06/02/2018 20:17 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Đủ bi và đủ hài, vở Giấc mộng vàng son của Kịch Hoàng Thái Thanh như một tân cổ tích - một “Chú Cuội ngoại truyện” - phát lộ những góc nhìn mới về tuồng tích cũ. Đây là vở kịch Tết thứ hai trong năm nay của sân khấu này, với biên kịch của Quang Thảo, đạo diễn Quang Thảo - Ngọc Duyên. Vở vừa công diễn ngày 3/2/2018.
1. Vở bắt đầu với giấc mộng ban ngày của Cuội (do Quốc Thịnh thủ vai) về cuộc hợp hôn với nàng Hằng Nga trên cung trăng, rồi bị chen ngang bởi Bưởi (NSƯT Tuyết Thu), cô vợ nông dân tảo tần của Cuội.
Câu chuyện có thể tóm tắt: Theo di huấn của tổ tông bao đời truyền lại, Cuội phải ôm gốc đa bay lên cung trăng kết hôn với Hằng Nga. Nên hằng ngày ra gốc đa trước nhà tiểu vào đó, mong đợi cây đa bật gốc để cùng bay lên trời. Cuội lên cung trăng thành nạn nhân nơi lãnh cung theo đúng nghĩa đen. Còn Bưởi sống trong bi kịch trần thế, oán hận người chồng phụ bạc và oán hận vầng trăng xa vời tới mức những người xung quanh cứ nghĩ cô bị điên.
Vở kịch đặt ra những nan đề có tính chất đối kháng và bất dung, nơi con người buộc phải lựa chọn trước những thúc bách mang tính khách quan. Về căn bản, mọi yếu tố khách quan đều mang tính chất cám dỗ và thách thức, nên thường đẩy con người tới chỗ mù quáng, nếu họ không đủ bản lĩnh để nhìn nhận.
Sự gào thét của Bưởi như một cảnh tỉnh mong manh dành cho chồng: “Mình ơi! Mình đã nhìn lên cung trăng quá lâu rồi”. Cảnh tỉnh đó là bất thành, khi người cần cảnh tình vẫn sống trong ảo tưởng về hạnh phúc, hơn là có được hạnh phúc ở thực tại. Và một mặt khác, trước những thúc bách khách quan, con người bị đặt vào thế oan ức khó lý giải, giữa cái lý mang tính logic với sự thật vượt ngoài nhận thức bình thường.
2. Để chuyển tải được những dụng ý trên, vở diễn đã vận dụng khá nhiều chất liệu, quan niệm. Như pha trộn tích ta với tích Tàu, pha trộn ý niệm kịch hiện đại với cổ điển, “phá bĩnh” những hình ảnh uy kính cổ trang để giễu nhại ảo ảnh vàng son… Thêm vào đó là sự hóa thân và tạo hình đa phong cách, thậm chí có phần “khó đỡ”, nhằm tạo nên sự sống động, tươi mới cho câu chuyện cũ. Hóa thân với vai Hằng Học - bà tiên già xấu xí “quản lý” các tiên nữ - mà Hồng Ánh đảm nhiệm là một ví dụ điển hình cho điều này.
Gần như viết lại một cổ tích đã quá nổi tiếng, nhà biên kịch phải xoáy vào yếu tố tâm lý nhằm giải quyết những băn khoăn về các góc khuất tâm hồn, đem chúng ra ánh sáng sân khấu. Sử dụng yếu tố tâm lý để nhìn lại tích xưa là điều khá quen thuộc trong nghệ thuật kể chuyện hiện đại, nhưng với vở kịch này, khán giả sẽ khá bất ngờ với các tình huống, tình tiết được đặt ra.
Thêm một điểm đặc biệt không thể bỏ qua, đó là vở diễn đã tạo được sự thích thú khi kết hợp khá hoàn hảo giữa phong cách viễn tưởng với chính kịch. Tuyến truyện kỳ ảo, hài hước và bi thảm nơi cung trăng được đan xen với tuyến truyện đời thực nơi trần gian đã tạo nên những nhịp điệu đan xen về cảm xúc cho câu chuyện được viết lại này.
Và trên tất cả, tân truyện này cũng cho thấy đôi khi thiên mệnh chỉ là một cái bẫy. Nó vừa đến từ chính sự tham vọng, mộng mị của mỗi người, cùng vừa đến từ hoàn cảnh sống éo le, nơi định chế khách quan muốn áp đặt mọi thứ.
Vở có sự tham gia của NSƯT Tuyết Thu, Quang Thảo, Quốc Thịnh, Hồng Ánh, Thế Hải, Tấn Phát, Lê Thúy, Kim Phước, Nguyễn Long, Đức Tuấn, Bình Minh, Võ Tấn Phát, Phương Trâm, Lê Hoàng Kim, Đình Vũ, Huy Võ, bé Huyền Trang… Cùng với Sài Gòn có một ngã tư, vở sẽ diễn trong 4 ngày (từ mùng 1 đến mùng 4) Tết Mậu Tuất sắp tới, mỗi ngày một suất.
Văn Đồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất