24/09/2015 05:14 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - V-League 2015 đã kết thúc, gói tài trợ độc quyền với Toyota cũng đã đáo hạn, nhưng chưa có động thái nào cho thấy thương hiệu toàn cầu đến từ Nhật Bản sẽ tiếp tục gắn bó với nhà tổ chức VPF, với giải đấu cao nhất Việt Nam. VPF liệu đã chuẩn bị các phương án khác nếu Toyota rút êm? Thể thao & Văn hoá có cuộc trao đổi với Phó TGĐ VPF Phạm Phú Hoà, người phụ trách truyền thông và tài trợ ở VPF.
“Toyota đã gửi văn bản chính thức và trong tháng 9 này, cùng với các bên trung gian, chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau để xem có tiếp tục hợp tác nữa hay không và hợp đồng sẽ ký mấy năm. Tất nhiên, chúng tôi cũng đã có những phương án sơ cua”, ông Phạm Phú Hoà cho biết.
Ăn đong từng nồi
* Không giống như Eximbank từng ký hợp đồng tài trợ V-League đến 3 mùa liên tiếp, tại sao và như thế nào, Toyota lại chỉ ký năm một? Phải chăng họ e ngại sản phẩm mà VPF chào bán không đạt yêu cầu?
- Nói Eximbank ký hợp đồng tài trợ 3 năm liên tiếp không hẳn đúng với bản chất. Trên thực tế, chúng tôi cũng chỉ ký năm một với họ và có điều khoản gia hạn. Sau khi kết thúc mỗi mùa giải, đôi ba bên sẽ ngồi lại với nhau thương thảo và ký mới. Gói hợp tác với Toyota cũng thế. Họ là thương hiệu toàn cầu và chúng tôi cũng cần phải có sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm (giải đấu), cung cách phục vụ - đáp ứng các yêu cầu trong hợp đồng mới có thể thuyết phục họ tiếp tục hợp tác.
Qua đánh giá sơ bộ của đại diện Toyota Việt Nam và nhà môi giới, V-League 2015 đạt yêu cầu đề ra. Họ đánh giá rất cao những nỗ lực của nhà tổ chức khi tận mắt về Đồng Tháp hôm trao Cúp vô địch cho B.Bình Dương, sau trận đấu cuối. Tiến trình đàm phán là rất khả quan.
* Với quan điểm cá nhân, ông có cho rằng V-League 2015 thành công tốt đẹp, làm vừa lòng nhà tài trợ chính và nhà tài trợ đồng hành không, khi chúng tôi thấy giải đấu còn khá nhiều sạn, với đỉnh điểm là các trận đấu “có mùi”, vấn đề trọng tài và bạo lực sân cỏ chưa được cải thiện là mấy?
- Chúng tôi và bộ phận tổ chức giải đấu đã cố gắng, nỗ lực hết sức. Theo đánh giá, hiệu quả công việc đạt được cỡ 80%, thế đã là thành công lớn đối với một doanh nghiệp rồi. Và điều quan trọng, nhà tài trợ cảm thấy hài lòng với sản phẩm cũng như chất lượng phục vụ mà mình mang lại. Còn về chuyên môn, xin phép tôi không thể bàn tới. Nó không thuộc địa hạt mà tôi phụ trách.
* Về mặt phương thức, ngoài nhà tài trợ độc quyền là Toyota, nhà tổ chức có thể kêu gọi thêm các nhà tài trợ đồng hành, nhưng theo quan sát của chúng tôi, hình như bộ phận tài trợ - quảng cáo của VPF chưa hoạt động hết công suất. Liệu có cấn cá cá nhân nào trong mối quan hệ công việc ở nội bộ VPF không, thưa ông?
- Như đã nhắc ở trên, chúng tôi thực sự đã tận lực vì Công ty và vì các giải đấu mà mình đứng ra tổ chức, hoàn toàn không có sự cấn cá nào cả. Ngoài Toyota, VPF cũng đã kêu gọi được thêm LienvietPostBank (Ngân hàng Bưu điện Liên Việt) và một vài nhà tài trợ đồng hành khác như ĐTLA, HAGL (mỗi đơn vị 5 tỷ đồng/mùa giải)…
Tức là về cơ bản, chúng tôi không ăn đong từng nồi. Toàn bộ số tiền thu về sẽ được tính toán rất chi ly, bao nhiêu chi cho khoản nào, tất cả đều minh bạch. Hàng năm, VPF vẫn dành ra khoảng 20 tỷ đồng để hỗ trợ các CLB, từ giải hạng Nhất QG đến Toyota V-League…
Nhà tài trợ độc quyền Toyota cũng không không buộc các CLB không được nhận tài trợ - quảng cáo từ các đơn vị cùng ngạch sản phẩm, ví như B.Bình Dương vẫn có Trường Hải Auto đặt bảng quảng cáo trên sân… Như thế, có nghĩa là VPF đã cố gắng tạo được cơ chế khá thông thoáng cho giải đấu, cũng như các CLB rồi.
Tiền đồ có thật xán lạn?
* Là dân kinh doanh – quản trị bóng đá, ông thừa hiểu rằng, chỉ có một sản phẩm tốt và không lỗi mốt mới có thể thuyết phục được thị trường, hay nói thẳng là mới bán được. Với diễn biến như hiện tại, ông có tin rằng các giải bóng đá chuyên nghiệp QG sẽ xanh-sạch-đẹp hơn không?
- Chúng tôi vừa ra mắt kênh truyền hình Internet YouTube VPF ở giai đoạn lượt về, để phục vụ việc quảng bá giải đấu tốt hơn, qua đó đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Anh nói đúng, người tiêu dùng sẽ là bộ phận trực tiếp đón nhận và thẩm định nó, chứ mình có muốn nói tốt cũng khó.
Kể từ khi VPF đứng ra tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp QG, rõ ràng là tính chuyên nghiệp đã được cải thiện nhiều. Cái gì cũng cần thời gian và tôi tin rằng, V-League sẽ tiếp tục được nâng dần lên về chất.
* Ông nói là một phần ngân quỹ sẽ được đưa vào quỹ lương để trả cho nhân viên Công ty, cũng như các bộ phận giúp việc khác. Vậy ông có thể tiết lộ quỹ lương ấy là bao nhiêu/năm không? Ngoài ra, theo thông tin thì sắp có một cuộc tái cấu trúc ở thượng tầng VPF, ắt sẽ có nhiều biến động?
- Về quỹ lương thì phải hỏi anh Viễn (TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn - PV), chứ tôi không thể nắm được bao nhiêu, cũng như lương cụ thể trả cho từng người, từng bộ phận.
VPF hoạt động bắt đầu từ Hội đồng Quản trị, rồi đến Ban giám đốc và các phòng ban trực thuộc khác, tất cả đều được giám sát và đều rất minh bạch. Vì hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần, nên rất dân chủ. Nếu có một cuộc cải tổ về nhân sự, đấy cũng là chuyện bình thường thôi, chứ không có gì phải ầm ĩ cả.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
1 Toyota là thương hiệu toàn cầu đầu tiên tài trợ chính cho V-League và họ cũng là nhà tài trợ nước ngoài 100 % đầu tiên trong lịch sử giải đấu. 4 Petro Vietnam Gas là nhà tài trợ gắn bó lâu nhất với V-League bằng bản hợp đồng có thời hạn 4 năm từ năm 2007 tới năm 2010. 7 Trải qua 15 năm tồn tại, giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia Việt Nam (V-League) đã có 7 nhà tài trợ khác nhau. |
Tùy Phong (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất