19/10/2018 08:39 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Tại ASIAD 2018, một gương mặt lạ hoắc đã gây chấn động khi giành 2 tấm huy chương, trong đó có chiến tích Bạc lịch sử ở nội dung siêu khó 1.500m tự do nam sau một cuộc đua tranh sòng phẳng với kỷ lục gia thế giới Sun Yang. Đúng một tháng sau, ở Olympic lại chính kình ngư 18 tuổi ấy tiếp tục lập kỳ tích với ngôi đầu trên đường bơi 800m tự do.
Đó là Nguyễn Huy Hoàng, một hiện tượng độc nhất vô nhị không chỉ của Thể thao Việt Nam, mà thậm chí phần nào đó cả với làng bơi quốc tế, nhất là xét trong điều kiện đầu tư theo kiểu Việt Nam.
Sự xuất hiện và thăng tiến của một “thần đồng”
Kình ngư 18 tuổi quê Quảng Bình bắt đầu được nhắn đến với vụ lùm xùm trong tuyển chọn nhân sự chính thức đại diện Việt Nam dự tranh nội dung 1.500m tại SEA Games 29, mà anh là người thất thế. Vào phút chót anh mới được chọn nhờ thành tích vượt trội ở cuộc đấu tuyển nội bộ. Để rồi, Hoàng đã rực sáng trên đất Malaysia khi đoạt HCV với một thông số phá kỷ lục SEA Games tới gần 11 giây.
Đến ASIAD 2018, dù đặt kỳ vọng , song chính giới chuyên môn cũng phải kinh ngạc trước cuộc bứt phá và bùng nổ khó tin của tài năng trẻ hoàn toàn vô danh ở đấu trường đỉnh cao châu lục.
Ngày 20/8, Huy Hoàng đã xuất sắc vượt qua nhiều hảo thủ để giành tấm HCĐ nội dung 800m tự do nam, đồng thời phá kỷ lục quốc gia của chính mình. Đây cũng là tấm huy chương Á vận hội đầu tiên của một nam kình ngư Việt Nam.
Đáng nể hơn, chỉ sau đó đúng 4 ngày, Hoàng lại gây sốc cho đường bơi xanh châu lục với một cuộc đua tranh sòng phẳng với kỷ lục gia thế giới Sun Yang ở nội dung 1.500m tự do. Thậm chí, có thời điểm, tuyển thủ Việt Nam đã vượt lên trước, và chỉ chịu thua ở những mét cuối cùng. Hoàng đã đoạt tấm HCB lịch sử, với một thông số hơn màn trình diễn của chính mình ở SEA Games tới gần 19 giây.
Sự xuất hiện và thăng tiến của một “thần đồng” ấy đã được Hoàng kết thúc hoàn hảo ở Olympic trẻ với ngôi đầu đường bơi 800m. Càng kinh ngạc hơn bởi rái cá này tiếp tục rút ngắn thời gian hoàn thành đường đua của mình hơn 4 giây so với ASIAD, chỉ sau đúng 2 tháng. Rất tiếc vì nếu chương trình Olympic có cự ly “tủ” 1.500m tự do, có thể bơi Việt Nam đã có thêm một tấm HCV, và được chứng kiến kỷ lục nối dài của Hoàng.
Ngay từ bây giờ đã có thể khẳng định, Huy Hoàng chính là tài năng lớn nhất mà bơi Việt Nam từng có. Ánh Viên cũng từng đoạt 2 HCĐ ASIAD 2018 ở tuổi 18 như Hoàng. Tuy nhiên, những gì Hoàng thể hiện và vươn tới thuyết phục hơn nhiều, đặc biệt ở nội dung 1.500m tự do.
Những tấm huy chương “vàng ròng”… rẻ nhất thế giới
Nếu nhìn vào hành trình chinh phục đỉnh cao của Huy Hoàng, chắc chẳng ai dám tin vì nó quá đặc biệt, đặc biệt đến mức kỳ lạ về cả điều kiện lẫn cách thức đầu tư. Có thể nói, những tấm huy chương “vàng ròng” của anh đã có được bằng chi phí chắc chắn thuộc diện… rẻ nhất thế giới.
Trong suốt thời gian chuẩn bị cho ASIAD 2018, hay nói chính xác hơn, kể từ khi khởi nghiệp, Hoàng không có chuyến xuất ngoại tập huấn nào, cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Suốt cả năm trời, và ngay cả khi đã là nhà vô địch SEA Games, kình ngư đất Quảng Bình cũng chỉ được cọ xát ở một giải quốc tế duy nhất.
Tính toán một cách định lượng tương đối, tổng kinh phí đầu tư cho Hoàng trong cả chiến dịch ASIAD và Olympic trẻ chỉ vài trăm triệu đồng, một con số chẳng biết nên vui mừng hay buồn lo.
Mừng vì Huy Hoàng quá siêu. Lo vì trên thế giới, chẳng ở đâu người ta lại phát hiện, chăm lo, thúc đẩy một tài năng đặc biệt như vậy. Và cũng phải đặt câu hỏi, nếu được đào tạo theo đúng quy chuẩn quốc tế, Hoàng đã có thể còn tiến xa tới đâu nữa?
Không thể “tấn công” Olympic theo mô hình… Ánh Viên
Thành tích giúp Huy Hoàng đăng quang Olympic trẻ ở nội dung 800m tự do (7:50.20) đã vượt qua chuẩn A Olympic (7:54.31). Dù vòng loại phải đến năm 2019 mới bắt đầu, song Hoàng dư sức tái lập và nâng cao. Việc Hoàng đạt chuẩn A để thẳng tiến tới Thế vận hội Tokyo 2020 hoàn toàn trong tầm tay. Một vị trí trong Top 8 Olympic 2020 hay tấm HCV ASIAD 2022 là một đích nhắm có thể phấn đấu với Hoàng.
Vấn đề lớn, cũng là thử thách cơ hội, đặt ra cho cả ngành thể thao cùng những người làm bơi Việt Nam là làm sao để có thể nâng “viên ngọc” mang tên Huy Hoàng lên tầm thế giới. Với những gì Hoàng đã thể hiện, khi mà tài năng của anh mới bắt đầu bước vào độ chín, điều này hoàn toàn khả thi.
Câu chuyện với Huy Hoàng suy cho cùng vẫn nằm ở cách thức đầu tư và đào tạo. Phương án đưa Hoàng sang tập huấn dài hạn một trung tâm quốc tế hàng đầu có lẽ cần được tính đến và tính kỹ, để tài năng trẻ này cần phát huy được những ưu việt và cũng tránh được những nguy cơ, hạn chế thấy rõ của mô hình Ánh Viên.
Một khác biệt, cũng là thuận lợi cực lớn của Huy Hoàng so với đàn chị chính là việc nguồn lực không bị dàn trải ra nhiều nội dung, không bị gánh cả chục HCV mỗi cuộc SEA Games “thời vụ” mà sớm chuyên sâu cho hai “mũi nhọn” 800m và 1500m tự do. Việc có một chuyên gia giỏi chuyên môn, rất phù hợp cũng là một lợi thế.
Sự hụt bước của Ánh Viên ở ASIAD với rất nhiều bất cập được hé lộ cũng là một bài học “nóng” để chính ngành thể thao, môn bơi có những sự điều chỉnh, thay đổi mang tính đột phá trong việc đầu tư cho Huy Hoàng cùng các tài năng trẻ đặc biệt khác.
Nguyễn Huy Hoàng sinh năm 2000 ở thôn Thanh Tiến, xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), làng quê bên bờ sông Gianh. Hoàng là con út trong gia đình có 6 anh em, cha mẹ làm nghề chài lưới. Năm 2011, khi đang còn là học sinh trường tiểu học Tiến Hóa, Nguyễn Huy Hoàng tham gia Hội khỏe Phù Đổng tỉnh và được chọn vào đội tuyển năng khiếu của tỉnh. Hai năm sau, Huy Hoàng đầu quân cho Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM, sau đó chuyển đến Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia ở Cần Thơ để tiếp tục đào tạo và tài năng của Hoàng cũng bùng nổ từ đó. *** Với tấm HCV sáng giá trên đường bơi 800 tự do, Huy Hoàng đã giúp cho TTVN lần đầu giành được 2 HCV tại một kỳ Olympic trẻ. Sự rực sáng của kình ngư mới nổi này đã gây sửng sốt cho cả làng bơi quốc tế. Chuyên trang bơi lội hàng đầu thế giới Swimswam cũng có bài viết ca ngại chiến tích của tuyển thủ Việt Nam, do cây bút Jame Sutherland thực hiện, nổi bật với dòng tít “Nguyễn Huy Hoàng xô đổ kỷ lục quốc gia, giành HCV 800m tự do tại Thế vận hội trẻ”. |
Tường Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất