20/04/2019 07:37 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Trải qua 65 năm, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là niềm tự hào và dấu ấn in đậm trong mỗi cựu chiến binh tham gia chiến dịch. Đối với bác Phạm Đức Cư (hiện đang sống tại tổ 10, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) chiến dịch Điện Biên Phủ là hồi ức không thể nào quên trong cuộc đời của mình.
Mặc dù đã 89 tuổi nhưng khi nhắc đến quá khứ hào hùng đó, bác Cư lại kể rất rõ từng chi tiết, hồi tưởng về những vất vả, gian khổ mà bác và đồng đội đã trải qua.
Năm 1953, khi mới 23 tuổi, người con Thái Bình, Phạm Đức Cư gia nhập Trung đoàn 367 pháo cao xạ, đây là trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, thành lập ngày 01/4/1953 tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Trung đoàn gồm có 6 tiểu đoàn do đồng chí Lê Văn Trí làm Trung đoàn trưởng, bác Phạm Đức Cư thuộc Tiểu đoàn 394. Qua gần một năm, ngày đêm miệt mài học tập, huấn luyện kỹ thuật điều khiển pháo ở Trung Quốc, cuối năm 1953, cấp trên đã cử hai tiểu đoàn 383 và 394 tham gia chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ).
Bác Phạm Đức Cư hồi tưởng, ngày 24/12/1953, tiểu đoàn 394 hành quân hướng lên Tây Bắc, đây là cuộc hành quân cơ giới đầu tiên với quãng đường dài, mất nhiều ngày, nhiệm vụ được giao phải tuyệt đối giữ bí mật và đến đích đúng thời hạn bảo đảm an toàn người và pháo. Quá trình di chuyển phải vượt qua các địa hình phức tạp với đồi núi cao, dốc lớn, chặng đường quanh co, khúc khuỷu, băng qua nhiều con sông, suối.
Đặc biệt phải kéo theo xe pháo nặng hàng tấn, xung quanh bị gián điệp, biệt kích quấy phá, máy bay địch săn lùng trên không, nhưng tinh thần của người lính quyết tâm đảm bảo an toàn cho những xe pháo đến vị trí tập kết. Trên đường ra trận còn có nhiều đơn vị khác như: Công binh, bộ binh, pháo binh, hậu cần, quân y và các đoàn dân công phục vụ chiến trường, với đầy đủ các thành phần dân tộc, thanh niên nam, nữ, có các bác trung niên tự nguyên phục vụ chiến trường, không khí hành quân bừng bừng khí thế như sống nổi, tràn ngập ý chí đánh thắng quân giặc. Qua 27 ngày đêm gian khổ, vất vả, tiểu đoàn 394 đã đến khu tập kết trước hạn định an toàn.
Cuối tháng 1 năm 1954, các đơn vị công binh ngày đêm liên tục mở rộng đường cho các đơn vị pháo binh, bộ binh vào lòng chảo Mường Thanh tiếp cận các cứ điểm quân địch, đơn vị pháo cao xạ được lệnh để lại xe ở ngoài và kéo pháo bằng sức người. Tiểu đoàn 383 chiếm lĩnh ở sườn núi phía đông nam lòng chảo, Tiểu đoàn 394 bao quát ở bên sườn núi phía Tây Nam lòng chảo, hai tiểu đoàn bố trí thế trận hình cánh cung "ôm" lấy lòng chảo, xây dựng cơ động 41 trận địa pháo, hình thành lưới lửa phòng không khống chế vùng trời Điện Biên nhằm chiến đấu với không quân của địch, bảo vệ cho bộ binh tiến quân.
Theo bác Cư, mỗi khẩu pháo nặng khoảng 2,4 tấn, để kéo pháo vào trận địa phải có từ 80 -100 người kéo, vượt qua từng đồi dốc cao, trên con đường nhỏ hẹp, trơn trượt, phía dưới là vực thẳm. Pháo kéo vào ban đêm nhưng không được soi đèn, hai chiến sỹ khoác mảnh dù trắng đi trước làm tiêu để kéo pháo theo. Vượt qua những bãi lầy, các chiến sỹ phải vác đá kè, chặt cây rừng rải ra đường chống lầy, mỗi đêm chỉ kéo được hơn một ki lô mét, kéo qua địa hình hiểm trở nên dày dép các chiến sỹ đều bị hư hỏng, nhiều chiến sỹ phải đi chân đất, chân tay bị thương, máu hòa vào bùn, quần áo lấm lem…
Qua 9 đêm vượt bao hiểm nguy, pháo được kéo vào trận địa, trong không khí hân hoan, vui mừng của các chiến sĩ. Tuy nhiên, chưa hoàn lại được sức, ngày 25/01/1954 các đơn vị pháo nhận được lệnh của bộ chỉ huy phải kéo pháo về vị trí cũ. Vì quân địch đang có động thái mới, không thể áp dụng chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, nên bộ chỉ huy chiến dịch đã chuyển hướng sang “đánh chắc tiến chắc”.
Bác Cư cho hay, kéo pháo vào đã gian khổ, song kéo pháo ra còn gian khổ hơn gấp nhiều lần, các chiến sỹ hai mắt trũng sâu, thâm quầng vì mất ngủ, thiếu ăn, chân tay ai cũng rách, xước. Trong đợt kéo pháo ra lần này, đêm 01/02/1954 đã xảy sự cố đau buồn, đồng chí Tô Vĩnh Diện đội trưởng Đại đội 827 đã liều mình hi sinh lấy thân để cứu pháo. Chứng kiến sự việc, mọi người ai cũng đau buồn với lòng căm thù giặc trỗi dậy, quyết tâm dùng hết sức lực để đánh thắng quân thù.
Tối 13/3/1954, thời điểm bắt đầu chiến dịch, pháo binh, bộ binh của quân đội ta ào ạt tiến công đánh chiếm lên điểm cao khu vực tiền tiêu quan trọng tại phân khu 1 ở Him Lam, chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ quân ta đã làm chủ thế trận. 5 giờ ngày 14/3/1954 các đơn vị pháo cao xạ được lệnh sẵn sàng chiến đấu, với nhiệm vụ bảo vệ cho các đơn vị bộ binh, thực hiện bao vây, tiến công đồi Độc Lập.
Đêm 15/3/1954 quân ta đã làm chủ, đánh chiếm đồi Độc Lập, ngày16/3 quân địch ở khu đồi bản Kéo đã lũ lượt cầm cờ trắng ra hàng. Chiến dịch mới có 3 ngày, quân địch đã mất 3 vị trí tiền tiêu quan trọng ở phân khu phía bắc, chúng cay cú nã pháo điên cuồng và huy động nhiều máy bay bắn phá liên tục vào trận địa pháo của ta. Những người lính cao xạ vẫn anh dũng kiên cường trên mâm pháo nhằm thẳng máy bay giặc để chiến đấu.
Suốt 56 ngày đêm trong “mưa bom, lửa đạn” các đơn vị pháo cao xạ đã đánh thắng không lực của Pháp, cắt đứt đường tiếp tế hàng không của địch, bắn rơi 52 máy bay các loại, trong đó có cả pháo đài B24 góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta ở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Cho đến bây giờ, những năm tháng gắn bó với Trung đoàn 367, Tiểu đoàn 394 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là những giây phút không bao giờ quên đối với người cựu chiến binh Phạm Đức Cư. Bác luôn nhớ về đồng đội, những người đã cùng mình chiến đấu, đã hi sinh vì độc lập tự do ở độ tuổi đôi mươi mà chưa có một mối tình nào.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, bác Phạm Đức Cư còn tham gia kháng chiến chống Mỹ trong đơn vị pháo cao xạ, nhưng đến năm 1962 bác được cấp trên cử lên Điện Biên để xây dựng kinh tế, nhận được lệnh bác cùng với vợ con vượt núi trở lại vùng đất mình đã chiến đấu. Theo bác Cư, người lính thời nào cũng vậy luôn là người đi đầu, nhận mọi nhiệm vụ được giao mà không hề nao núng và phải luôn quyết tâm dành hết sức lực, trí tuệ để hoàn thành.
So với 65 năm trước, Điện Biên hôm nay đã đổi thay nhiều, những hố bom, dây thép gai, bãi mìn nay đã thay thế bằng những ngôi nhà nhiều tầng, đường trải nhựa, cánh đồng Mường Thanh thẳng tắp, xanh ngắt. Để có được điều này bao nhiêu máu xương, mồ hôi của những người lính, dân công đã đổ xuống, họ đã không quản khó khăn, vất vả, hy sinh tuổi thanh xuân để vun trồng cho mảnh đất này.
Võ Văn Dũng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất