20/05/2020 21:27 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ngày 20/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn... đã dự phiên khai mạc.
Theo chương trình đã được thông qua, kỳ họp sẽ được chia thành hai đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp cho thấy, Quốc hội luôn chủ động, nhanh chóng thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh, yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của nhân dân và đất nước.
Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, trước những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tới kinh tế - xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, chỉ đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Đến nay, bước đầu Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được bệnh dịch, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, bảo đảm sự an toàn về tính mạng và sức khỏe của người dân. Các giải pháp ứng phó của Việt Nam được các quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao và ghi nhận là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Giữa bối cảnh đại dịch và kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng GDP quý I của nước ta vẫn đạt khoảng 3,82%; an sinh xã hội, đời sống của người dân vẫn được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam tiếp tục làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế…
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chương trình nghị sự tại kỳ họp lần này có nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo bổ sung về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Quốc hội cũng xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đề ra các giải pháp thực hiện để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn.
Cùng với đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, góp phần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Quốc hội; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp, huy động nguồn lực trong xã hội, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Quốc hội cũng xem xét, phê chuẩn ba điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức; tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Ngoài ra, Quốc hội sẽ thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét một số nội dung quan trọng khác.
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về phòng, chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Trong phiên làm việc buổi chiều, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 (Công ước) của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo thuyết minh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước.
Tham gia thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều khẳng định ý nghĩa, tác động và đóng góp quan trọng của hai hiệp định EVFTA và EVIPA cho sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua hàng loạt các khía cạnh cả trước mắt cũng như trong trung hạn và dài hạn về tăng trưởng kinh tế, cải cách, hoàn thiện xây dựng thể chế và pháp luật, cũng như tiếp tục thúc đẩy, tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước... Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Đồng thời, Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Các đại biểu cho rằng, việc Việt Nam gia nhập Công ước sẽ góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ lao động, tạo ra môi trường lao động ổn định, hài hòa để người lao động yên tâm làm việc và nâng cao hiệu quả lao động; thể hiện cam kết chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ quốc gia thành viên của ILO và cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tác động tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Để làm rõ thêm một số băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tham gia giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
Ông Đào Ngọc Dung khẳng định việc gia nhập Công ước 105 trước hết xuất phát từ chính lợi ích của Việt Nam, không chịu bất cứ một sức ép nào từ bên ngoài, nhằm đảm bảo quyền công dân, quyền con người và thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là chống và không chấp nhận lao động cưỡng bức; khẳng định theo Công ước 29 mà Việt Nam đã gia nhập, lao động của phạm nhân được coi là trường hợp ngoại lệ, không phải là lao động cưỡng bức.
Hiền Hạnh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất