Hà Nội hiện nay có tổng diện tích tự nhiên là 3.359,84 km². Cùng với không gian đô thị, thị trấn, làng xã...là không gian sinh thái, môi trường tự nhiên, danh thắng đang tồn tại nơi đây với các núi, sông, đồng ruộng, ao hồ… sẽ là nền tảng cho việc quy hoạch văn hóa của thành phố Hà Nội.
Kỳ 2: Văn hóa Hà Nội cũng cần phải quy hoạch - Ảnh 1.

Hà Nội hiện nay có tổng diện tích tự nhiên là 3.359,84 km2. Cùng với không gian đô thị, thị trấn, làng xã là không gian sinh thái, môi trường tự nhiên, danh thắng đang tồn tại nơi đây với các núi, sông, đồng ruộng, ao hồ… sẽ là nền tảng cho việc quy hoạch văn hóa của thành phố Hà Nội.

Kỳ 2: Văn hóa Hà Nội cũng cần phải quy hoạch - Ảnh 2.

 Trong tham luận của mình tại Hội thảo khoa học quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu” tổ chức ngày 7/10/2024 tại Hà Nội, GS-TS Lê Hồng Lý (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), cho rằng, trước khi có những ngành văn hóa hiện đại thì công nghiệp văn hóa nên chăng phải bắt đầu từ các văn hóa truyền thống.

Vấn đề là làm thế nào để khai thác và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống đó?

Theo ông, thực tế như các lễ hội, nghề thủ công, các trình diễn nghệ thuật dân gian, thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ tại chùa Thầy v.v… tại Hà Nội đã chứng minh có thể khai thác và phát huy được để đem lại lợi ích kinh tế cho Thủ đô.

Kỳ 2: Văn hóa Hà Nội cũng cần phải quy hoạch - Ảnh 3.

Thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” tour du lịch, khám phá đêm đặc sắc của Thủ đô. Ảnh: TTXVN

 Tương tự như vậy, trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa được Hà Nội đề ra thì thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa là hai lĩnh vực cần sự tham gia của văn hóa truyền thống nhất. Dần dần chúng ta sẽ phát triển các lĩnh vực còn lại và cần phải phát triển nó, tuy nhiên những lĩnh vực đó đòi hỏi mất thời gian, tiền bạc và công sức không hề nhỏ, không thể ngày một ngày hai mà có được. Thực tế kinh nghiệm của Hàn Quốc và các nước phát triển cho thấy một Hollywood của Mỹ, K-pop của Hàn Quốc… họ đều có lịch sử hàng vài thế kỷ. Bởi vậy, khai thác công nghiệp văn hóa ngay từ cái chúng ta đang có, theo GS-TS Lê Hồng Lý - đó chính là văn hóa truyền thống mà chúng ta đang sở hữu, là việc cần được đặt ra trong quy hoạch văn hóa của Hà Nội trong thời gian tới.

Kỳ 2: Văn hóa Hà Nội cũng cần phải quy hoạch - Ảnh 4.

Ngoài ra, theo ông, Hà Nội cũng cần quy hoạch lại những làng cổ, phố cổ, hệ thống làng nghề thủ công truyền thống, không gian sinh thái văn hóa và cả ẩm thực dân gian trong phố và trong các làng. Bởi nguy cơ các làng sẽ ngày càng mất đi nhanh chóng trước tốc độ đô thị hóa. Vì thế ngay từ bây giờ, việc lựa chọn ra một số làng cổ trong thành phố cần phải được xem xét để quy hoạch bảo tồn, gìn giữ. Bên cạnh những làng đã lên phố thì việc bảo tồn các làng chưa lên phố và cố giữ một số làng nguyên vẹn để tạo sự khác biệt và giữ gìn hồn cốt văn hóa làng Hà Nội xưa là cần thiết.  

“Văn hóa truyền thống đang tồn tại trong đô thị ở những làng đã lên phố. Đó là những sinh hoạt văn hóa dân gian trong các phố phường đô thị Hà Nội như các lễ hội chùa, đền, các nghi lễ trong phố cổ. Đặc biệt là các phong tục tập quán, nếp sống, nếp ăn, chơi của người phố cổ xưa sẽ là một đặc sản vô cùng quý báu cho văn hóa Hà Nội trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa hiện nay” – theo GS-TS Lê Hồng Lý.

Đối với các làng nghề thủ công truyền thống, ông Lý cho rằng, bên cạnh xác định làng nghề thủ công truyền thống là một ngành kinh tế, thì cũng nên xem xét khía cạnh văn hóa của làng nghề Thủ đô. Điều này thể hiện ở sản phẩm nghề từ những làng nghề này, không còn đơn thuần chỉ là những hàng gia dụng nữa, mà cần hướng tới những sản phẩm văn hóa, chứa đựng trong mỗi sản phẩm nghề là trí tuệ và sự sáng tạo nghệ thuật thì các sản phẩm đó mới tồn tại một cách lâu dài và bền vững.

Về quy hoạch các không gian sinh thái văn hóa, ông Lý nêu quan điểm, trong tương lai, khi tốc độ tăng dân số cơ học tại Hà Nội ngày càng cao thì nhu cầu không gian sinh thái văn hóa càng cấp thiết. Vì thế việc quy hoạch dành ra những khu vực này là vấn đề sống còn của sự phát triển đô thị. Chính vì thế nó không còn là vấn đề của kinh tế, của môi trường sinh thái mà là vấn đề của văn hóa.

Kỳ 2: Văn hóa Hà Nội cũng cần phải quy hoạch - Ảnh 5.

Trong bối cảnh mới, di tích lịch sử, văn hóa không chỉ còn thuần túy là những bảo tàng cố định, mà là những địa điểm thăm quan, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa được khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau như những năm gần đây đang được thể hiện. Nhất là khi Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, có lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật.

Kỳ 2: Văn hóa Hà Nội cũng cần phải quy hoạch - Ảnh 6.

Tiết mục múa cổ "Tát nước đêm trăng" trong tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long". Ảnh: TTXVN

Cùng với các di tích này là những không gian đường phố và không gian công cộng như thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ Hồ Gươm, Tây Hồ, hồ Thiền Quang, các công viên trong nội đô và tại tất cả các quận huyện nội ngoại thành, tất cả đều là tiềm năng vô tận của một thành phố sáng tạo. Những công viên mới được xây dựng tại các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Long Biên… đang cho thấy tiềm năng to lớn này.

Bên cạnh hệ thống các di tích và không gian đường phố, công viên, Hà Nội còn là địa phương có số lượng lễ hội nhiều nhất và cũng đa dạng, phong phú nhất sau khi sáp nhập với tỉnh Hà Tây cũ, một số xã của Hòa Bình và huyện Mê Linh. Từ nay Hà Nội có đầy đủ văn hóa cũng như lễ hội của bốn xứ (tứ trấn): Đông, Nam, Tây (Đoài), Bắc và còn một phần dân tộc thiểu số. Khi công cuộc đổi mới của đất nước được tiến hành, hầu hết các lễ hội dân gian đều được khôi phục và phát triển. 

Theo GS-TS Lê Hồng Lý, sự trở lại của các hoạt động văn hoá không chỉ tạo nên sự phấn khởi, vui tươi của người dân, mà còn là sự phát triển của văn hoá trong một bối cảnh mới trên mọi lĩnh vực, trong số đó là lễ hội truyền thống, nơi chứa đựng không chỉ những di sản văn hoá đa dạng, phong phú của cha ông, mà còn luôn luôn thể hiện sự sáng tạo và phục hưng văn hoá của người dân các địa phương… 

GS-TS Lê Hồng Lý cũng chỉ ra rằng: “Nhóm lễ hội thứ hai là những lễ hội trong khu vực 36 phố phường và đặc biệt là các lễ hội cung đình như hội Đèn Quảng Chiếu, hội thề đền Đồng Cổ, các nghi thức trong Hoàng Thành Thăng Long… những lễ hội mà chỉ nơi đất cố đô mới có. Đây là những nét đặc sắc của Hà Nội. Nhóm thứ ba là những lễ hội làng nay đã lên phố, nó vẫn là hội làng nhưng bối cảnh, không gian của nó đã khác xưa rất nhiều do tốc độ đô thị hóa hiện nay. Chính cái sự đô thị hóa ấy đã làm nên sắc thái riêng cho những lễ hội làng trong phố này. Đó là những điểm cần phải lưu ý trong quy hoạch văn hóa của thành phố. Bên cạnh đó là hệ thống di sản phi vật thể với các biểu diễn nghệ thuật dân gian, trò chơi, nghệ thuật trình diễn dân gian mà khu vực nào cũng có, là nguồn lực cho sự phát triển văn hóa của Thủ đô”.

 Huy Thông – Quỳnh Chi