Bức tranh thất lạc của Da Vinci: 'Báu vật' hay hàng nhái?

08/10/2013 13:30 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Các nhà nghiên cứu ở Italia tuyên bố, họ đã tìm thấy bức chân dung nữ quý tộc Isabella d'Este của danh họa Phục hưng Leonardo da Vinci (1452-1519), bị coi là đã thất lạc 500 năm và có nụ cười  huyền bí giống “nàng” Mona Lisa.

Theo kết quả xác định niên đại  bằng phương pháp carbon phóng xạ  tại Trường Đại học Arizona, bức tranh được vẽ vào khoảng năm 1460 - 1650. Bức tranh này nằm trong một bộ sưu tập tư nhân gồm khoảng 400 tranh và được một gia đình (giấu tên) cất giữ trong ngân hàng ở Thụy Sĩ.

“Không nghi ngờ gì nữa, bức chân dung này chính là tác phẩm của Da Vinci. Tôi nhận ra ngay đây là tranh vẽ của ông, đặc biệt là khi nhìn vào gương mặt người phụ nữ trong tranh” - ông Carlo Pedretti, Giáo sư lịch sử nghệ thuật danh dự thuộc Trường Đại học California (Mỹ), khẳng định trên tờ Corriere della Sera.


Leonardo Da Vinci

Cần thêm thời gian để có kết luận chắc chắn

Nếu đây đúng là tranh của Da Vinci và nếu các chuyên gia đều có chung nhận định rằng tranh được vẽ trước khi Da Vinci cho ra đời kiệt tác Mona Lisa, người ta sẽ phải tổ chức nhiều nghiên cứu mang tính chuyên sâu về nó.

Với kích cỡ 61cm x 46,5cm, bức chân dung có chất màu và lớp sơn lót mà Da Vinci thường sử dụng trong các bức tranh khác. Đây được cho là bản hoàn thiện bức phác họa nữ quý tộc Isabella d’Este của Da Vinci, hiện cũng được treo trong Bảo tàng Louvre ở Paris, cùng “nàng” Mona Lisa.

Da Vinci gặp bà Isabella d’Este, vợ một hầu tước, vào năm 1499 khi ông tá túc tại tư dinh của bà ở Mantua, vùng Lombardy, thuộc miền Bắc Italia (thủ phủ của vùng này là thành phố Milan). Lúc đó, D'Este là một nhà bảo trợ nghệ thuật và là một nhân vật hàng đầu ở Italia thời kỳ Phục hưng.

Cách ăn mặc của bà đã có ảnh hưởng tới phụ nữ khắp Italia và Pháp. Bà đã ngồi làm mẫu cho Da Vinci vẽ bức phác thảo bằng bút chì. Sau này, trong nhiều bức thư, bà đã khẩn nài danh họa hãy vẽ một bức chân dung hoàn chỉnh dựa theo bức phác thảo đó.

Bức tranh phác thảo bằng bút chì và bức chân dung hoàn thiện nữ quý tộc Isabella d’Este, được cho là của Da Vinci

Da Vinci hứa ông sẽ hoàn thiện bức chân dung, dựa theo bức phác thảo và không cần Isabella d’Este phải ngồi làm mẫu lại. Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ qua, giới sử gia nghệ thuật cho rằng, bức chân dung bà D'Este chưa bao giờ được Da Vinci hoàn thiện hoặc ông đã vẽ, nhưng tranh đã bị mất hẳn, không thể tìm lại.

Giả thuyết chưa hoàn thiện tranh được đặt ra dựa trên phỏng đoán Da Vinci không có thời gian hoặc không còn quan tâm tới mong muốn của bà Isabella d’Este. Nguyên nhân do một thời gian ngắn sau đó, ông bắt đầu vẽ một trong những họa phẩm lớn nhất của mình là The Battle Of Anghiari, bức bích họa nằm ở Tòa thị chính thành phố Florence. Sau đó, vào năm 1503, ông tiếp tục vẽ kiệt tác Mona Lisa.

Nhưng có một chứng cứ lịch sử cho thấy Da Vinci đã hoàn thiện bức chân dung bà Isabella d’Este. Năm 1517, khi đang ở Pháp, ông đã cho Hồng y giáo chủ  Luigi d'Aragona xem một loạt bức tranh và khiến trợ lý của ông d'Aragona phải ghi lại: “Có một bức tranh sơn dầu mô tả một quý bà vùng Lombardy”.

Nhà nghiên cứu Pedretti cho biết, sau hơn 3 năm nghiên cứu bức chân dung, giờ ông mới công khai tuyên bố phát hiện của mình. Tuy nhiên, ông cần vài tháng nữa để có kết luận chắc chắn về những yếu tố nhất định trong tranh, điển hình là chiếc mũ vàng trên đầu người phụ nữ quý tộc và chiếc lá cọ bà cầm trong tay, là do Da Vinci vẽ hay là công sức của học trò ông? 

Còn nhiều nghi ngờ

Người học trò ở đây rất có thể là Gian Giacomo Caprotti (1480-1524), có biệt danh là Salai (Quỷ nhỏ). Ông bắt đầu làm việc với Da Vinci từ khoảng năm 1490, khi mới 10 tuổi, và người ta tin rằng sau này ông đã trở thành tình nhân của danh họa. Salai sau này còn là người mẫu trong nhiều bức tranh khiêu dâm của Da Vinci.

Ông Martin Kemp, Giáo sư lịch sử nghệ thuật danh dự thuộc Trường Đại học Trinity, Oxford (Anh) đồng thời là một trong những chuyên gia xuất chúng nhất về Da Vinci, khẳng định nếu đây đúng là tác phẩm của danh họa Phục hưng, nó sẽ có giá “hàng chục triệu USD”. Nguyên nhân do thế giới hiện chỉ còn 15-20 họa phẩm đích thực của Da Vinci.

Tuy nhiên, ông Kemp đã đưa ra nhiều nghi ngờ về bức tranh. Chẳng hạn, bức chân dung Isabella d’Este được vẽ trên toan, trong khi Da Vinci thường vẽ trên bảng gỗ. Thêm nữa, Da Vinci đã trao bức tranh phác thảo cho nữ quý tộc Isabella d’Este, vì vậy sau này ông không thể tham khảo nó để vẽ một bức tranh sơn dầu hoàn chỉnh.

Theo ông Kemp, đây rất có thể là tác phẩm của một trong nhiều nghệ sĩ ở miền Bắc Italia, những người đã sao chép nhiều họa phẩm của Da Vinci.

VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm