Cơ hội 'làm ăn' từ 'Kong: Skull Island'

25/02/2016 07:10 GMT+7

(lienminhbng.org) - Một bức ảnh ngôi sao phim Kong: Skull Island ăn bánh mì, mặc váy thổ cẩm Việt Nam đưa lên mạng xã hội ngay lập tức đã thu hút hàng chục nghìn “like” khắp thế giới, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của Hollywood. Không phải ngày nào Việt Nam cũng có “sao” Hollywood đến quay phim. Và thật đáng tiếc khi không tận dụng cơ hội này.

Ngày 21/2, tại Hà Nội, Bộ VH,TT&DL tổ chức một cuộc họp báo cho đoàn làm phim Kong: Skull Island. Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL - NSND Vương Duy Biên và Cục trưởng Cục Điện ảnh - TS Ngô Phương Lan đã tham dự sự kiện này. Ngoài ra, khi về các địa phương, đoàn làm phim đều được đón tiếp rất nồng hậu.

So với khi đoàn làm phim Hollywood PAN vào Việt Nam quay vào năm 2015, sự đón tiếp với đoàn Kong: Skull Island có phần nồng nhiệt. Nhưng ít nhất, điều đó cho thấy một sự thay đổi lớn của ngành văn hóa. Cũng đáng, khi đây có thể coi là những cơ hội thực sự của Việt Nam.

Thay đổi

Trước đây nhiều năm, vào thập niên 1990, Việt Nam nổi tiếng “khắt khe” khi đã từ chối một loạt phim nổi tiếng toàn cầu, khiến họ phải đến nước khác quay như: Forrest Gump, Born on Fourth July (Sinh ngày 4/7), Apocalypse Now (Ngày tận thế), Earth & Heaven (Trời và Đất), Điệp viên 007... Trong khi đó, những nước nhận lại cơ hội này đã kiếm bộn tiền nhờ cho thuê bối cảnh, ngoài ra, ngành du lịch của đất nước họ cũng được hưởng lợi khi hình ảnh đất nước họ lên phim Hollywood.


Nữ diễn viên Brie Larson tung ảnh thử áo thổ cẩm lên trang cá nhân.

Nước láng giềng Thái Lan không chỉ tận dụng cơ hội mà còn phát triển lên tầm mà Việt Nam hiện đang “đuổi không kịp”. Theo Cục Điện ảnh Thái Lan, năm 2015, nước này thu 89 triệu USD từ hoạt động sản xuất 724 bộ phim của nước ngoài (trong đó có 63 phim truyện điện ảnh).

Đến năm 2013, Bộ VH,TT&DL và Cục Điện ảnh mới bắt đầu tổ chức các hội thảo quảng bá du lịch qua điện ảnh cho thấy sự quan tâm đến “quyền lực mềm” là văn hóa, nhưng chưa thực sự hiệu quả. Xét về thực lực, điện ảnh nội địa còn rất yếu kém, nên ngành du lịch khó có thể kì vọng kết hợp với ngành điện ảnh.

Trong khi đó, việc các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam lại đem đến hiệu quả thấy ngay thì lại chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài việc Việt Nam được lợi trong việc cho thuê bối cảnh, làm dịch vụ điện ảnh cho họ, nếu phim của họ thành công, các danh thắng Việt Nam sẽ có được cơ hội quảng bá hiếm thấy.

Việt Nam đã thực sự “trải thảm đỏ”?

Hiện nay các công ty tư nhân Việt Nam đã chủ động quảng bá khả năng cung cấp dịch vụ điện ảnh của họ trên mạng, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các hãng phim nước ngoài. Nhưng so với Thái Lan chưa ăn thua.

Nếu tìm trên mạng từ khóa “quay phim ở Thái Lan” bằng tiếng Anh sẽ thấy rất nhiều trang web quảng bá Thái Lan là một điểm đến hấp dẫn; web cung cấp thông tin thủ tục làm phim ở Thái Lan, web giới thiệu các đơn vị có khả năng cung cấp dịch vụ làm phim tại Thái Lan. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng rất ủng hộ các hoạt động này và đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ.


Lực lượng an ninh bảo vệ trường quay “Kong: Skull Island” tại Quảng Bình từ cách 3km. Ảnh: Hi Trang

Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế không thua kém Thái Lan về phong cảnh, về văn hóa, nhưng lại chưa có khả năng cung cấp dịch vụ, cũng như chưa thực sự có sự “welcome” các đoàn làm phim nước ngoài. Thể thao & Văn hóa từng trao đổi với đại diện tại Việt Nam của một số hãng phim Mỹ, người này cho biết: “Một số hãng có ý định vào Việt Nam 2016, nhưng họ cũng chỉ rập rình thôi. Họ sẽ phải cân nhắc, do thủ tục của Việt Nam khá phức tạp khiến họ ngại”.

Trao đổi với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, người bỏ tâm huyết viết đề án “Marketing Việt Nam thông qua Nghệ thuật điện ảnh”, ông cho biết: “Để không bỏ lỡ cơ hội như điều đã từng xảy ra trong quá khứ, nhà nước phải có chủ trương, chính sách, chủ động mời các hãng phim nước ngoài vào làm phim, tạo điều kiện cho họ về mặt thủ tục, miễn thuế, ưu đãi về thuê bối cảnh, các địa điểm ăn ở cho đoàn làm phim…”.

Ông Phần cũng cho rằng dù lâu dài hay tình thế thì các hình thức liên kết làm phim với người nước ngoài và Việt kiều vẫn mang được những lợi ích thiết thực, nhiều mặt cho đất nước nói chung và cho sự phát triển ngành điện ảnh nói riêng trong những năm tới.

The Beach được Hollywood quay tại Thái Lan từ năm 2000, nhưng đến giờ du lịch Thái Lan vẫn đang được hưởng lợi từ việc quảng bá đảo Koh Phi Phi - địa điểm The Beach ghi hình.

Còn ở Việt Nam vào năm 1992, đạo diễn Pháp Pierre Schoendoerffer đến làm phim Điện Biên Phủ, ông đã cho xây dựng cả một chiến trường Điện Biên Phủ ở Sơn Tây.

Sau khi phim làm xong đã bàn giao cho Việt Nam, cũng từng có ý kiến giữ địa điểm này làm trường quay, nhưng sau đó được 2-3 tháng địa điểm này do không được trông coi đã bị ăn cắp, phá hoại.

Năm 2002, đoàn Người Mỹ trầm lặng vào Việt Nam, nhưng sự quan tâm cũng rất ít. Một họa sĩ thiết kế bối cảnh của bộ phim này cho biết: Khi nam diễn viên chính Người Mỹ trầm lặng là Michael Caine quá cảnh tới Thái Lan, nước này trải thảm đỏ đón ông.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm