Kỳ II: Bước vào 'ngôi đền thiêng' bóng đá

17/06/2022 12:34 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Con đường bóng đá chuyên nghiệp mở ra với những gì đơn sơ nhất nhưng đã cho Đặng Trần Chỉnh một “ngôi đền thiêng liêng” để tạm lãng quên những năm tháng u buồn.

HLV Đặng Trần Chỉnh: Người muôn năm cũ! - Kỳ 1: Tuổi thơ “ngậm thìa vàng” và những biến cố buồn

HLV Đặng Trần Chỉnh: Người muôn năm cũ! - Kỳ 1: Tuổi thơ “ngậm thìa vàng” và những biến cố buồn

Không biết bao nhiêu sản phẩm báo chí đã viết về HLV Đặng Trần Chỉnh. Dưới góc nhìn lãng mạn của nhà văn nữ, chúng ta sẽ thấy một Đặng Trần Chỉnh hiện lên đa chiều và thú vị hơn. Thể thao & Văn hóa mời bạn đọc tiếp cận với HLV nổi tiếng với câu nói: “Ghế HLV Việt Nam 4 chân, cầu thủ nắm 3 chân”.

​Đặng Trần Chỉnh tham dự kỳ thi tuyển vào Trường Năng khiếu Bóng đá năm 1979, đó là khóa học đầu tiên của trường. Khóa học chỉ có 25 VĐV được chọn lọc kỹ càng từ 100 thanh thiếu niên từ các trung tâm huấn luyện bóng đá quận huyện và các đội trẻ các CLB bóng đá các đội bóng hạng A1 thành phố, đa số các cầu thủ này đều có thể lực và kỹ thuật tốt. Cậu thiếu niên Đặng Trần Chỉnh hơi lép vế vì gầy và còi cọc do thời điểm lúc đó cuộc sống rất khó khăn và thiếu thốn mọi thứ, chưa bao giờ được 1 ngày no đủ.

​​Ly kỳ chuyện được đặc cách

​“Ngôi đền thiêng bóng đá”, trong ký ức của Đặng Trần Chỉnh chính là những ngày đầu tiên được đặc cách vào trường sau khi Hội đồng tuyển sinh đã chọn xong 24 thí sinh giữa 100 gương mặt đang hừng hực sức trẻ và đam mê bóng đá.

Người quyết định cho Đặng Trần Chỉnh tấm vé cuối cùng ấy là ông Lê Bửu, nguyên Giám đốc Sở TDTT TP.HCM. Ông Bửu nói: “Chỉnh ơi, có thể hiện tại con mỏng manh yếu đuối, Hội đồng tuyển sinh không chấm con nhưng chú chọn con vì nhìn thấy tiềm năng và khát khao của con. Chú chọn con vì tương lai chứ không phải cho hiện tại. Chú tin con sau này con sẽ phát triển và trở thành cầu thủ tốt”.

​Lớp bóng đá khóa I của Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT ra đời với 25 VĐV được tập trung ăn ở cùng các bộ môn khác như tại Trường đua ngựa Phú Thọ (số 2 Lê Đại Hành, Q.11, TP.HCM). Tuy điều kiện ăn ở lúc bấy giờ thiếu thốn rất nhiều cho các vận động viên đỉnh cao nhưng đối với thế hệ lớn lên từ khó khăn như Đặng Trần Chỉnh, như vậy đã là quá hạnh phúc.

​Cậu bé Chỉnh sau 3 năm đi “ở nhờ” nấu cơm, lau nhà, nhặt sạn thóc…, bỗng dưng thoát ly được nhà nước nuôi, ông tự nhủ bản thân phải tiến bộ từng ngày. Nhưng khi bước chân vào con đường bóng đá chuyên nghiệp, cái đói nghèo vẫn không chịu buông tha.

Ông bồi hồi như chạm vào tầng cảm xúc đã gói chặt trong ngăn tủ ký ức: “Mỗi cầu thủ một năm được phát 4 bộ quần áo và 6 tháng mới được phát một đôi giày. Tập luyện trên đường nhựa và sân đất chỉ một tháng là đôi giày hư hoặc thủng đế. Thế là phải đi lùng sục, tìm kiếm giày để tập luyện, có lúc thì chiếc giày chân trái màu xanh, chân phải màu đỏ, chân trái cỡ 41, chân phải 42, thậm chí một đôi giày cùng dành cho chân phải để tập”.

​Ngày đó, dụng cụ tập luyện rất thiếu thốn nên HLV dạy cầu thủ cũng rất sáng tạo. “Thầy treo 3 cái vòng xe đạp ở cây cao 1m8, 1m5, 1m rồi bắt cầu thủ đứng xa 25m chuyền bóng vào các vòng theo yêu cầu của thầy. Chính những bài tập này tạo cho các cầu thủ có cảm giác không gian rất tốt”.

Chú thích ảnh
Đặng Trần Chỉnh Cùng HLV huyền thoại Phạm Huỳnh Tam Lang. Ảnh: NVCC

​Khắc phục khó khăn do thiếu thốn về cơ sở vật chất thì dễ nhưng khắc phục “cơn đói” hành hạ mỗi ngày thì không dễ dàng. Bữa ăn của cầu thủ ngày đó là ăn 100% hạt bo bo, hoặc ăn độn mì sợi với khoai mì, khoai lang, bởi thời ấy không biết hạt gạo là gì?

Trước khi vô trường thì chỉ được ăn bữa tối. Sau này vô trường được ăn ngày ba bữa với bo bo – mì sợi nên ảnh hưởng đường ruột rất nhiều! Nhưng trong ký ức của đói khổ, thiếu thốn thì tình cảm giữa 25 cầu thủ và Thầy trò rất sâu đậm.

​Ở trường Năng khiếu, Đặng Trần Chỉnh thường viết nhật ký tập luyện hàng ngày để rút kinh nghiệm cho bản thân làm sao cho tốt hơn trong từng buổi tập.

​Ân tình thầy Đỗ Minh Khá với trò Chỉnh

​Con đường cầu thủ chuyên nghiệp của Đặng Trần Chỉnh luôn có ánh sáng cuối đường hầm, thầy Đỗ Minh Khá chính là thứ ánh sáng của lòng trắc ẩn, của tình yêu thương và con mắt tinh đời khi nhìn thấy ở Đặng Trần Chỉnh một tương lai rạng ngời cho nền bóng đá còn đơn sơ và lạc hậu của nước nhà, điều mà không phải ai cũng nhìn thấy!

​Đặng Trần Chỉnh kể: “Các bạn tôi ở Trường Năng khiếu vẫn trêu Chỉnh là con thầy Khá. Vì hàng tuần thầy Khá thường xuyên chở Chỉnh trên xe đạp về nhà ăn cơm do thấy chế độ tập luyện vất vả nhưng ăn uống luôn bị đói. Nhà thầy Khá lại có điều kiện kinh tế. Thầy thường gắn bó với trò Chỉnh như hình với bóng trên sân tập, thầy chỉ dạy – sửa sai từng động tác và luôn tìm ra khuyết điểm của tôi để nâng cấp và hoàn thiện cho tôi”.

​Sau này khi Đặng Trần Chỉnh tỏa sáng trong vai trò cầu thủ, thầy Khá xúc động nói: “Đến giờ này thầy rất hãnh diện về con, thầy thấy con có tiềm năng khát vọng và sự chăm chỉ. Thầy không tiếc công sức khi gần gũi và giúp đỡ con”.

​Cuộc sống của học sinh trường năng khiếu bóng đá khi đó là ước mơ và niềm hãnh diện của nhiều thanh thiếu niên ở thành phố trong giai đoạn giao thời này. Bởi, ngoài việc đươc chơi và tập luyện môn bóng đá mình yêu thích còn chia sẽ bớt gánh nặng cho gia đình. Nhưng để gắn bó với sự nghiệp bóng đá giai đoạn khó khăn, thiếu thốn đó, là cả một sự nỗ lực bền bỉ.

Nếu không gặp thầy Khá, người vỗ về học trò bằng những bữa cơm đầy tình thương để cổ vũ học trò xây đắp ước mơ không bỏ cuộc. Thứ thầy Khá cho trò Chỉnh, không đơn thuần là những chuyến xe đạp bon bon trên đường từ Trường Năng khiếu trở về nhà dùng bữa, mà thầy Khá đã tặng cho học trò của mình một “người cha” vì ông biết, Chỉnh đã mất bố năm 1979, và mãi mãi chẳng có ai chở Chỉnh trên những chuyến xe đầy yêu thương như thế nữa.

Chú thích ảnh
Hình ảnh Cảng Sài Gòn vẫn luôn in sâu trong ký ức người hâm mộ bóng đá Sài Gòn.
Ảnh: Tư liệu

​Cuộc trốn chạy khỏi đội tuyển quốc gia và án treo giò 3 năm

​Nghiệp cầu thủ của Đặng Trần Chỉnh xuất hiện trong giai đoạn giao thời, nền thể thao đóng cửa không giao lưu thi đấu với bên ngoài. Tinh thần cầu thủ đi xuống vì có tập vất vả thì cũng chỉ thi đấu ở trong nước. Khóa 1 Trường Năng khiếu bóng đá mà Đặng Trần Chỉnh theo học, chỉ còn mỗi ông gắn bó được với nghề sau bao thăng trầm của bóng đá.

​Năm 1991, ông Chỉnh được gọi tập trung đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 16 tổ chức tại Philippines, lúc ấy đã 31 tuổi. Đặng Trần Chỉnh nhớ lại: “11 cầu thủ khi ấy đào tẩu khỏi đội tuyển quốc gia ở Nhổn (Hà Nội).

Điều kiện ăn ở thời điểm đó không được tốt. Mọi thứ đều thiếu thốn. Lúc đó tôi chán nên bỏ về, sau đó 10 cầu thủ bỏ về theo. Vụ việc đó Đặng Trần Chỉnh bị lãnh đạo Tổng cục Thể thao treo giò 3 năm. Chung số phận với Đặng Trần Chỉnh khi ấy là bạn thân của anh, cầu thủ Trương Văn Dưỡng.

​Cảm giác hụt hẫng bất lực nhưng không biết chia sẽ cùng ai nên đành để sự việc trong lòng, rồi vết thương lòng cũng phai dần theo tháng năm và ông trở lại cuộc sống và công việc bình thường.

​Cũng năm 1991, đội Cảng Sài Gòn thi đấu giao hữu với đội Cảng Thái Lan tại sân Thống Nhất (TP.HCM), họ thấy Đặng Trần Chỉnh đá tốt nên mời anh sang Thái Lan tham dự giải Queen Cup (Giải nữ hoàng), nhưng do chuyện làm giấy tờ xuất cảnh lúc bấy giờ còn khó khăn nên Đặng Trần Chỉnh bỏ lỡ cơ hội vàng khi ấy.

​***

Sau những cú “say sóng” với nghề, Đặng Trần Chỉnh muốn định hướng tiếp tục lại con đường sự nghiệp của mình. Thế là trong khoảng thời gian bị kỷ luật của Tổng cục TDTT (1991 – 1994) ông bắt đầu đăng ký đi học khóa HLV đầu tiên bằng C (AFC).

Mặc dù có tấm bằng HLV để có thể hành nghề nhưng năm 1995 có nhiều biến cố xảy ra trong cuộc sống và công việc làm cho ông bị sốc nên ông quyết định rời xa bóng đá chọn đi làm nhân viên kho hàng container của Cảng Sài Gòn.

Đây là quyết định khó khăn nhất đối với ông. Bởi nỗi ám ảnh về bóng đá vẫn còn đeo đẳng Đặng Trần Chỉnh chưa dứt khiến tâm trạng ông lâng lâng trước ngã rẽ cuộc đời.

​Làm huấn luyện viên theo đuổi ước mơ trái bóng hay đi làm công nhân, hai ngã rẽ định mệnh ấy, chọn ngã rẽ nào đây?

Câu trả lời chỉ xuất hiện sau 2 năm làm anh công nhân bình dị thì đội bóng đá Cảng Sài Gòn khi ấy, huấn luyện viên Phạm Huỳnh Tam Lang cần 1 trợ lý và ông đề xuất với chị Nguyễn Xuân Thái, Trưởng đoàn Bóng đá Cảng Sài Gòn: “Chị điều động Chỉnh về công tác tại Đội bóng đá Cảng Sài Gòn cho em nhé!”.

Một câu nói của vị HLV tài ba cất lên, đã thay đổi cuộc đời Đặng Trần Chỉnh đến tận ngày nay.

Đón đọc kỳ 3: Ký ức về thầy Tam Lang và những ước mơ bình dị

Lý Thu Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm