"Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp": Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc

06/12/2024 20:00 GMT+7 | Văn hoá

Cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp" gây bất ngờ không chỉ bởi sử liệu học thuật được sưu tầm kỳ công mà còn được in ấn chất lượng và đẹp mắt.

Sau khi tái bản thành công cuốn "Sài Gòn 1968 - 1998, ba thế kỷ phát triển và xây dựng" năm 2015, niềm đam mê với việc lưu trữ và thúc đẩy sự hiểu biết về kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc của Hà Nội, đã thôi thúc Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA và các cộng sự chính thức khởi động dự án dành riêng cho nghệ thuật kiến trúc thủ đô mang tên "Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp". Ngày 6/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Sun Group và Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA đã ra mắt "Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp".

"Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp": Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Khanh (bìa phải) – Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA - giới thiệu về cuốn sách với các vị khách mời

Ông Maurice Nguyễn – chắt của kiến trúc sư danh tiếng François Charles Lagisquet (một trong những kiến trúc sư thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội) cùng các đồng tài trợ AKA Furniture, Cara và chuỗi nhà hàng - café RuNam thực hiện "Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt –Pháp". Cuốn sách được thực hiện bởi một ban cố vấn hùng hậu về nội dung và viết tiếng Việt bởi tiến sĩ – nhà nghiên cứu - KTS Trần Quốc Bảo (giảng viên trường Đại học Xây Dựng Hà Nội) và dịch sang tiếng Pháp bởi dịch giả Thẩm Yến Linh. Phần hình ảnh chủ đạo do nhiếp ảnh gia Lê Hoàng thực hiện. Chủ nhiệm dự án là Trần Hải Anh, được biết đến tại Việt Nam qua cuốn truyện tranh "Sống" (NXB Kim Đồng, 2023).

"Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp": Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc - Ảnh 2.

Cuốn sách Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt Pháp

Như một sử ký Hà Nội được viết bằng nghệ thuật kiến trúc, cuốn sách đem đến cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về vẻ đẹp của kiến trúc Hà Nội qua các thời kỳ, bao gồm: Phần 1: Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội xưa; Phần 2: Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc với những phong cách điển hình là Beaux-Arts; Art Déco; Đông Dương, Kiến trúc Pháp thuộc thời kỳ đầu; Kiến trúc Thép, Gothique và Phần 3: Kiến trúc Hà Nội sau năm 1954.

"Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp": Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc - Ảnh 3.

Hình ảnh Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trong cuốn "Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp"

Chia sẻ về ý tưởng cho ra đời cuốn sách, ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA - chia sẻ: "Kiến trúc là đỉnh cao của sáng tạo thông qua việc tổng hợp nghệ thuật tạo hình và khoa học xây dựng. Kiến trúc của một quốc gia là một phần văn hóa và lịch sử của quốc gia đó. Với mong muốn gìn giữ những di sản kiến trúc vô cùng quý giá do lịch sử đem lại cho Hà Nội, chúng tôi đã quyết tâm làm cuốn sách này với một cách tiếp cận và cách làm hoàn toàn mới so với những cuốn sách về kiến trúc đã có trước đó".

"Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp": Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Kiến trúc AA - phát biểu

Theo chia sẻ từ lãnh đạo Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA, bên cạnh sự đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và kiến trúc sư dày dặn kinh nghiệm, đội ngũ thực hiện cuốn sách phần lớn là những người trẻ ở độ tuổi 30. Họ mang đến cách tiếp cận nghiên cứu sáng tạo, mới mẻ và hiện đại. Cuốn sách hứa hẹn không chỉ cung cấp những giá trị chuyên môn sâu sắc và giới thiệu nhiều hình ảnh quý hiếm chưa từng được công bố, mà còn được trình bày một cách hấp dẫn, dễ tiếp cận, phù hợp với đông đảo độc giả, đặc biệt là giới trẻ, vượt ra khỏi giới hạn của cộng đồng học thuật truyền thống.

"Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp": Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc - Ảnh 5.

Khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội

Ông Maurice Nguyễn (chắt của kiến trúc sư François Charles Lagisquet - một trong những kiến trúc sư thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội) kể: "Lịch sử gia đình tôi là gì? Cách đây hơn 50 năm, khi tôi đang trưởng thành ở Paris, nhà trường đã tổ chức thăm quan nhà hát Opéra Garnier, nhà hát siêu lớn của thành phố Paris. Với đôi mắt của một đứa bé 10 tuổi, tôi rất ấn tượng với bề thế của tòa nhà này. Tối hôm đó khi về ăn cơm với ba mẹ, kể lại câu chuyện mình đi thăm quan hát Opéra Garnier thì mẹ nói với tôi: "Con à, ở quê ba mẹ Hà Nội cũng có một nhà hát lớn rất đẹp, nhà hát đó được xây bởi ông cố của con. Ông cố là người Pháp, sang Việt Nam cuối thế kỷ 19 sau khi xong nhiệm vụ quân sự, sĩ quan quân sự của Pháp, thì ông làm kiến trúc sư cho thành phố Hà Nội và tham gia rất nhiều công trình của Hà Nội. Công trình lớn nhất và nổi tiếng nhất là Nhà hát lớn Hà Nội."

Từ lúc đó cho đến năm 1992, lần đầu tiên tôi bước chân đến thành phố Hà Nội, quê hương của ba mẹ tôi. Từ lúc đó trong đầu tôi luôn muốn đi tham quan công trình của ông mình xây dựng. Trước khi về Hà Nội, ba tôi cũng nhờ tôi "Con cố gắng ghé trường xưa mà ba học ở Hà Nội, trường Grand Lycée Albert Saraut".

"Sau khi check-in khách sạn Thăng Long ở Hồ Tây, tôi mau mau thuê xích lô, hồi đó taxi chưa có nhiều, để tham quan 2 công trình liên quan đến gia đình mình. Sau khi đi tham quan được Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi thấy nhà hát rất đẹp. Lúc đó không có xe nhiều ở Hà Nội, nhà hát cũng chưa tu sửa, sơn phết, cải tạo. Dù chưa đẹp như bây giờ nhưng không khí, đường xá xung quanh nhà hát rất đẹp, làm tôi cảm thấy rất lãng mạn trước công trình mà ông cố mình đã xây dựng..." - ông Maurice Nguyễn kể thêm.

Tiến sỹ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam viết trong lời mở đầu của cuốn sách: "Với cách thể hiện cô đọng, xuyên suốt, mô tả khá rõ con đường thăng trầm đã đi qua của kiến trúc Hà Nội, cùng với năng lực và tâm can của người viết, cuốn sách này đã đạt được mục đích: Đóng góp nhành hoa quý trong vườn hoa văn hóa xứ sở ngàn năm văn hiến, góp phần hữu ích cho sự cảm nhận chuyên môn sâu sắc".

Đọc "Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt –Pháp", có cảm giác ta đang được xem một cuốn phim về lịch sử Hà Nội, hay đúng hơn là được du hành ngược thời gian, trở về với Hà Nội của thế kỷ 19, 20 cùng các tác giả, đi vào từng ngóc ngách và chi tiết của 18 công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội qua các thời kỳ, đặc biệt là các công trình thời Pháp thuộc như Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, Nhà tù Hỏa Lò, Khách sạn Metropole Hanoi, Thư viện trường PTTH Chu Văn An…

"Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp": Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc - Ảnh 7.

Nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa - phát biểu

Nhà báo Lê Xuân Thành - TBT báo Thể thao & Văn hoá – tham dự cuộc ra mắt và chia sẻ cảm xúc về cuốn sách: "Khi nhận được bản PDF của cuốn sách từ Tập đoàn Sun Group, tôi đã ngay lập tức ấn tượng bởi cách trình bày nội dung chỉn chu và cuốn hút. Đọc từng trang, tôi càng cảm nhận rõ sự độc đáo trong cách truyền tải thông tin. Cuốn sách là kết quả của sự hợp tác giữa những tác giả trẻ đầy tài năng, ở độ tuổi 30-40, cùng các nhà nghiên cứu và kiến trúc sư giàu kinh nghiệm. Ở cuốn sách này, tôi thấy văn phong rất dễ hiểu và ở đó có 1 loạt các nội dung về kiến trúc, lịch sử được trình bày với giọng văn gần gũi, không bị nặng như một cuốn sách mang tính học thuật. Cảm nhận của tôi là cuốn sách rất hay và ở đây cũng xin chúc các tác giả, các chủ đầu tư đã làm ra cuốn sách rất có ý nghĩa như thế này.

Với tư cách một độc giả, đồng thời là người con của Hà Nội, tôi cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ với cuốn sách này. Những hình ảnh và lời chú giải trong sách gợi nhắc nhiều ký ức tuổi thơ. Ý nghĩa thứ hai nữa là đối với những người quan tâm đến Việt Nam, yêu Việt Nam và đến Hà Nội, cuốn sách này có thể xem như một cái guideline tuyệt vời, giúp cho khách du lịch nước ngoài có cái nhìn tổng thể và sâu sắc về Việt Nam và Hà Nội. Cuốn sách này không chỉ giúp du khách khám phá vẻ đẹp độc đáo của Hà Nội mà còn hiểu được tại sao Hà Nội là một thành phố rất đặc biệt, bởi có lẽ ở châu Á không có thành phố nào có kiến trúc mà nó mang tính đặc thù, mang phong cách Đông Dương.

"Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp": Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc - Ảnh 8.

Khuôn viên bên ngoài Thư viện trường THPT Chu Văn An

Tôi tin rằng cuốn sách này sẽ góp phần thu hút thêm nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam. Qua từng trang sách, vẻ đẹp của Hà Nội được tái hiện sinh động, bài bản và chuyên nghiệp, xứng đáng là một ấn phẩm có giá trị cao cả về nội dung lẫn hình thức. Mặc dù mức giá của cuốn sách có thể được coi là cao so với mặt bằng thu nhập tại Việt Nam, nhưng tôi cho rằng giá trị mà nó mang lại hoàn toàn xứng đáng. Đặc biệt, cuốn sách này, với giá trị văn hóa và nghệ thuật vượt trội, có thể trở thành ứng cử viên nặng ký cho các giải thưởng lớn. Báo Thể thao Văn hoá cũng tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội - một giải thưởng uy tín đã tồn tại suốt 17 năm qua. Và tôi nghĩ cuốn sách này là một trong những ứng cử viên nặng ký của giải thưởng này".

1.500 cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp" do NXB Thế giới in ấn và Phanbook phát hành đã chính thức ra mắt bạn đọc, với định dạng bìa cứng, thiết kế ấn tượng, dày 364 trang, song ngữ Việt – Pháp, kèm theo ấn phẩm là một video ngắn về quá trình thực hiện, nghiên cứu.

Thảo Nhi. Ảnh: BTC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm