Kim Chuông - Học mà vui như múa, như hát

05/05/2021 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Mở đầu chủ điểm Em yêu tổ quốc Việt Nam sách Tiếng Việt 2 (tập 2, bộ Cánh Diều) là bài thơ Bé xem tranh của nhà thơ Kim Chuông.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Lê Giang - Lư Nhất Vũ 'vi vu tình đời'

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Lê Giang - Lư Nhất Vũ 'vi vu tình đời'

Cặp đôi nghệ sĩ Lê Giang - Lư Nhất Vũ cùng đứng tên ở trang 52 sách "Âm nhạc 4" trong bộ giáo khoa tiểu học hiện hành. Trường hợp vợ chồng là đồng tác giả (chồng chỉnh lý, ký âm làn điệu, vợ viết lời mới cho dân ca) trong giáo khoa âm nhạc như cặp đôi này thật quý hiếm!

Đó là 20 dòng thơ trích từ bài thơ cùng tên in trong tập thơ Trăng cửa rừng do NXB Kim Đồng ấn hành năm 1989.

Viết về làng quê Việt Nam cho trẻ thơ Việt Nam

“Bé xem bức tranh

Mẹ mua ngoài tỉnh

Mắt bé long lanh

Chợt cười ngộ nghĩnh

Đây là đồng lúa

Chín cong đuôi gà

Hôm nào mẹ gặt

Thơm vàng trời xa

Đây đò cập bến

Trăng ngợp đôi bờ

Thuyền ai kéo lưới

Đằm trong tiếng hò

Ồ, đây giống quá

Chiều hè hôm nao

Cò bay ngược gió

Trong veo trời cao

Bé ngồi ngắm nghía

Bức tranh mẹ mua

Đúng rồi, ai đó

Vẽ về làng ta”

Chú thích ảnh
Bài “Bé xem tranh” trong sách “Tiếng Việt 2” (tập 2)

Thơ bắt đầu từ chợ tỉnh và kết ở làng ta. Đây là chiều thuận để tác giả, cùng người soạn giáo khoa kín đáo nói với người đọc thơ, với đứa trẻ lớp 2: Em yêu tổ quốc Việt Nam bắt đầu từ tình yêu em dành cho làng mình. Làng em đẹp lắm, cái đẹp tràn trề phải tả bằng những tính từ ghép, đã “trong veo” cao tít, lại còn “đằm trong” sâu thẳm. Cái đẹp chẳng những được nhìn thấy bằng thị giác, còn được hít hà để cảm nhận bằng khứu giác - “thơm vàng trời xa”. Giữa cái đẹp khoáng đạt, toàn cảnh nối bằng “trời cao” với “trời xa” lại hiện rõ nét cận cảnh bông lúa “chín cong đuôi gà”, như là một tỉ dụ ảnh, so sánh cái thật lớn với cái thật nhỏ, để cái lớn thì hùng vĩ hơn, cái nhỏ thì xinh xắn hơn.

Nếu so với nguyên bản 26 dòng in trong tập thơ dành cho thiếu nhi của Kim Chuông - Trăng cửa rừng mà sách giáo khoa đã trích 20 dòng thì “làng ta” của cô “bé xem tranh” còn thiếu cảnh đẹp, rất Việt Nam, rất thân thiện với thiên nhiên: “Đây là bãi cỏ/ Chỗ vũng trâu đằm/ Con chim bói cá/ Lượn tìm mồi ăn”. Nói thiếu là thiếu với thầy cô giáo, cần biết 10 dạy 1, chứ với học sinh lớp 2 thì 20 dòng thơ trích là đủ để các em có một bài tập đọc, vừa sức đọc, sức hiểu của mình.

Với nhiệt tình “biết 10 dạy 1” thì nên biết, viết về làng quê Việt Nam cho trẻ thơ Việt Nam, Kim Chuông là một tác giả có nhiều đóng góp, với 3 tập thơ viết cho các em. Chỉ với 6 dòng lục bát trong bài Vườn trưa dưới đây, Kim Chuông khiến làng quê Việt Nam hiện ra linh hoạt, sinh động như một trường đoạn phim hoạt hình, giúp trẻ em xem phim rồi say sưa cùng thiên nhiên, học siêng năng lao động, học chắt lọc chữ nghĩa, học cấu tứ tác phẩm, chỉ qua 1 điệp từ. Học mà vui như múa, như hát:

“Con chim vạch lá tập khâu

Con nhện thì tập bắc cầu trên cây

Con bướm tập múa suốt ngày

Con tò vò cũng tập xây cửa nhà

Cái nắng thì tập đi xa

Cả vườn trưa tập ngân nga hát chèo...”

Nhìn xa hơn vào công việc biên soạn sách giáo khoa thì hơn 20 năm trước, sách Thực hành viết đúng, viết đẹp (lớp 3, tập 2) của NXB Giáo dục đã có bài Hạt thóc của Kim Chuông:

“Cái ngày còn mặc áo xanh

Thóc nằm bú sữa trên nhành lúa tươi

Thóc xoa phấn trắng quanh người

Cho thơm cả ngọn gió xuôi mặt cầu

Lớn rồi thóc mặc áo nâu

Dầm mưa, dãi nắng nuôi bầu sữa căng

Chờ ngày, chờ tháng, chờ năm

Nứt tung vỏ trấu, tách mầm cây non

Thóc nằm như giấc ngủ ngon

Mà lòng thao thức như con mắt nhìn”.

Kim Chuông từ nhiều năm trước đã “thao thức” với văn học thiếu nhi, để hôm nay các nhà biên soạn giáo khoa có nhiều ngữ liệu, chọn lấy bài hay.

Góp công đào tạo những nhà văn trẻ

Không chỉ đóng góp bằng tác phẩm, nhà thơ Kim Chuông con góp công đào tạo những nhà văn trẻ, để sự nghiệp văn học nước nhà luôn có người tiếp nối. Tôi điện thoại hỏi chuyện này, từ Bình Phước, nhà văn Bùi Thị Biên Linh, nhớ lại:

“Trong các văn nghệ sĩ tôi được gặp tại Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, nhà thơ Kim Chuông là người tôi mang ơn sâu nặng nhất. Chẳng những thông qua Ty Giáo dục của tỉnh, chọn tôi từ nhóm học sinh giỏi văn toàn quốc, ông còn thay mặt Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình về tận Đồng Vy, Đông La, Đông Hưng, tìm tôi, thẩm tra năng khiếu và quyết định chọn tôi vào lớp sáng tác văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi khóa đầu tiên của Thái Bình. Lớp học năm ấy 1976 có 12 học viên.

Các thầy được mời giảng dạy đều là những nhà văn, nhà thơ danh tiếng: Tô Hoài, Phạm Hổ, Định Hải, Phong Thu, Bút Ngữ, Nguyễn Khoa Đăng, Lê Bính, Kim Chuông…Những trưa Hè nắng đổ lửa, thầy Kim Chuông, thầy Nguyễn Khoa Đăng, thầy Lê Bính… mỗi thầy một xe đạp cọc cạch, quay vòng, mỗi xe chở 2 học viên đi thư viện đọc sách, hoặc đi xem phim ở rạp…

Chú thích ảnh
Nhà thơ Kim Chuông

Trong 4 mùa Hè, lớp học tổ chức nhiều chuyến đi thực tế, lấy cảm hứng để viết. Chúng tôi đã được đi vườn Thuận Vi quê mình, ra thủ đô Hà Nội thăm lăng Bác, ra huyện đảo Cát Bà, thị xã Hòn Gai... Tôi không bao giờ quên được kỳ tham quan vịnh Hạ Long và mỏ Đèo Nai, Quảng Ninh. Một chuyến đi dài ngày. Có hôm các thầy đưa chúng tôi vào quán ăn. Nhiều món ngon, nhưng đắt, tiêu chuẩn của đoàn không đủ trang trải, nhà thơ Kim Chuông và nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng đã tự bỏ tiền túi của mình góp cho cô Oanh kế toán, để chúng tôi khỏi phải quay ra...

Khi chúng tôi có bài được đăng trên báo hay đọc trên đài phát thanh, các cô chú trong Hội rất vui. Nhà thơ Kim Chuông dễ xúc động, những lúc ấy, gương mặt thi sĩ thường rạng ngời, ánh mắt ông lung linh, khó tả…

Khi tôi chuyển vùng vào sống trong Bình Phước, biết tôi ước mơ có một tập thơ của riêng mình, nhà thơ Kim Chuông động viên và hết lòng giúp đỡ. Từ việc biên tập bài đến việc viết lời giới thiệu, tìm họa sĩ thiết kế, xin phép xuất bản… Và, đứa con tinh thần của tôi đã nhanh chóng chào đời”.

Đó là tập thơ Ý nghĩa ban mai (NXB Hội Nhà văn 2015) tập thơ được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2016. Và tháng 11/2020 tác giả Bùi Thị Biên Linh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, thành người “cùng hội cùng thuyền” với thầy Kim Chuông của mình.

Những câu hay, bài hay viết về Thái Bình

Nhà thơ Kim Chuông là con một ông đồ Nho người làng Thắng, xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng nhưng viết nhiều về Thái Bình nơi ông gắn bó 15 năm với lớp đào tạo mầm non văn nghệ như vừa nói ở phần trên. Đó cũng là nơi ông có tới hơn 900 buổi nói chuyện văn thơ ở các xã, các trường học, các đơn vị bộ đội, các câu lạc bộ văn học…

Là người liên tài, nhà thơ Kim Chuông được các nhà văn lớp trước như Hoàng Tố Nguyên, Lê Lựu ưu ái, truyền nghề. Ông nhớ lại những ngày nhà thơ Nam bộ Hoàng Tố Nguyên cùng mình hoạt động văn học ở Thái Bình:

“Anh Nguyên phải đi nạng từ bé. Với chiếc xe đạp Liên Xô cao nghều, cũ kỹ, tôi đèo anh đi khắp các làng quê trong tỉnh. Đến xã, huyện nào, tôi đều đưa anh Nguyên vào các phòng văn hóa, các đội văn nghệ. Ở đâu cũng diễn ra các cuộc gặp gỡ, các buổi trò chuyện văn chương lý thú, bổ ích. Công chúng bấy giờ rất khát thơ và hết sức mến mộ các nhà thơ, anh Nguyên lại có giọng đọc thơ truyền cảm, và gương mặt phương phi, phúc hậu.

Anh Nguyên biết rõ bệnh tim của mình. Hôm ấy anh gọi, tôi và nhà thơ Lê Bính cáng anh bằng chiếc võng tăng vào Bệnh viên Đa khoa của tỉnh. Nhưng không kịp, anh Nguyên bị nhồi máu cơ tim và mất sau 2 tiếng đồng hồ nhập viện.

Sau khi anh Nguyên mất được 6 tháng, nhà văn Bút Ngữ và tôi, chọn biên tập cho anh Nguyên tập thơ. Tôi lên Hà Nội mấy lần, làm việc trực tiếp về bản thảo với nhà thơ Chế Lan Viên. Chế Lan Viên rất yêu quý anh Nguyên. Chính ông đặt tên tập thơ là Từ nhớ đến thương và viết cho anh Nguyên một lời tựa thật đẹp!”.

Nhưng đóng góp đáng kể nhất là những câu hay, bài hay nhà thơ Kim Chuông viết về đất lúa, đất chèo Thái Bình. Ông có trường ca Độc thoại về chùm số thống kê trên một vùng quê lúa đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học do Hội Nhà văn Việt Nam & Tổng cục Thống kê Trung ương tổ chức năm 1981.

Trong trường ca này, nhiều lần tên đất Thái Bình được nhắc! Và trên khuôn mặt đã hình tượng hóa của vùng đất này, ngọn bút Kim Chuông, kẻ đường chân mày sắc nét, rất nhạc, rất họa: “Điệu hát chèo uốn cong ngọn tre làng…”.

Như ta đã nghe trên kia, đây là vùng đất, đến cây lá cũng như xanh bằng chất chèo: “Cái nắng thì tập đi xa/ Cả vườn trưa tập ngân nga hát chèo...”. Và vì mê chèo, học chèo, theo chèo nên Kim Chuông tìm ra cách nói về phong cách văn học của chính mình, khi anh vẽ chân dung văn học của nhân vật nổi nhất, trong các vai chèo cổ Việt Nam: “Không đâu, tạo hóa chẳng đùa/ Tình tang… yểm một lá bùa thăng hoa/ Bảo Màu sống khác đi a?/ Màu mà sống khác! Không ra Thị Màu”.

Soi gương Thị Màu mà thấy mình thì người ấy, Thái Bình quá đi!

Bút danh Kim Chuông cũng là tên trong khai sinh. Ông sinh năm 1947, từng đi bộ đội, học Trường Viết văn Nguyễn Du, từng là Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Bình kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình. Ông đã xuất bản 32 đầu sách và nhận được nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật. Kim Chuông hiện sống và viết ở TP Hải Phòng.

(Còn tiếp)

Lê Vũ Thư

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm