21/03/2022 19:10 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Có thể nói, hiện nay nhóm kịch Đời của nghệ sĩ Hồng Trang nổi bật nhất với mô hình kịch cà phê. Trụ được 12 năm đã là “kỳ tích”, lại diễn toàn chính kịch dài, cũng là một “kỳ tích”. Người ta nể “bà bầu” Hồng Trang vì tâm huyết với sân khấu và làm nghề nghiêm túc.
1. Vào nghề từ lâu, diễn nhiều ở sân khấu Thế Giới Trẻ, với những vai phụ đủ loại, từ trẻ tới già, từ bi tới hài, từ mùi tới độc, lẳng, hầu như Hồng Trang đều làm rất tốt. Kể cả khi tham gia game show với bạn bè, Hồng Trang cũng nổi tiếng là “Nữ hoàng trợ diễn” vì cô hỗ trợ rất lớn cho thí sinh, nâng chất lượng tiểu phẩm lên thấy rõ. Nhất là những vai bi, Hồng Trang diễn xuất sắc, bảo đảm người xem cứ chảy nước mắt. Cô cũng có nhiều vai trong phim ảnh. Thật sự nếu muốn chạy show thì Hồng Trang không thiếu.
Thế nhưng, dường như Hồng Trang còn mơ ước một điều khác nữa. Cô thèm những vở chính kịch. Cô thèm đóng những vai bi thật dài. Cô thèm dựng vở. Và cô đã tự mình thực hiện những điều đó một cách nghiêm túc lẫn… gian nan. Năm 2010, đôi tay nhỏ bé gầy dựng nên một “gánh hát” nhỏ bé đóng đô tại những quán cà phê cũng nhỏ bé. Trong nhóm, ngoài Hồng Trang có chút tên tuổi, còn lại hầu hết là những gương mặt trẻ, hoặc mới toanh, mới ra trường, Hồng Trang kiêm luôn vai trò đạo diễn hướng dẫn thêm cho các bạn.
Vậy mà họ đã dìu nhau đi hết 12 năm, với khoảng 70 vở ngắn dài và 100 diễn viên, hết lứa này tới lứa khác gắn với kịch Đời, buồn vui gian khó chia nhau. Những Nghinh Lộc, Phương Lan, Võ Ngọc Tân, Võ Ngọc Tiến, Tiết Duy Hòa, Bảo Bảo, Gia Linh, Minh Nghĩa, Lê Anh Bằng, Lâm Thắng, Thanh Lan, Phúc zalo… dần trở thành những cái tên quen thuộc, có người đã nổi tiếng từ lâu.
2. Bà bầu Hồng Trang mê chính kịch, cho nên trong kịch mục thấy toàn vở dài và hay lấy nước mắt khán giả. Hồng Trang chuyển thể những vở cải lương nổi tiếng như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Áo cưới trước cổng chùa thành kịch rất gọn, chừng 120 phút mà vẫn bảo đảm nội dung, bảo đảm xúc động. Hoặc những vở chính kịch như Thời con gái đã xa, Những chiếc que diêm, Gánh hát chiều Xuân, Ngũ hổ, Cạn dòng thương nhớ… đều nghiêm túc, chỉn chu không thua gì sân khấu lớn.
Ai từng xem Thời con gái đã xa (Nhà hát Kịch TPHCM sản xuất) sẽ vô cùng “lo lắng” khi thấy Hồng Trang dám đem về diễn tại quán cà phê. Một vở kịch đề tài chiến tranh chừng như khô khan, ngày xưa từng được những nghệ sĩ nổi tiếng như Tấn Thành, Đàm Loan, Kim Xuân biểu diễn, nay diễn lại liệu có kham nổi? Vậy mà Hồng Trang đã dắt khán giả đi hết những cung bậc đau thương thời hậu chiến.
Hoặc Đời cô Lựu đã có những cái bóng quá lớn của Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Diệp Lang… vậy mà Nghinh Lộc, Hồng Trang, Phương Lan, Tiết Duy Hòa đã chinh phục được khán giả. Đặc biệt Nghinh Lộc trong vai cô Lựu đẹp một cách u buồn, và Phương Lan vai cô Bảy cán vá có những nét hài riêng dễ thương vô cùng.
3. Gần đây, nhóm kịch Đời đã có điểm diễn mới là cà phê Doanh nhân (trong nội khu Cung Văn hóa Lao động TP.HCM), với 120 ghế ngồi khá đẹp. Và một loạt vở mới ra đời. Vẫn là kịch dài 120 phút, trong mỗi vở bi hài có đủ, người xem không bị nhàm chán. Ngũ hổ trong trẻo với tình bạn luôn thủy chung, tận tụy. Những cô cậu sinh viên mang trái tim trong veo mà đối phó với những sự cố trong đời.
Tình bạn, tình yêu được thử thách qua những cung đường mạo hiểm nhất. Ngày xưa có chuyện Lưu Bình, Dương Lễ, Châu Long, thì trong Ngũ hổ cũng có chuyện đẩy người yêu về phía bạn, làm đám cưới giả để tránh bị kiểm điểm, để được làm bài thi tốt nghiệp, rồi chăm sóc cho bạn lúc mang thai. Liệu lửa gần rơm có xảy ra sự cố? Liệu người ta có ghen hay không khi chứng kiến bạn mình gần gũi bên nhau? Liệu người ta có hối hận khi đã quá tốt với bạn bè? Liệu sự hy sinh ấy có xứng đáng? Liệu thời nay có còn chữ thủy chung, trung thực?
Đem câu chuyện tưởng chừng khó tin ấy lên sân khấu của thế kỷ 21, vậy mà nhóm kịch Đời đã khiến người ta phải tin. Bởi các bạn diễn chân thật quá, trong trẻo quá, không thấy kỹ xảo, không thấy giả tạo, khiến người ta yêu các bạn bởi nét thanh xuân tươi mới đó.
Cạn dòng thương nhớ lại là một bi kịch kiểu khác, nặng hơn, đau hơn, kinh khủng hơn, và cũng thấm thía hơn. Thấm thía cái triết lý sống trên đời, 2 chữ “lương thiện” có chỗ đứng hay không nếu ta bị đời vùi dập? Liệu ta có vùng vẫy và làm mọi cách như anh thanh niên tên Dũng quyết đổi đời, quyết có tiền để gia đình và bản thân không bị khinh rẻ? Khi hận đời, Dũng buông những câu nói vừa chua cay vừa như biện minh cho bản thân, nhưng có những lúc chùng lòng xuống mới thấy tính lương thiện không dễ gì mất đi.
Quả thật, để có tiền, Dũng đã bán rẻ đời mình, rồi nhận về một kết quả nghiệt ngã. Cuối cùng anh vẫn tay trắng ra đi, chưa kể đã mất một tình yêu mà anh từng chối bỏ. Nhưng tay trắng mà lòng nhẹ hơn, biết khóc vì hối hận, vì chưa đánh mất lương tâm. Cuộc đời còn mênh mang phía trước, hãy vững tay chèo tìm bến bình an.
Võ Ngọc Tân làm khán giả ngạc nhiên vì anh tiến bộ rất nhiều sau mấy năm cộng tác với kịch Đời. Vai Dũng lần này cho anh một cơ hội thể hiện đầy đủ tâm lý phức tạp, giằng xé, từ kỹ thuật biểu diễn cho đến giọng nói sân khấu đều rất đạt. Vai Bông của diễn viên Gia Linh vừa duyên dáng trong những miếng hài buông nhẹ, vừa thể hiện chất bi rất tốt, vừa giỏi về kỹ thuật hình thể bởi cô là dân tuồng cổ. Những lớp diễn say không dễ chút nào, Gia Linh đã làm khán giả thót tim khi cô loạng choạng, nhưng cô đã làm chủ hình thể một cách ngoạn mục.
Minh Nghĩa vai chồng cô chủ Ba Vàng (Hồng Trang đóng) là gương mặt mới cũng đầy triển vọng. Đặc biệt Bảo Bảo có khả năng đóng hài một cách bất ngờ. Đây là vở chính kịch có chiều sâu đáng kể trong kịch mục của Đời.
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất