27/09/2015 21:45 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Trong suốt ngày 27/9, đúng vào rằm Trung thu nên không khí thật tưng bừng trên các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt là gần chiều tối, người dân đổ dồn về khu vực phố cổ Hà Nội với tràn ngập sắc màu đồ chơi Trung thu, âm nhạc, tiếng trống, tiếng hát rộn ràng…
Không chỉ các em nhỏ mà cả các nam nữ thanh niên và người lớn cũng háo hức dạo quanh khu phố cổ Hà Nội để được cảm nhận không khí Trung thu xưa và nay với những đồ chơi, trò chơi đậm đà bản sắc truyền thống của dân tộc.
Những con rối biểu diễn của nghệ nhân làng Tế Tiêu được trưng bày tại
Trung tâm Văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ). Ảnh: Mỹ Anh
Khu vực trung tâm thu hút người dân đến vui chơi trong những ngày này là khu phố Hàng Mã và một số tuyến phố lân cận. Không khí ở đây luôn rộn rã tiếng trống, tiếng nhạc với sắc màu rực rỡ trải dài cả khu phố. Có thể dễ dàng nhận thấy không chỉ có những vị phụ huynh đưa con đi chơi, mà còn có các bạn trẻ đến đây để mua sắm các món hàng độc đáo như vương miện, bờm cài tóc, vòng phát sáng...
Những chiếc tò he với hình nhân vật ngộ nghĩnh, những chiếc trống cầm tay hoặc những con rối giật dây cũng là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Tết Trung thu là một trong những tết cổ truyền của người Việt Nam nên tôi lựa chọn cho con trai 1 chiếc đầu sư tử được làm thủ công và trang trí khá sặc sỡ".
Phố hàng Mã rực rỡ màu sắc và đông nghịt người. Ảnh: Mỹ Anh
Không khí vui Trung thu tràn ngập khu vực phố cổ và tại nhiều tuyến phố khác của Hà Nội. Trên các tuyến phố cổ như: Hàng Thiếc, Hàng Lược... , người dân tại đây đã dựng lên một số phông bạt trang trí chủ đề Trung thu kèm theo một mâm cỗ nhỏ để trẻ em quanh đó có thể đến chung vui, phá cỗ.
Quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, tại khu vực sảnh của Tràng tiền Plaza tổ chức múa lân, phía bên ngoài là các gian hàng trưng bày một số sản phẩm Trung thu đặc trưng từ các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam...
Trưng bày sản phẩm con giống bằng giấy bồi của họa sĩ Nguyễn Phan Bách. Các em nhỏ sẽ được dán những tờ giấy của mình lên con giống để tạo nên tác phẩm bằng giấy bồi tại Trung tâm Văn hóa phố cổ Hà Nội. Ảnh: Mỹ Anh
Điểm nhấn của Trung thu năm nay là chuỗi hoạt động văn hóa đón Trung thu tại các điểm di tích trong phố cổ. Tại đình Kim Ngân (số 42-44 Hàng Bạc), các nghệ nhân đã trực tiếp hướng dẫn các em thiếu nhi làm các món đồ chơi trung thu truyền thống như: Đèn ông sao, ông tiến sỹ, ông đánh gậy, diều giấy, nặn tò he, hướng dẫn cách chơi trò chơi Trí Uẩn...
Cùng với việc tập làm đồ chơi, các em còn được giải thích ý nghĩa của từng loại đồ chơi truyền thống này. Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ) tổ chức trưng bày và biểu diễn rối cạn do các nghệ nhân đến từ làng rối Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) biểu diễn.
Chương trình múa rối cạn thu hút đông đảo người xem từ trẻ nhỏ đến người lớn và cả những vị khách du lịch đến từ các quốc gia khác
tại Trung tâm Văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ). Ảnh: Mỹ Anh
Đồng thời, tại đây cũng giới thiệu tư liệu ảnh về Tết trung thu xưa. Ngoài ra, ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây còn được chọn là nơi giới thiệu không gian ngôi nhà truyền thống của người Hà Nội xưa trong dịp Tết Trung thu và tranh thiếu nhi của nhóm họa sĩ Hạnh Art. Tại đây, các em thiếu nhi còn được tìm hiểu về nghệ thuật làm con giống bằng giấy bồi.
Theo ghi nhận, các khu trông xe bố trí ngăn nắp, gọn gàng, không có hiện tượng chèo kéo khách và mức giá chung là 20.000 đồng/1 xe. Để đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực, lực lượng dân phòng được huy động, phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra thường xuyên. Đặc biệt là những khu bán hàng được bố trí dọc lối đi, hàng quán được xếp gọn để người dân có thể đi lại dễ dàng.
Cẩm Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất