Triển lãm tranh của Chóe: Họa sĩ vẽ đến khi đôi mắt đã lòa

04/05/2013 08:03 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Lúc 11h hôm nay 4/5, tại gallery Tự Do 53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM, khai mạc triển lãm tranh của cố họa sĩ Chóe sẽ diễn ra đến 31/5. Triển lãm trưng bày hai bộ tranh Phụ nữ nước tôi và Vision d’Été 1998 (Cảnh quan mùa Hạ 1998) thuộc sưu tập của gia đình họa sĩ Chóe. Hai bộ tranh này đã triển lãm ở nước ngoài nhưng đây là lần đầu tiên trưng bày tại Việt Nam.

Ngoài hai bộ tranh vừa nêu, triển lãm còn giới thiệu các họa phẩm của Chóe được vẽ trên sơn dầu, lụa, giấy dó thuộc bộ sưu tập của ông bà Đặng Hải Sơn - Trần Thị Thu Hà, chủ phòng tranh Tự Do. Họa sĩ Chóe (1944 - 2003) nổi tiếng với thể tranh biếm họa, tuy nhiên ông là người đa tài trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật.

Chóe được phát hiện bởi một nhà văn

Họa sĩ Chóe trên bìa sách Nghề cười ấn hành nhân 10 năm ngày mất của ông (12/3/2003 - 2013)

Họa sĩ Chóe nổi tiếng trên báo chí trong và ngoài nước từ những năm 1970 khi ông vẽ tranh biếm họa. Sau 1975, Chóe làm họa sĩ biếm ở báo Lao động và tranh của ông từng góp phần tạo dựng uy tín, góp phần tăng số lượng phát hành ở tờ báo này vào thời điểm đó.

Nhà báo Vĩnh Quyền từng làm việc với Chóe ở Lao động nhớ lại: “Từ năm 1990, Chóe mở ra một loại hình mới cho tranh biếm Việt Nam: mỗi tác phẩm gồm 4 ô có lời như một truyện tranh mini, xoay quanh 2 nhân vật biếm và có tính liên hoàn. Về sau có một số hoạ sĩ biếm sử dụng loại hình này”.

Đúng như nhận định của nhà báo Vĩnh Quyền, kể từ sau “truyện tranh mini” của Chóe, rất nhiều họa sĩ biếm đã biến tranh biếm thành một câu chuyện chứ không còn là một tác phẩm “đơn độc”.

Họa sĩ Chóe tên thật Nguyễn Hải Chí, quê An Giang, ông đến với hội họa do tự học từ một phòng tranh chuyên vẽ quảng cáo tại Mỹ Tho (Tiền Giang). Tại sao Nguyễn Hải Chí dùng bút danh là Chóe khi vẽ tranh trong khi ông làm thơ, viết truyện, sáng tác nhạc vẫn ký tên thật của mình? Và từ đâu một họa sĩ không qua trường lớp bài bản như Chóe lại gắn đời mình với biếm họa báo chí đến vậy?

Theo nhà báo Vĩnh Quyền: “Chủ bút tờ Diễn đàn - nhà văn Viên Linh - không tìm ra họa sĩ biếm đã đề nghị anh “thế mạng”. Khi ấy anh chưa học qua một trường mỹ thuật nào. Vẽ thử lại hóa hay nhưng loay hoay chưa biết phải lấy bút danh gì cho ra biếm thì Viên Linh lại đề nghị: “Chí thì Chóe thôi!'”. Từ đó bút danh Chóe mấy chục năm liền xuất hiện liên tục trên mặt báo, trong nước và ở nước ngoài.

“Cách tân” tranh lụa theo cách Chóe

Tranh biếm họa của Chóe từng là “món đặc sản hút hàng” trên nhiều tờ báo trong và ngoài nước  trước và sau 1975. Không chỉ vẽ biếm, Chóe còn vẽ tranh sơn dầu, lụa, giấy dó và nhiều chất liệu khác. Nhiều họa sĩ cho rằng, đã vẽ tranh biếm thì rất khó cầm cọ vẽ sơn dầu, tranh lụa… vì tư duy và tay nghề của các lĩnh vực này ít khi sống chung với nhau trong cùng một con người.

Họa sĩ Trần Thị Thu Hà, chủ phòng tranh Tự Do, cho rằng: “Tranh lụa của Chóe rất khác với tranh lụa của đa số các họa sĩ miền Nam. Các họa sĩ miền Nam xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, trung thành với phong cách Lê Văn Đệ (hiệu trưởng trường này): trong trẻo, thơ mộng… Vốn là một họa sĩ tự học, lại học rất nhanh, và đã quen với bút pháp phóng khoáng của hí họa, nên Chóe vẽ tranh lụa cũng nhanh như khi Chóe vẽ hí họa, nét bút mạnh mẽ, dứt khoát với các mảng màu thoải mái. Có nhiều người cho rằng tranh lụa của Chóe không đúng với tranh lụa truyền thống Việt Nam. Chóe cũng đồng ý với nhận xét trên. Ông cho rằng đây là cách vẽ riêng của ông”.

Tuy vẽ tranh lụa, sơn dầu không giống như “trường lớp” mà các họa sĩ cùng thời được đào tạo, nhưng tranh của Chóe lại thuộc hạng “best-seller” giống như biếm họa trên báo chí của ông. Họa sĩ Trần Thị Thu Hà, nhớ lại: “Tháng 7/1989, lần đầu chúng tôi mua 20 bức tranh lụa của Chóe. Đó là những bức tranh đầu tiên trong bộ sưu tập của phòng tranh Tự Do. Tranh lụa của Chóe được các nhà sưu tập đặc biệt yêu thích và nhanh chóng trở thành “best-seller” tại gallery Tự Do. Về sau, Chóe vẽ thêm tranh giấy dó Việt Nam và giấy “sín chỉ” của Trung Quốc, theo phong cách tranh màu nước riêng của Chóe (giống như tranh lụa của ông), và tiếp tục được ưa chuộng”.



Biếm họa Cyclo của Chóe

Người nghệ sĩ sinh ra để vẽ

Dù dùng nhiều chất liệu và cách thể hiện khác nhau, Chóe thường vẽ theo từng bộ khiến các nhà sưu tập đã mua là phải mua trọn. Hiện nhiều bộ tranh của Chóe được các nhà sưu tập lưu giữ “trọn bộ” như: Những Tổng thống Mỹ gồm 41 tranh sơn dầu 110cm x 140cm, năm 1993 thuộc bộ sưu tập của bà Nancy Phạm, Hoa Kỳ; Những nhân vật Việt Nam gồm 57 tranh sơn dầu 50cm x 65cm, triển lãm năm 1995 tại TP.HCM được ông Hàn Đức Minh, TP.HCM sưu tập; Họa thơ Hồ Xuân Hương có 27 tranh sơn dầu 77cm x 77cm, triển lãm năm 1996 được bà Phan Thị Thu Mai, TP.HCM sưu tập...

Gallery Tự Do hiện đang giữ bộ tranh Chân dung văn nghệ sĩ, gồm 28 tranh sơn dầu trên bố, sáng tác trong hai năm 2000 và 2001, là bộ tranh sơn dầu sau cùng của Chóe. Bộ tranh này đã được triển lãm năm 2006 tại gallery Tự Do. Trong triển lãm này có hai bức ông vẽ từ trước, một tranh sơn dầu (nhạc sĩ Trần Tiến, 1993) và một tranh lụa (ca sĩ Bảo Yến, 1990).

Ước tính đến khi từ trần, Chóe đã để lại  khoảng 15 ngàn họa phẩm, chưa kể văn chương và âm nhạc. Nhà báo Hà Đình Nguyên từng tiếp xúc để viết bài về Chóe trước khi ông từ trần, kể với TT&VH: “Lần ấy gặp tại nhà riêng của ông, hai mắt họa sĩ Chóe gần như không còn nhìn rõ do di chứng của bệnh tiểu đường. Ông nghẹn ngào, hai mắt ngấn nước nói rằng mình không còn thấy rõ để vẽ nữa. Không được vẽ là nỗi thống khổ của Chóe vì gần như ông sinh ra để vẽ”.

TRẠC TUYỀN
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm