“Siêu nhạc hội” Kpop không "sốt" như nhiều người tưởng

30/11/2012 07:00 GMT+7 | Văn hoá


(lienminhbng.org) - Hai ngôi sao Tấn Minh và Thanh Lam của Việt Nam góp mặt một cách rất “chấm phá” ở đầu chương trình, phần chính có tên Music Core, tên một chương trình âm nhạc của đơn vị tổ chức là đài MBC (Hàn Quốc), bắt đầu ngay sau đó.

Khán đài đầy khoảng trống

Nguyên một dàn sao Kpop cực kỳ hùng hậu khoảng 70 người, chưa tính các vũ công nhảy nền đã không thể thu hút khán giả tới lấp đầy sân vận động Mỹ Đình vào tối qua (29/11). Không biết 50.000 vé mà ban tổ chức phát ra đi đâu về đâu, hoặc đã bị hủy nếu bị thừa như lời tuyên bố của chính BTC. Ước tính, số lượng khán giả tham gia chưa được bằng nửa con số 50.000. Theo quan sát của phóng viên TT&VH có khoảng 10 ô trên khán đài trống hoàn toàn hoặc rất thưa thớt. Khu vực đứng vốn được coi là điểm nóng nhất cũng không đông đến mức chật kín, trái lại còn khá nhiều khoảng trống nên không xảy ra chen lấn nghiêm trọng.

 
Tấn Minh (trái) và Thanh Lam mở đầu chương trình

Đêm MTV Exit năm 2010 với sự góp mặt của Super Junior còn đông khán giả hơn, mặc dù nếu so sánh thì sẽ không hợp lý, bởi MTV Exit là chương trình phát vé miễn phí, còn Đại nhạc hội Kpop bán vé.

Phải dành lời khen cho sân khấu của chương trình: đẹp, hệ thống chiếu sáng tuyệt vời, với hai màn hình LED khá to trình chiếu hình ảnh thật chuyên nghiệp đã đem lại những khoảnh khắc mãn nhãn cho khán giả.

Dựa vào diễn biến trên sân vận động, có thể thấy các nhóm nhạc được cổ vũ nhiệt tình nhất là DBSK, SNSD và T-Ara. Ba cái tên này thỉnh thoảng lại được hô lên rầm rộ nhất. Đây cũng là ba nhóm có các cụm người hâm mộ “chiếm lĩnh” các phần khán đài bằng màu sắc đặc trưng của “fanclub”, lần lượt là: fan DBSK với màu đỏ ở khán đài D, fan SNSD màu hồng ở khán đài A và fan T-Ara màu vàng ở khán đài C.


Màn dẫn chương trình của 3 thành viên xinh đẹp trong nhóm nhỏ của SNSD là TaeTiSeo thực ra không có gì khác so với màn xuất hiện của họ trong Music Core hàng tuần trên đài MBC. Khác chăng là lần này họ nhắc đến Việt Nam nhiều hơn và còn bày tỏ mong muốn được đến… vịnh Hạ Long. TaeTiSeo vẫn dẫn chương trình kiểu đối thoại với nhau, và có những lúc người dịch hoàn toàn im hơi lặng tiếng vì không theo kịp. Ba cô gái tự nói tự nghe, khán giả… ngắm họ và hiểu đôi chỗ, nhưng đến tên các nhóm nhạc hoặc ca sĩ thì ai ai cũng nghe ra cả.

“Bắt bài” Kpop

Với những ai không quen xem và nghe Kpop, chứng kiến nhiều nhóm nhạc cùng biểu diễn tối qua sẽ rất khó phân biệt, bởi họ đều được nhào nặn chung từ một công thức: K pop.

Có hai yếu tố chính làm nên một ca khúc Kpop gây sốt trong cộng đồng fan: Thứ nhất, giai điệu thật bắt tai, đặc biệt ở điệp khúc; Thứ hai, có một điệu nhảy đi kèm dễ nhớ, dễ thuộc và (nếu có thể thì) dễ bắt chước. Hầu hết các màn biểu diễn nhận được sự reo hò cổ vũ trong đêm nhạc đều đáp ứng hai yếu tố đó: Mister (Kara); Genie, Mr. Taxi, The Boys (SNSD); Ma Boy (Sistar); Roly Poly (T-Ara), I Don’t Need A Man (Miss A), Bubble Pop (Hyun A)…


Tất nhiên với kiểu nhảy tốn sức và kỹ thuật như các nhóm DBSK hay Miss A thì yêu cầu thứ ba là thách đố bằng điệu nhảy.

Nói tóm lại, với Kpop, thông điệp ca từ có vẻ bị coi nhẹ trước hai yếu tố giai điệu và điệu nhảy. Có nhiều bài hát, kể cả dịch được nghĩa rồi nhưng người nghe vẫn chẳng hiểu nó nói gì, chỉ biết nghe vui tai, dễ nhớ.

Một công thức khác. Sau khi SNSD thành công rực rỡ với mô hình “quần short khoe chân dài đều tăm tắp” trong Genie, thành thử các nhóm nhạc và ca sĩ nữ Kpop khác (theo như người viết chứng kiến trong đêm Đại nhạc hội) đều mặc quần short khoe chân dài, trừ… SNSD. Nhóm này lại mặc đồ veste kít mít từ đầu đến chân cho cả 3 tiết mục.

Cũng không lạ khi các nhóm nhạc, ca sĩ lần lượt lên sâu khấu và (cả nam lẫn nữ đều) nhảy ầm ầm mà vẫn hát được, bởi hầu hết đều hát trên nhạc nền thu sẵn cả nhạc lẫn lời, nhất là phần điệp khúc. Nên có những đoạn rõ ràng ca sĩ không hát mà vẫn có tiếng hát thì không việc gì phải ngạc nhiên. Giới hâm mộ Kpop nổi tiếng với thủ thuật “MR removed” - tách nhạc nền khỏi bài hát biểu diễn trực tiếp để nghe giọng hát thật của ca sĩ. Khi đó, việc ca sĩ hát live hay hay dở sẽ rõ rành rành.

Với các nhóm nam (riêng DBSK sẽ được đề cập sau), có F.T. Island vui nhộn với giọng ca chính Lee Hong Ki có thể tự chơi nhạc cụ, cũng là một điểm độc đáo nếu so với các nhóm khác biểu diễn khá một màu: hát - nhảy. Bên cạnh đó, cần kể đến Yoseob của nhóm Beast với màn biểu diễn cùng “đồng đội” Jun Hyung. Yoseob có giọng hát đặc biệt, cuốn hút, nổi bật trong số các giọng ca nam trong chương trình.

Teen Top được khán giả đón nhận nhiệt liệt với màn hát ca khúc Bèo dạt mây trôi của Việt Nam. Công bằng mà nói, chỉ có một thành viên đầu tiên hát hay và phát âm tiếng Việt tốt, số còn lại chất lượng giọng hát cũng hơi… hữu nghị.

Của để dành

Đại nhạc hội đã tìm cách níu chân khán giả bằng một chiêu rất đơn giản, sắp xếp cho ngôi sao nổi tiếng nhất biểu diễn cuối cùng. Nhóm nhạc nam hai thành viên DBSK được giao trọng trách này.

DBSK chỉ xuất hiện trong 10 phút cuối cùng của chương trình. Chính vì thế, sự mong đợi của cộng đồng Cassiopeia (người hâm mộ DBSK), vốn khá đông so với các fanclub khác, càng được đẩy lên đến đỉnh điểm.

Xem DBSK mới hiểu tại sao mặc dù họ không còn ở đỉnh cao của sự nghiệp, cũng không phải là tên tuổi “hot” nhất của Kpop hiện nay, nhưng vẫn là nhóm nhạc đầu đàn khó thay thế của Kpop.


Hai chàng trai không hát một bài pop ballad nào cả, dù trước đây khi DBSK còn 5 thành viên thì pop ballad, thậm chí acapella, là sở trường của họ. Yunho và Changmin trình diễn 3 bài đều là nhạc dance với vũ đạo đầy sức mạnh: Humanoids, Catch Me Keep Your Head Down. Đây cũng là những tiết mục cuối cùng, khiến đêm Đại nhạc hội khép lại trong không khí rất sôi động. Nhiều khán giả không thể ngồi yên mà buộc phải đứng lên cổ vũ, trong khi một số ít khác lúi húi… ra về.

Có cảm giác không nhóm nào trong đêm Đại nhạc hội có thể nhảy mạnh mẽ và điêu luyện như DBSK, dù DBSK đã lớn tuổi. Bề dày 9 năm và tài năng của DBSK vẫn cho thấy họ xứng đáng là đầu đàn của Kpop.

Mi Ly

Ảnh: Hà VH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm