01/04/2014 13:44 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Xin trả lời ngay, gót Achilles là: tính ổn định. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vừa lập kỳ tích đoạt HCV, lập kỷ lục mới ở Cúp bắn súng thế giới tại Mỹ và Nguyễn Tiến Minh trong suốt 5 năm qua vẫn là tay vợt nằm trong top 10 thế giới. Họ có tài năng, đẳng cấp thế giới và họ thường xuyên đẩy cảm xúc của chúng ta vào cảnh… bơ vơ.
1. Kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh (sinh năm 1974) làm được trên đất Mỹ vào tối ngày 29/3 chắc chắn sẽ được các trang báo thể thao vài chục năm sau nhắc đến như một “huyền thoại” y như cách mà chúng ta hiện nay đang nói về kỷ lục thế giới do xạ thủ Trần Oanh lập được vào năm 1962.
52 năm trước tại giải bắn súng quân đội các nước XHCN ở Tiệp Khắc (cũ), xạ thủ Trần Oanh lập kỷ lục thế giới ở nội dung súng ngắn ổ quay với 587 điểm, phá kỷ lục của tay súng người Mỹ là 586 điểm.
Xạ thủ Trần Oanh trở thành VĐV đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20 phá kỷ lục thế giới nên không có gì khó hiểu khi cố VĐV người Tĩnh Gia (Thanh Hóa) được bầu chọn là “VĐV xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ 20”.
Bây giờ, chúng ta đang chứng kiến một kỷ lục gia thế giới thứ hai người Việt là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với kỷ lục 202,8 điểm ở nội dung 10m súng ngắn hơi.
Đây không phải là thành tích “ăn may” bởi trước đó Hoàng Xuân Vinh đã vô địch châu Á 2012 và vô địch thế giới 2013 cũng ở nội dung súng ngắn hơi 10m. Cả 2 tấm HCV này đều là những thành tích đầu tiên và cao nhất của bắn súng Việt Nam ở đấu trường châu lục lẫn thế giới.
Song, ở hai giải đấu mà giới quản lý lẫn người hâm mộ thể thao chờ đợi, là Asiad và Olympic thì anh đều “ngã ngựa” đầy tiếc nuối.
Ở Asiad 16 tại Quảng Châu năm 2010, Hoàng Xuân Vinh đang ở đỉnh cao phong độ và kinh nghiệm giắt lưng là chiếc HCĐ súng ngắn hơi 10m đồng đội tại Asiad Doha 2006 (Qatar) nên kỳ vọng đặt vào anh rất lớn. Kết quả ở loạt cuối cùng, khi đang ở vị trí dẫn đầu, Xuân Vinh lại để súng cướp cò, từ vị trí quán quân đã tụt xuống hạng 13.
Tại Olympic London 2012, Hoàng Xuân Vinh trong lượt chung kết nội dung súng ngắn 50m tự chọn, các loạt đầu anh bắn đều từ 9,5 -10,2 điểm. Ở lượt thứ 9 (áp chót) chỉ cần anh bắn đạt 8 điểm là coi như “cầm chắc huy chương”, vậy mà anh bắn có… 7,3 điểm để rồi lượt cuối cùng anh lại bắn 10,2 điểm nhưng chỉ để về hạng tư với 658,5 điểm, thua người đoạt HCĐ là Vương Trí Vỹ (Trung Quốc) đúng 0,1 điểm.
2. Với Hoàng Xuân Vinh chúng ta có thể dài dòng để giới thiệu thành tích song với Nguyễn Tiến Minh lại đơn giản hơn nhiều bởi anh quá nổi tiếng vì cầu lông là môn thể thao đại chúng. Nhắc đến Tiến Minh thành tích lớn nhất của anh là chiếc HCĐ ở giải VĐTG 2013 tại Quảng Châu và thứ hạng cao nhất mà anh đạt được là hạng 5 Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF).
Với các giải đấu nhà nghề Tiến Minh đã đăng quang ở Thailand Grand Prix 2009, giải đấu có thể được coi như Master 1000 của tennis. Với những giải cấp thấp hơn “Grand Prix” là “Open”, Tiến Minh đã vô địch ở Đài Loan (Trung Quốc) 2008, Việt Nam mở rộng 2008, Mỹ 2013.
Ở giải đấu danh giá nhất của làng cầu lông là giải toàn Anh, giải đấu được ví như Wimbledon của tennis, Tiến Minh lọt vào đến tứ kết năm 2013.
Và Tiến Minh cùng với Jan O.Jorgensen (Đan Mạch) được cho lập kỷ lục với rally kéo dài hơn 2 phút với 108 lần chạm cầu ở tứ kết giải VĐTG năm ngoái.
Tất cả những thống kê trên cho thấy, Tiến Minh có đẳng cấp chứ nhưng giống như Hoàng Xuân Vinh, cứ hễ khi nào người ta chờ đợi và hy vọng ở anh nhiều y như rằng Tiến Minh lại gục ngã.
3. Thể thao Việt Nam vẫn có những tài năng xuất chúng, đủ điều kiện vươn lên tầm thế giới nhưng lại không có được thành tích xứng đáng như mong đợi. Cứ đến lúc kỳ vọng nhất, Xuân Vinh hay Tiến Minh lại vấp ngã.
Tại sao vậy? Thứ nhất vì những tài năng như Xuân Vinh hay Tiến Minh đều đến với chúng ta theo kiểu “lúa trời". Xuân Vinh đến 26 tuổi mới bắt đầu con đường bắn súng chuyên nghiệp. Tiến Minh cứ “đánh chơi chơi” đến tận năm 18 tuổi mới chính thức theo nghiệp cầu lông để rồi 1 năm sau (2002) VĐQG và duy trì khả năng “độc cô cầu bại” đến tận bây giờ.
Ở các nền thể thao chuyên nghiệp, họ tìm tài năng theo kiểu “đãi cát tìm vàng” với quy trình chuẩn mực và rèn luyện cả về chuyên môn lẫn tâm lý để rồi lọc ra được những VĐV giỏi chuyên môn và tâm lý cứng hơn thép. Thậm chí với thể thao Trung Quốc ở môn bóng bàn người ta còn quan niệm khi tuyển chọn VĐV nhí là chuyên môn có thể đào tạo được nhưng tâm lý thi đấu là không đào tạo.
Trong khi đó, với nền thể thao nghiệp dư, VĐV tài năng đến với ta theo kiểu “một hôm đẹp trời nào đó” thì tất yếu thành tích cũng sẽ theo kiểu “một hôm đẹp trời nào đó” rồi đến “ngày xấu trời” là… chẳng có gì hết.
Đó là câu chuyện mà chúng ta buộc phải chấp nhận ở một nền thể thao nghiệp dư và từ đó trân trọng, yêu quý hơn những Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Tiến Minh, Hoàng Anh Tuấn, Lê Quang Liêm, Phan Thị Hà Thanh...
Đăng Khoa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất