01/06/2016 18:21 GMT+7
(lienminhbng.org) - Chẳng náo nức hoa phượng đỏ, chẳng xốn xang tiếng ve. Kỳ nghỉ Hè ập đến như cơn ác mộng. Lũ trẻ sẽ đi đâu, làm gì trong suốt mấy tháng nóng như đổ lửa này, trong khi công việc của bạn không hề có khái niệm “nghỉ Hè”?
Bởi thế suy nghĩ đầu tiên của đa số các phụ huynh học sinh là kiếm cho chúng một lớp sinh hoạt hè nào đó, hoặc là rèn về thể lực hoặc là rèn về năng khiếu nhưng quan trọng nhất là để có người “quản” chúng. Nhưng các lớp kiểu ấy thường chỉ dạy vài ba tiếng, tuần vài ba buổi, lại phải đưa đón quá tội. Vì thế cách tốt nhất vẫn là “tống” chúng vào các lớp ôn tập văn hóa hè dưới hình thức “tự nguyện”.
Những người lớn chúng ta đã bắt tay nhau “bớt xén” mùa Hè của lũ trẻ như thế.
Với những cựu học trò xuất thân nông thôn, chưa có con cái đi học, thì thông tin Đà Nẵng muốn dành cho học sinh nghỉ Hè trọn vẹn 3 tháng, thật lạ lùng. Bởi trong tiềm thức của họ, nghỉ Hè… đương nhiên là trọn vẹn 3 tháng rồi, sao còn phải bàn cãi về điều đó?
Cái trống trường em
Mùa Hè cũng nghỉ
Suốt ba tháng liền
Trống nằm ngẫm nghĩ
Bài thơ trong SGK này đã phản ánh những mùa Hè trọn vẹn trong quá khứ của nhiều thế hệ, khi cứ sau lễ bế giảng năm học, là chúng ào về các quê nội, quê ngoại, hưởng thụ một mùa Hè không thể tuyệt vời hơn.
Mà thực tế là ngày đó, chúng được “thả rông” về ruộng đồng, thôn xóm, để tận hưởng những ngày tháng mục đồng đến mức hoang dã. Chúng chỉ cuống quýt trở lại mái trường vào ngày khai giảng, 5/9, với làn da cháy nắng, gót chân còn dính bùn, nhưng trái tim ắp đầy kỷ niệm.
Trong khi đó, lũ trẻ ngày nay, phải tựu trường vào khoảng giữa tháng 8 (tùy theo từng địa phương), có nơi là từ 1/8. Như thế mùa Hè của các em chỉ còn 2 tháng, thậm chí ngắn hơn.
Hãy cho trẻ tham gia các sinh hoạt hè bổ ích như Hội sách thiếu nhi 2016. Ảnh có tính chất minh họa
Như trên đã phân tích, ngay từ tháng 7 (giữa hoặc cuối tháng) các lớp học hè đã được mở ra với sự đồng thuận cao của cả các phụ huynh và thầy cô. Mặc dù ngành giáo dục cấm các trường tổ chức học hè để dạy trước chương trình hay ôn luyện, khảo sát giúp học sinh vào lớp chọn, phân ban… nhưng một số địa phương không cấm tổ chức "ôn tập văn hóa" dịp hè nếu các lớp này được mở ra với hình thức tự nguyện sau mốc thời gian quy định.
Đã vậy, nhiều nhà giáo dục cũng chung quan điểm là nên rút ngắn thời gian nghỉ Hè để học sinh không quên kiến thức sau một kỳ nghỉ hè “truyền thống” quá dài.
Rút ngắn mùa Hè, học sinh phải tựu trường từ tháng 8, nhưng đến 5/9 mới khai giảng chính thức, đâm ra lễ khai giảng chỉ thiên về mặt hình thức, không còn cái náo nức tưng bừng khi bạn bè gặp lại nhau sau 3 tháng hè xa cách. Đó là cái cảm xúc như trong bài thơ trên đã mô tả “Chắc thấy chúng em/ Nó mừng vui quá/ Kìa trống đang gọi/Tùng, tùng, tùng, tùng/ Vào năm học mới/ Giọng vang tưng bừng”.
"Trước đây, học hai tuần các em mới khai giảng, phải nói thẳng là đến khi khai giảng học sinh không còn cảm xúc gì hết" - ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng cho biết khi giải thích lý do muốn cho học sinh địa phương nghỉ trọn vẹn 3 tháng Hè.
***
Thực ra, cá nhân tôi không lãng mạn hóa 3 tháng Hè truyền thống, tôi cũng không ủng hộ cái cách “thả rông” lũ trẻ về nông thôn như đã từng diễn ra trong quá khứ. Bởi mỗi thời mỗi khác, và nông thôn ngày nay nhiều nơi còn… nguy hiểm hơn cả thành phố.
Tôi chỉ thấy rằng, người lớn chúng ta ra sức bớt xén mùa Hè của lũ trẻ chính vì chúng ta không chuẩn bị cho chúng một mùa Hè đầy đủ và trọn vẹn. Nghỉ Hè không có nghĩa là chơi rông, mà đó là quãng thời gian lý tưởng để lũ trẻ có thể nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, ngoại ngữ... theo sở thích của chúng.
Điều đó cũng có nghĩa rằng, các bậc phụ huynh phải lên kế hoạch mùa Hè cho con hết sức chu đáo, tốn thời gian và thậm chí tốn nhiều tiền hơn so với 9 tháng còn lại.
Khi chuẩn bị kế hoạch Hè cho con một cách chu đáo và có trách nhiệm, chúng ta không rơi vào thế bị động khi mùa Hè sầm sập đến, để rồi sau một kỳ du lịch ngắn ngủi, chúng ta vội tống chúng vào các lớp học hè "chui" hoặc đội dưới cái tên mỹ miều “ôn tập văn hóa”.
Đông Kinh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất