12/10/2015 06:13 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Vào lúc 8h ngày 12/10/2015 tại Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam (116-118 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM) diễn ra lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2015). Nhân dịp này, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức, trong đó có việc khánh thành Phòng truyền thống TTXVN tại Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam.
Phòng truyền thống trưng bày rất nhiều bức ảnh và hiện vật gắn liền với lịch sử của Thông tấn xã giải phóng (TTXGP), của TTXVN, đặc biệt tại khu vực phía Nam.
Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ (GĐ Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam) cho biết, quá trình thu thập hình ảnh và hiện vật diễn ra từ 4-5 tháng nay, với nhiều cảm xúc sâu lắng. Bởi đa phần các hiện vật quý báu này do các cá nhân, các gia đình có người làm thông tấn gìn giữ nhiều năm tháng, nay thấy được ý nghĩa thiết thực của Phòng truyền thống, họ đã ủng hộ nhiệt thành.
Từ chiếc máy ma-níp tự chế
Những năm 1960 tại khu vực phía Nam, với TTXGP, để có chiếc máy ma-níp (dụng cụ truyền tin Morse) thực thụ không phải là việc dễ dàng. Nhiều nhà báo, phóng viên, điện báo viên đã hi sinh vì việc gìn giữ này.
Trước nhu cầu học tập, sử dụng thiết bị này ngày càng tăng, nhà báo Đoàn Văn Thiều và nhiều nhà báo khác đã kịp thời chế tạo các máy ma-níp bằng gỗ để mọi người học tập, thực hành, khi cần thì tiêu hủy dễ dàng.
Chính những chiếc ma-níp bằng gỗ này đã góp phần giúp TTXGP phát triển kỹ năng của nhân sự và kỹ thuật truyền tin mạnh mẽ, hiệu quả.
Phòng truyền thống còn trưng bày nhiều sản phẩm tự chế và tận dụng khác, đã giúp người xem hôm nay hình dung một phần sinh động về câu chuyện làm báo từ hơn nửa thế kỷ trước.
Đặc biệt, bản tin viết tay (tháng 6/1973) của phân xã Rạch Giá đã làm người xem xúc động, trân trọng. Rõ ràng, dù phương tiện tác nghiệp đã thay đổi chóng mặt, nhưng ý nghĩa, cảm xúc của công việc thì vẫn như vậy. Nó cũng phản ánh chân thực những khó khăn, thách thức, nguy hiểm của nghề báo trong những hoàn cảnh đặc biệt.
Trong các bản tin viết tay, có một tựa đề như sau: “Chánh quyền Sài Gòn ở Rạch Giá liên tiếp vi phạm hiệp định, gây tội ác đối với đồng bào ta”.
Thử hình dung, nếu người cầm bản tin này bị chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ bắt được thì chuyện gì xảy ra? Đã có 260 cán bộ và nhân viên của TTXVN hi sinh khi làm nhiệm vụ trong vùng tạm chiếm, ở các chiến trường…
Sự kế thừa, phát triển qua năm tháng
Phòng truyền thống đã cho thấy những ý nghĩa lớn. Đầu tiên là quá trình hình thành và phát triển rất năng động, kịp thời của TTXGP và TTXVN. Những tin tức mà cơ quan này phát ra đã tạo được sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến nhân dân cả nước, đến quốc tế thời chiến tranh, là nguồn tin đáng tin cậy thời hòa bình.
Nơi đây cũng ghi dấu sự kế thừa, phát triển qua năm tháng, từ trụ sở, phương tiện đi lại cho đến các loại hình thông tin, con người, thời đại…
Có lẽ quan trọng hơn cả, như tên gọi, nơi đây sẽ thành nơi trở về của nhiều thế hệ làm việc tại TTXVN, là nơi tham khảo, noi gương làm việc của cán bộ, nhân viên, đồng thời, sẽ là một “bảo tàng thu nhỏ” cho khách tham quan xa gần.
Phòng truyền thống cũng cho thấy sự chủ động, sáng tạo của TTXVN trước những thay đổi của thời đại, nơi mà vai trò, phương tiện và phương thức của báo chí, truyền thông đang chịu nhiều thách thức trước mạng xã hội, mạng cá nhân...
Về nguồn nhân kỷ niệm 55 năm Thông tấn xã Giải phóng Trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945 - 15/9/2015) và 55 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 - 12/10/2015), ngày 11/10, Đoàn cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Lê Duy Truyền dẫn đầu đã đến viếng, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải phóng trong Khu Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Tham gia Đoàn còn có các đồng chí: Lê Quốc Trung, Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Nguyễn Duy Cương, Trương Đức Anh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; đại diện lãnh đạo và nguyên lãnh đạo, phóng viên các Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam và khu vực miền Trung - Tây nguyên; cán bộ lão thành của Thông tấn xã Giải phóng, đoàn viên Đoàn thanh niên Thông tấn xã Việt Nam. Đoàn cũng đến thăm, tặng quà và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ hai Đồn biên phòng 831 (Tân Phú) và 833 (Tân Bình), những đơn vị kết nghĩa, từng gắn bó, giữ gìn Bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải phóng. Ghi nhớ những chiến công đầy tự hào của lớp cha anh đi trước, trong cuộc kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc, năm 2000, Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam đã xây dựng Bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải phóng tại chính khu rừng lịch sử, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, nơi đặt căn cứ năm xưa. Trên Bia kỷ niệm đã trân trọng khắc 16 chữ vàng do Trung ương Cục miền Nam tặng Thông tấn xã Giải phóng lúc bấy giờ là: "Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ". Lê Đức Hoảnh |
Xứng đáng là cơ quan thông tin chiến lược tin cậy Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ “70 năm là một khoảnh khắc trong lịch sử. Nhưng đối với những người làm công tác thông tấn, 70 năm qua là một giai đoạn lịch sử hào hùng, vẻ vang, mãi không phai mờ trong ký ức. Tiếp bước những thế hệ đi trước, những người làm công tác thông tấn hôm nay và các thế hệ tương lai nguyện phát huy truyền thống vẻ vang ấy để xứng đáng là cơ quan thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, phấn đấu xây dựng TTXVN thành một tổ hợp truyền thông đa phương tiện, hãng thông tấn quốc gia mạnh trong khu vực”(Phát biểu của nhà báo Nguyễn Tiến Lễ, Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam). |
Như Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất