vì Nhân chết thì ở tiểu phẩm của Xuân Trang, Đức đã chọn cách tự vẫn để có thể khép lại tất cả mọi chuyện, cũng như để chuộc lại những lỗi lầm của mình. Đức tha mạng cho Nhân vì muốn Nhân sống dùm phần đời lương thiện của mình. Trước khi chết, Đức đã hỏi Tư Chớp rằng trong suốt bao năm qua, ông ta có từng coi mình là con ruột không? Tư Chớp đau đớn trả lời lúc nào ông cũng coi Đức là con ruột. Tiểu phẩm kết thúc với hình ảnh người cha ôm xác con kêu khóc thảm thiết.
Với tiểu phẩm chỉ có 4 diễn viên và gói gọn chưa đầy 20 phút, vẫn còn nhiều dấu hỏi về việc Nhân có nhận lại cha ruột của mình hay không nhưng tựu chung tiết mục đã để lại nhiều cảm xúc cho người xem. Nữ giám khảo Việt Trinh đã nhiều lần rơi nước mắt. Chị nói: “Mỗi cách dàn dựng của mỗi đạo diễn khác nhau, nhưng cách dàn dựng nào chạm được đến trái tim người xem mới là cách dàn dựng tuyệt vời nhất. Và hôm nay Xuân Trang đã làm được điều đó. Cách dàn dựng ngắn gọn, súc tích mà quá hay! Diễn viên của em diễn xuất thần!”.
Nữ danh ca Phương Dung cho biết sau 50 năm bà mới được xem lại một đoản kịch rất hay. Bà chia sẻ từ năm 15 – 16 tuổi bà đã đi theo đoàn kịch của NSND Kim Cương diễn khắp tỉnh miền Trung, miền Tây. “Cả hai nhân vật người cha và người con đóng xuất sắc! Nhưng phải khen tặng người dàn dựng ra vở kịch này. Lời thoại súc tích, không lượm thượm. Phần nhạc đệm từ bài Quê hương đến bài Tình Cha rất tốt… Cảm ơn em đã cho cô có sự hồi ức giống như đang đi theo các em diễn trên sân khấu cách đây 50 năm” – theo danh ca Phương Dung.
NSƯT Kim Xuân nhận xét: Đoạn nhân vật người hầu và Tư Chớp nói về thân phận thật sự của Đức có phần dễ dãi quá và phần thể hiện tính cách của Tư Chớp có vẻ bị hiền hơn so với nhân vật. Tuy nhiên, bà đánh giá cao thông điệp của tác phẩm, không chỉ có giá trị ở thời xưa mà ngay cả ngày nay, khi mà người ta có thể dễ dàng giết người chỉ vì một va quẹt giao thông, hoặc chỉ vì những chuyện nhỏ cũng có thể nổi nóng với nhau. Chính môi trường sống tạo nên tất cả những chuyện đó. Bà khen đạo diễn Xuân Trang không chỉ có thế mạnh về kịch kinh dị, kì bí mà còn có thể làm kịch cảm xúc lay động lòng người, khiến cho Việt Trinh sụt sùi.
NSƯT Công Ninh khen Xuân Trang đã chọn lọc kịch bản tốt và biên tập từ 1 kịch bản dài thành một đoản kịch, nói lên được gần như toàn vẹn ý tưởng mà tác giả Doãn Hoàng Giang gửi gắm. Tuy nhiên, chỉ có điều tác phẩm thiếu bài hát bolero ở phần kết. Xuân Trang đã nhận được số điểm cao nhất trong đêm thi là 39,5 điểm cùng 10 triệu đồng tiền thưởng.
Xuân Trang chia sẻ lý do anh chọn kịch bản Những đứa con oan nghiệt là vì ngày xưa bố mẹ anh (NSƯT Minh Châu và nghệ sĩ Thanh Xuân) từng là diễn viên tham gia đóng trong vở này (phiên bản cải lương). Và NSND Hồng Vân – người nâng đỡ Xuân Trang vào nghề chính là đạo diễn dàn dựng vở cải lương đó. Anh muốn dàn dựng lại vở kịch để tri ân cha mẹ quá cố và NSND Hồng Vân.
Ngọc Duyên với Lan và Điệp trong Tắt lửa lòng
Tác phẩm của nữ đạo diễn Ngọc Duyên mang tên Tắt lửa lòng, cảm tác từ tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, được giới thiệu lần đầu tiên năm 1933. Tác phẩm nhanh chóng phổ biến và được chuyển thể thành kịch và nhạc. Soạn giả Trần Hữu Trang cũng đã biên kịch lại và chuyển thể lại thành vở cải lương Lan và Điệp vào năm 1936. Và cái tên Lan và Điệp trở thành huyền thoại từ đó. Khi thể hiện lại tác phẩm này, Ngọc Duyên đã xử lý khác hoàn toàn phần kết của câu chuyện.
Sau khi biết Điệp lên thành phố học và cưới cô tiểu thư nhà giàu Thúy Liễu, Lan đau buồn lên chùa xin được quy y. Điệp lên chùa tìm Lan nhưng Lan tìm cách tránh né. Điệp gặp một ni cô trong chùa và giải thích việc anh bị Thúy Liễu hãm hại chứ bản thân anh không phải là người vong phụ. Trong lúc Điệp chạy khắp nơi tìm Lan thì cô đau đớn, vật vã vì cuộc tình dang dở của mình. Vì quá kiệt sức, Lan ngã xuống hồ sen. Khi Điệp quay lại thì phát hiện Lan đã chết đuối. Vào vai Điệp là diễn viên Quang Thảo, vai Lan là nữ ca sĩ Hạnh Nguyên.
Tiết mục của Ngọc Duyên được đánh giá cao về bối cảnh sân khấu. Chị mượn 3 ca khúc Lan và Điệp (1, 2, 3) với sự thể hiện của Quang Thảo và Hạnh Nguyên để diễn tả và tóm lược nội dung câu chuyện. Đặc biệt, Ngọc Duyên đã thực hiện màn “tráo người” thật ngoạn mục trên sân khấu. Lúc nhân vật Lan ngã xuống hồ nước là do diễn viên Hạnh Nguyên đóng nhưng đến khi nhân vật Điệp phát hiện và bế cô lên, không ai nghi ngờ nữ diễn viên lúc này đã được thay thế, đến khi Hạnh Nguyên xuất hiện ở phía trước sân khấu để diễn tả hình ảnh Lan trong hồi ức thì mọi người đều bất ngờ và thán phục không biết nữ đạo diễn đã “tráo” người lúc nào.
Nhận xét chung về tiết mục, NSƯT Kim Xuân cho rằng tiết mục của Ngọc Duyên giống như một tiết mục ca nhạc kịch hơn là 1 câu chuyện kịch. Chị cũng cảm thấy tiếc vì hình ảnh nhân vật Lan xoay lưng thay áo dài sang áo nâu trầm và mái tóc dài không được khéo léo và hợp lý. Ngọc Duyên lý giải nhân vật Lan trong câu chuyện chưa xuất gia mà chỉ mới lên chùa làm công quả nên chưa xuống tóc và trùm khăn. NSƯT Kim Xuân tiếp tục bắt lỗi bởi nếu đúng như giải thích của Ngọc Duyên thì cô nên bỏ chi tiết Lan cắt tóc và thay màu áo nâu bằng áo lam.
Việt Trinh cũng đồng ý với ý kiến của NSƯT Kim Xuân. Giám khảo Việt Trinh thắc mắc không hiểu vì sao Ngọc Duyên lại ít để cho 2 diễn viên diễn những cảnh quan trọng mà thay vào đó là các bài hát. Ngọc Duyên lý giải vì chị muốn thể hiện nhân vật Lan và Điệp không có cơ hội để giải bày cùng nhau. Nữ danh ca Phương Dung cho rằng Lan và Điệp là tác phẩm kinh điển rất nổi tiếng ở thập niên 50 và từng được tài danh Năm Phỉ mang sang
Là người hiếm khi rơi nước mắt, NSƯT Công Ninh đã rơi lệ vì Lan và Điệp bởi đây là câu chuyện mà ông rất yêu thích. Ông cho rằng đây là Romero và Julliet của Việt
“Em xử lý dàn đồng ca rất giỏi. Lần đầu tiên trong chương trình tôi thấy dàn đồng ca cất lên tôi thấy nổi gai ốc” - NSƯT Công Ninh cũng cho rằng đây là 1 tiết mục cảm tác và ông cảm nhận nữ đạo diễn chỉ muốn mượn ý chính của câu chuyện, qua đó lồng vào quan điểm, cách nhìn của mình nên cô dù rất muốn đổi tên 2 nhân vật để khán giả không hiểu lầm nhưng vì sử dụng bài hát mang tên Lan và Điệp nên cô đã không đổi được. Ngọc Duyên cảm kích NSƯT Công Ninh đã nhìn thấy tâm tư của cô khi dựng vở kịch này. Tiết mục của đạo diễn Ngọc Duyên nhận được 39,25 điểm.
Vũ Trần dựng lại Tô Ánh Nguyệt
Tiếp tục giữ vững biệt hiệu “đạo diễn có thù với phụ nữ”, Vũ Trần đã dàn dựng lại vở kịch Tô Ánh Nguyệt, được cảm tác từ tác phẩm cải lương nổi tiếng của soạn giả Trần Hữu Trang. Nội dung của Tô Ánh Nguyệt đã quá quen thuộc với khán giả nên trong thời lượng có hạn, Vũ Trần đã mở màn bằng cảnh Nguyệt (Hồng Trang) bế con đến tìm người yêu là Minh (Quang Tuấn) nhờ anh nuôi con giúp, để cô có thể về quê chăm sóc bố mẹ. Trong lúc đang nói chuyện thì vợ của Minh (Nghinh Lộc) đến, Nguyệt buộc phải giả vờ là người sa cơ thất thế, phải mang con cho người nuôi dùm.
Vợ Minh đồng ý nuôi con của Nguyệt với điều kiện cô phải đi thật xa để không thể nhận lại con. Vì mong muốn những điều tốt nhất cho con, Nguyệt đã bằng lòng trao con cho người khác. Trước khi đi, cô nghe tiếng con khóc, như một phản xạ tự nhiên, Nguyệt vạch áo định cho con bú mà quên mất rằng cô vừa đánh mất quyền làm mẹ của mình. Mười tám năm sau, cuộc sống tạm ổn, với lòng thương con, Nguyệt tìm cách về ở gần con. Minh biết, tìm đến mong được cô tha lỗi và nối lại tình xưa nhưng Nguyệt không đồng ý vì không muốn có thêm một người phụ nữ đau khổ.
Cô chấp nhận số phận thua thiệt để Minh được hạnh phúc. Ngay khi Minh vừa ra về cũng là lúc cậu con trai tên Tâm (Nguyễn Anh Tú) xuất hiện với những lời lẽ khinh miệt vì cho rằng Nguyệt đã phá vỡ hạnh phúc gia đình mình mà không hay biết đó là mẹ ruột của anh. Cũng giống như người mẹ nuôi năm xưa, Tâm dùng tiền buộc Nguyệt phải dọn đi thật xa. Đau đớn tột cùng. Nguyệt vẫn câm nín nghẹn ngào nhìn con mình vô tình bất hiếu…
Nhận xét về tiết mục, giám khảo Công Ninh cho rằng chi tiết Nguyệt vạch vú cho con bú theo thói quen là chi tiết cực kỳ nhân văn, thể hiện tình cảm của người mẹ cực kỳ đẹp. Ông khen diễn viên Hồng Trang diễn chi tiết này xuất sắc. Tuy nhiên, ông không thích phần kết vì nhân vật Tô Ánh Nguyệt đã chấp nhận, tự nguyện hy sinh thì không được than vãn. NSƯT Kim Xuân nhận xét diễn viên Quang Tuấn nói giọng kịch, Hồng Trang có lúc nói giọng kịch, có lúc dùng cách nói lối của cải lương nên bị dội với Quang Tuấn.
Danh ca Phương Dung khen bài Phận má hồng được Hồng Trang thể hiện tốt, chỉ góp ý mỗi việc Quang Tuấn lúc hát giọng Bắc lúc hát giọng Nam. Việt Trinh cho rằng các đạo diễn và diễn viên trẻ chưa có nhiều trải nghiệm nên khi thực hiện các tác phẩm kinh điển, chị thấy được sự thử thách và áp lực của họ. Tuy nhiên, để được 3 tiết mục như hôm nay thì đó là sự chiến đấu ngoan cường của 3 đạo diễn. Tiết mục của Vũ Trần nhận được 39,25 điểm, bằng với đạo diễn Ngọc Duyên.
Mặc dù dành được số điểm cao nhất trong đêm thi chủ đề Ký ức vàng son nhưng với tổng điểm 4 đêm thi (Mưa đêm, Cô đơn, Tình – Tiền, Ký ức vàng son) là 155,25 điểm, thấp hơn đạo diễn Vũ Trần (157,25 điểm), đạo diễn Ngọc Duyên (157 điểm), nên đạo diễn Xuân Trang đã phải dừng chân. Đạo diễn Vũ Trần và Ngọc Duyên sẽ tranh tài trong đêm Chung kết xếp hạng Kịch cùng Bolero, được truyền hình trực tiếp vào lúc 21g thứ Hai ngày 14/8 trên kênh THVL1.
Mai Huệ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất