22/06/2017 08:37 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Trong chuyến thăm Cuba lần này, chúng tôi không tới Varadero, bãi biển nổi tiếng của Cuba, mà chọn Cayo Coco, một hòn đảo nằm ở tỉnh Ciego de Avila, cách La Habana chừng 500 km. Và chúng tôi đã không hối hận với quyết định của mình.
Đơn giản, ở Cayo Coco chúng tôi đã thấy một vẻ đẹp hoang sơ thuần khiết, một dịch vụ chăm sóc khách hàng hoàn hảo và đặc biệt có giá rẻ bất ngờ, hơn tất cả những khu nghĩ dưỡng nhiều sao mà tôi từng đến, dù đó là ở Việt Nam, Malaysia, Singapur, hay Italia, Argentina hoặc Colombia.
Thiên đường du lịch
Sở dĩ, Cayo Coco ít được biết đến hơn những trung tâm du lịch khác của Cuba bởi mãi đến năm 1990 tỉnh Ciego de Avila mới hoàn thành một con đường dài 27 km nối đất liền với đảo và đưa vùng đất có thảm thực - động vật phong phú này vào khai thác.
Trước đây ở hòn đảo có diện tích 370 km2 này không có một làng chài nào và người ta chỉ biết đây là nơi mà nhà văn Ernesto Hemingway, giải thưởng Nobel văn học, thường đi câu cá để viết lên cuốn sách để đời “Ông già và biển cả”. Còn cái tên Coco (đọc là cô cô) ở đây chả liên quan gì đến mỹ nữ trong tiểu thuyết “Thần điêu đại hiệp” của Kim Dung mà chỉ là tên một loài chim bản địa rực rỡ sắc màu. Đến đây tôi mới biết đảo Coco còn có một dải san hô dài tới 10 km, lớn thứ hai thế giới.
Nơi chúng tôi nghĩ dưỡng bốn ngày ở Cayo Coco là khu resort của tập đoàn Melia, bao gồm 25 “bungalow”, mà thực chất là những ngôi nhà ba tầng với những phòng ở theo tiêu chuẩn của khách sạn 5 sao, phòng nào cũng rộng hơn 20 mét, có hướng nhìn ra biển, chan hòa ánh nắng và khí trời, giữa màu xanh của cây cỏ.
Khác với Varadero có cát màu vàng, hạt to, cát ở Cayo Coco có máu trắng tinh khiết, hạt mịn và mềm. Nước biển đổi màu liên tục, chỗ màu ngọc bích, chỗ màu lá cây, trong vắt, đến mức có thể nhìn thấy những chú cá nhỏ bơi trên bàn chân của mình dù nước ngập đến cổ. Có rất nhiều dịch vụ miến phí, kể cả đi thuyền buồm dọc theo bờ biển.
Với những ai có “tâm hồn ăn uống” thì Cayo Coco là “đệ nhất thiên hạ” vì ở đây bạn có thể no say suốt ngày. Không chỉ thoải mái trong các bữa sáng, trưa và tối tại các quán buffets có hàng trăm món khác nhau, mà bất cứ lúc nào trong ngày, bạn cũng có thể sà vào một quán barnào đó để ăn bánh kẹp, bánh ngọt, kem, uống rượu, bia, cà phê, miễn phí. Vào buổi tối, nếu không muốn ăn buffet, du khách có thể đặt ăn ở các nhà hàng Âu và Á trong resort, sau đó xem biểu diễn nghệ thuật ngay tại sảnh lớn của khách sạn.Các nhân viên phục vụ ở bàn tiếp tân, quầy bar, bể bơi dọn phòng, bảo vệ đều ăn mặc chỉnh tề, niềm nở, trên môi luôn nở một nụ cười tươi và sẵn sàng phục vụ.
Ấy vậy mà gia đình chúng tôi gồm 6 người, bốn người lớn và hai trẻ em,cả ăn ở mỗi người/ngày chỉ mất chừng 40 USD. Ở các nước khác, riêng tiền phòng cũng chả đủ chứ nói gì đến suốt ngày ăn, uống miễn phí.
Nói chuyện với hai đôi vợ chồng việt kiều ở Canada, họ cho biết hầu như năm nào cũng sang Cayo Cocovì so với Canada, ở đây quá rẻ, đặc biệt vào mùa hạ giá, khoảng tháng Sáu hoặc tháng Bảy hàng năm.
Bất cập duy nhất với người nghiện facebook như tác giả bài báo này: internet lúc được lúc không và giá khá chát: 1,5 CUC/một giờ (1,6 USD).
Và sự "nặng tình" với Việt Nam
Trong cuộc đời làm báo của mình, do đặc thù công tác của một phóng viên thường trú từng luân chuyển cả ở Mỹ La tinh và châu Âu, lại có những năm tháng làm phóng viên chuyên trách cho hai Tổng Bí thư Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu, được đi cùng lãnh đạo trong các chuyến công du đối ngoại, tôi có điều kiện đi khá nhiều nướckhác nhau. Nhưng thật lòng, không ở đâu tôi có cảm giác gần gũi như ở Cuba.
Tôi đã viết khá nhiều bài về quan hệ hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước. Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ xin kể một mẩu chuyện nhỏ trong chuyến đi mới đây, như một minh chứng về tình anh em Việt Nam-Cuba đã thấm sâu như thế nào đến từng người dân ở hòn đảo này.
Trên đường từ thủ đô La Habana đi Cayo Coco chúng tôi đã gặp một sự cố nhỏ: chiếc xe chở chúng tôi bị bắn tốc độ. Tôi rất bất ngờ vì xe đang chạy khá chậm, chưa đến 70 km/giờ, trên một xa lộ ít xe qua lại.Sau khi trình giấy tờ, lái xe được giải thích là đoạn đường này chỉ được chạy tối đa 40 km. Anh lái xe ngơ ngác vì trước khi bị dừng còn có biển giao thông đề rõ: đoạn đường nguy hiểm, đi thẳng 70 km/giờ, rẽphải và rẽ trái 40 km/giờ. Lái xe trình bày đi đúng bảng hướng dẫn, nhưng anh cảnh sát giao thông vẫn phạt, trừ 12 điểm vào bằng lái.
Bực mình, lái xe quay lại bảng hướng dẫn giao thông, chụp ảnh để làm bằng chứng cãi lại. Anh CSGT mặt lạnh như tiền nói gọn lỏn: anh có quyền khiếu nại trong vòng 10 ngày, còn bây giờ hãy tuân lệnh, để yên cho tôi làm việc. Lái xe không chịu vì cho rằng mình làm đúng và giơ điện thoại định chụp chiếc xe của cảnh sát. Lập tức, anh này quát: anh đang chống lại người thi hành công vụ, hãy đưa lại tất cả giấy tờ của anh cho tôi và theo tôi về đồn. Tôi có thể kiện và cho anh vào tù vì tội chống người thi hành công vụ.
Không những thế, CSTG còn rút điện thoại gọi đội tuần tra đến. Chưa đầy 5 phút sau, một xe tuần tra đỗ xịch trước mặt chúng tôi. Lái xe một lần nữa trình bày lý lẽ của mình và được độituần tra giải thích lại: Tuy biển đề đi thẳng 70km/giờ, rẽ phải, rẽ trái 40 km/giờ, nhưng trong đó có cụm từ “đoạn đường nguy hiểm”, như vậy phải đi với tốc độ 40 km/giờ. Lái xe cãi làm như thế này chẳng khác nào “một cái bẫy”, thì lập tức được yêu cầu về đồn công an giải quyết. Anh yêu cầu đưa lái xe khác đến thì sẽ về đồn chứ không thể để khách bị ảnh hưởng, muộn giờ.
Thấy tình hình có vẻ căng, con trai tôi đến gần viên cảnh sát, cả hai kéo nhau ra xa một chút và nói nhỏ một điều gì đó. Lập tức tay cảnh sát quay lại trả giấy tờ cho lái xe và bảo: cho xe chạy tiếp. Lên xe tôi hỏi con trai .Nó bảo, con chỉ nói “chúng tôi là một gia đình người Việt Nam, nhiều năm sống ở Cuba, rất yêu đất nước này, giờ quay lại thăm, trên xe có người già và trẻ nhỏ”.
Lên xe, anh lái xe cám ơn: "May quá các bạn là người Việt Nam. Nếu phải khách khác, chờ ở đây giữa trưa nắng thế này thì gay quá”.
Thay cho lời kết Trước khi tôi đi Cuba, một số bạn bè từng học tập ở Cuba cách nay 50 năm nhưng chưa có dịp quay lại, nhắn tin: “ông đi, nhớ quan sát thật kỹ và cho chúng tôi biết tình hình thực sự bên đó thế nào nhé, chứ thông tin bây giờ nhiễu quá”. Là người được học tập và làm việc ở Cuba qua nhiều thời kỳ khác nhau, kể cả giai đoạn sung túc nhất cũng như “thời kỳ đặc biệt” tôi có thể nói với các bạn rằng: giai đoạn khó khăn nhất của cách mạng Cuba đã qua, cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã áp đặt lại lệnh bao vây cấm vận, bất chấp việc 10 đời tổng thống tiền nhiệm đã thất bại trong chính sách này, như chính cựu tổng thống Barack Obama đã thừa nhận năm ngoái, trong chuyến thăm Cuba. Cũng như bất cứ nước nào, Cuba có vấn đề riêng của mình, và đúng là đời sống của người dân hiện nay vẫn còn nhiều thiếu thốn. Nhưng những gì mà Cuba đạt được kể từ khi cách mạng thành công (11/1959), dưới sự lãnh đạo của ĐCS Cuba, do chủ tịch Fidel Castro đứng đầu, là cực kỳ to lớn và đáng kinh nể. Cuba là niềm mơ ước của nhiều nước thuộc thế giới thứ ba về ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội, về thành tựu giáo dục và y tế, về môi trường sống và phát triển bền vững. Cuba không chỉ là tấm gương của sự kiên cường, bất khuất, mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế. Chỉ cần nhìn vào những gì Cuba đã chia sẻ với Việt Nam và nhiều nước khác ở Á, Phi, Mỹ La tinh là thấy rõ điều đó. Tôi tin Cuba sẽ chuyển đổi và thành công, theo cách riêng của mình, và người được hưởng lợi sẽ là nhân dân, chứ không phải một nhóm người giàu như chủ nghĩa tư bản thân hữu. |
Lưu Vạn Kha
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất