13/09/2016 17:48 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ở tầm khu vực, giải thưởng Văn học Đông Nam Á (ASEAN) do Thái Lan tổ chức đã trao rất nhiều giải thưởng cho các nhà văn Việt Nam. Giải thưởng Văn học ASEAN được xem như cầu nối văn chương giữa các quốc trong khu vực. Các nhà văn từng nhận giải thưởng này đã nói gì?
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (2010): Giải ASEAN giúp “hàng xóm” hiểu nhau hơn!
Tôi rất sung sướng và vinh hạnh, đại diện cho Việt Nam, cùng với các nhà văn đến từ các quốc gia trong khối ASEAN để nhận giải thưởng văn chương Đông Nam Á do Hoàng gia Thái Lan trao tặng.
Tôi xin được nói lời cảm ơn đến những người đã tổ chức và duy trì giải thưởng văn chương này, đặc biệt trong bối cảnh sự đoàn kết và giao lưu của khối ASEAN trong thời gian qua đã có những bước tiến lớn trong nhiều lãnh vực, tiếc là văn chương chưa theo kịp các lãnh vực khác.
Chúng ta đã dịch và giới thiệu rất nhiều tác phẩm văn chương trên thế giới, đã biết châu Âu viết gì, người Mỹ viết gì, cả người Trung Quốc và người Nhật Bản, nhưng các nhà văn trong khối ASEAN đang viết gì và có những thành tựu nào thì chúng ta lại rất mơ hồ.
Đó là hiện tượng không bình thường, giống như một người biết rất rành rẽ những gì đang diễn ra ở mọi ngóc ngách trên thế giới nhưng lại không biết gì về người hàng xóm sát bên cạnh mình.
Văn chương không chỉ đem lại mỹ cảm mà đó còn một phương tiện tuyệt vời để khám phá một vùng đất, thấu hiểu một quốc gia và cảm mến một dân tộc. Thuở bé, đọc Victor Hugo, tôi yêu nước Pháp, đọc Mark Twain, tôi yêu nước Mỹ.
Hoàng gia Thái Lan, với sáng kiến về giải thưởng văn chương Đông Nam Á, đã xây những nền móng quan trọng cho tiến trình hội nhập về văn hóa nói chung và văn chương nói riêng giữa các nước thuộc cộng đồng ASEAN. Để sáng kiến tuyệt vời này phát huy nhiều hơn nữa những lợi ích, chúng ta cần những bước đi tiếp theo. Chúng ta cần nắm bắt các cơ hội. Nếu không có cơ hội, hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra nó trong một ngày không xa.
Nhà thơ Inrasara (2005): Các dòng văn chương "ngoại vi" vẫn có chỗ đứng đặc biệt
Đất nước ta có 54 dân tộc. Trong đó không ít dân tộc có nền văn học truyền thống độc đáo. Gần thế kỉ qua, các nhà văn dân tộc thiểu số sáng tác vừa tiếng tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng phổ thông (tiếng Việt). Các sáng tác rất được dư luận trong nước trân trọng, bằng nhiều hình thức khác nhau.
Tôi vinh dự đón nhận Giải thưởng quý giá này: phần thưởng dành cho nhà văn dân tộc thiểu số đầu tiên của Việt Nam.
Hơn thế nữa, tôi nghĩ đó còn là phần thưởng dành cho tình yêu và nỗ lực chung của thế hệ chúng tôi – thế hệ người viết xuất hiện trên văn đàn trong giai đoạn đất nước đổi mới và hội nhập. Các tác giả này còn khá trẻ. Nhưng chính họ đang vẽ nên nền văn chương Việt Nam đương đại đầy sức sống và đẫm chất nhân văn.
Điều tôi muốn nói là: trong thế giới hiện đại, các dòng văn chương được xem là ngoại vi vẫn có chỗ đứng đặc biệt, chúng làm phong phú văn chương Việt Nam đa dân tộc trong nền văn chương khối cộng đồng các nước Đông Nam Á. Điều đó thể hiện sự khẳng định mình, đồng thời một tinh thần hội nhập lớn – chắc chắn thế.18 nhà văn Việt Nam đoạt giải ASEAN Giải thưởng Văn học ASEAN hoặc Giải thưởng Nhà văn khu vực Đông Nam Á (tiếng Anh: Southeast Asian Writers Award), là một giải thưởng được trao hàng năm cho các nhà thơ và nhà văn của Đông Nam Á, kể từ năm 1979. Việt Nam đã có 18 nhà văn, nhà thơ được trao Giải thưởng Văn học ASEAN, gồm có: Tố Hữu (1996), Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (2000), Nguyễn Đức Mậu (2001), Nguyễn Kiên (2002), Bằng Việt (2003), Đỗ Chu (2004), Inrasana (2005), Lê Văn Thảo (2006), Trần Văn Tuấn (2007), Nguyễn Ngọc Tư (2008), Cao Duy Sơn (2009), Nguyễn Nhật Ánh (2010), Nguyễn Chí Trung (2011), Trung Trung Đỉnh (2012), Thái Bá Lợi (2013), Thanh Thảo (2014) và Trần Mai Hạnh (2015). |
Thanh Kiều (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất