Ký sự World Cup: Bóng đá và... Puskin

17/06/2018 11:14 GMT+7 | World Cup 2018

(lienminhbng.org) - Bạn tôi, nhà báo Thuận Phong của VTV, thốt lên khi đứng trước bức tượng đồng đại thi hào Nga ngay cạnh Cung điện mùa Thu, thuộc thị trấn Puskin: “Tiếc quá, ông ấy chết quá sớm, nếu không thế giới còn được thừa hưởng nhiều tác phẩm bất hủ”.

Đúng thế, Puskin mất khi mới 37 tuổi, chấm dứt những hạnh phúc và khổ đau trên cõi tạm này bằng trận đấu súng. Giờ đây, trước tượng của ông, tôi như nghe mơ hồ tiếng súng nổ, làm ngay cả những chiếc lá bạch dương cũng bời bời rụng rơi, cùng tiếng thét đau đớn của nàng Natalia.

Làm sao, Puskin, một cánh tay chỉ quen với ngòi bút, một trái tim đa sầu đa cảm, một tính cách được coi hồn nhiên như trẻ thơ, tránh được không bị xao lãng để siết cò cho viên đạn bay nhanh hơn trước tình địch, Georges d'Anthès, một sĩ quan kỵ binh trong quân đội Sa hoàng.

Tôi thích Puskin, dĩ nhiên ngoài tài năng thi phú, còn là sự phác thực, lòng dũng cảm và dám chết vì bảo vệ danh dự. Ông dám đấu tranh vì quyền lợi nhân dân để bị lưu đày ở nơi khắc nghiệt nhất. Ông dám thách đấu với Georges d'Anthès, người tán tỉnh Natalia xinh đẹp của ông, một tay súng chuyên nghiệp, khác với thơ ông: “Tôi yêu em chân thành, đằm thắm/ Cầu cho em gặp được người như tôi đã yêu em”.

Có lẽ khi thách đấu, Puskin đã cảm nhận được cái chết, chỉ cái chết mới làm cho tình yêu của ông siêu thoát. Nó giữ dội, có phần trái ngược với những bài thơ tình yêu có phần lụy tình, của ông.

Sự ngưỡng vọng được sự an ủi phần nào khi viên đạn của Puskin vẫn làm bị thương tình địch, dù không đủ sức kết liễu tay sỹ quan Georges d'Anthès.

**

Đấu súng, chúng ta có thể cảm nhận được sự căng thẳng của hai kẻ bế tắc. Trong thế giới bóng đá, ai đã đặt tên loạt luân lưu 11m bằng từ: “đấu súng”? Một khái niệm quá hay bởi những loạt luân lưu 11 mét tựa như những phát súng mà kẻ chết lẫn sống thân xác đều phải thủng lỗ chỗ vì những “viên đạn”.

Các “tình yêu”, khán giả hai bên cũng “muốn chết theo” hai đối thủ. World Cup rồi sẽ phải phân định kẻ thắng bằng những loạt “đấu súng”. Nó làm nên vẻ đẹp của bóng đá đồng thời làm tan nát bao kẻ tình si.

Nói về World Cup, người ta đang cho rằng Nga và Tổng thống Putin cũng đã thắng quyền đăng cai với những trận “đấu súng” nghẹt thở. Putin cũng đã xuất hiện nhiều. Ở lĩnh vực bóng banh để tác động có lợi cho Nga lần đầu tiên là chủ nhà World Cup, ông đã nói rất hay rằng: Trong những ngày hiểm nguy nhất, nước Nga bị đại địch bao vây, thì các trận bóng đã vẫn diễn ra ở Nga.

Ký sự World Cup: Những đêm trắng ở Saint Petersburg

Ký sự World Cup: Những đêm trắng ở Saint Petersburg

Lúc này đây, không phải vì lệch múi giờ và không khí World Cup khiến cho tôi mất ngủ, mà, những đêm trắng của cố đô Saint Petersburg khiến khó kẻ lữ khách lãng mạn nào có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ...

Đêm khai mạc, ông Putin xuất hiện như thường lệ, mạnh mẽ, lịch lãm. Ông nói về bóng đá cũng rất ấn tượng. Nga đã đại thắng trận khai mạc, gợi niềm tin World Cup này, và những năm tới, bóng đá Nga sẽ thoát khỏi cảnh ngủ đông. Chúng tôi bắt gặp rất nhiều cảnh ăn mừng của người Nga, ở Saint Petersburg.

Tôi yêu Puskin, hẳn bạn cũng thế. Hoàng Thôn - thị trấn Puskin quá đẹp và nên thơ. Hướng dẫn viên kể rằng thời phát xít Đức tấn công vào Saint Petersburg và Hoàng Thôn nói riêng, nơi đây hoang tàn, đổ nát. Nhưng, sức dân cộng những bộ óc vĩ đại đã từng bước phục dựng lại để một Hoàng Thôn - Cung điện mùa Thu - thị trấn Puskin lại tỏa sáng. Hình ảnh những người dân đào hố chôn những cổ vật Cung điện mùa Thu khỏi bị quân thù tàn phá, vẫn được lưu giữ, rất lay động.

Với tôi, World Cup chỉ trọn vẹn ý nghĩa khi ghé Saint Petersburg, ghé thăm Hoàng Thôn, và được bái vọng trước bức tượng của “mặt trời thi ca nước Nga”, Puskin vĩ đại.

Hữu Quý (Từ Saint Petersburg)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm