Nhà văn Văn Định: ‘Người đàn ông kể chuyện’ của miền Tây

07/09/2014 08:40 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Nhà văn Lê Văn Thảo gọi ông là “người kể chuyện hay của đồng bằng sông Cửu Long”. Ông in sách khá nhiều trong thời bao cấp nhưng lại vắng mặt khá lâu thời “kinh tế thị trường”. Giờ đây ông mới trở lại với tập truyện ngắn Người đàn ông kể chuyện vừa được NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành.

Ông là nhà văn Văn Định, đến với nghề chữ khá sớm, nhưng lại là một nhân vật khá thầm lặng trong làng văn.

Nhà văn Văn Định

Kế nghiệp Nguyễn Quang Sáng

Nhà văn Văn Định tên thật Châu Văn Tìa, sinh năm 1949 tại chót mũi Cà Mau. Ông đi kháng chiến khi còn nhỏ, cầm súng thật sự, dấu chân trải khắp các chiến trường, từ miền Đông Nam bộ đến rừng đước U Minh. Hòa bình ông về lập nghiệp ở tỉnh An Giang và từng làm Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh này.

Năm 1975, đất nước thống nhất, cũng như nhiều tỉnh thành khác, An Giang thành lập Hội Văn nghệ. Người uy tín nhất lúc đó để tập hợp “quần hùng” văn nghệ tỉnh này, không ai ngoài nhà văn Nguyễn Quang Sáng (quê An Giang). Nhưng lúc đó, Nguyễn Quang Sáng chỉ làm chủ tịch danh dự của Hội Văn nghệ An Giang, do còn phải đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM.

Khi gây dựng xong “lực lượng”, Nguyễn Quang Sáng rút lui và Văn Định kế nghiệp. Bỏ qua chức danh “chủ tịch danh dự” của Nguyễn Quang Sáng, thì kể như Văn Định là người đầu tiên làm Chủ tịch Hội Văn nghệ một tỉnh sau ngày hòa bình. Thời gian đó, ông xuất bản nhiều truyện dài, truyện ngắn, như: Người Đồng Năn, Như giấc mơ dài, Tuyển tập truyện ngắn Văn Định, Câu chuyện chú Tre Gai…

Bây giờ, để trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam rất khó, danh sách xếp hàng dài dằng dặc; thì đợt kết nạp hội viên đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất đã có tên Văn Định. Nếu tạm lấy mốc từ năm 1975 đến nay, Văn Định có gần 40 năm cầm bút.

Đang say sưa với văn chương, hội hè, Văn Định bỏ hết tất cả dắt díu vợ con lên Sài Gòn lập nghiệp. Một lần nói chuyện, Văn Định kể: “Hồi đó nghèo quá, ai cũng nghèo. Có lần liên hoan, cuối buổi trên bàn còn dư cái trứng vịt luộc, tôi lấy đem về cho con. Vậy mà vẫn có tiếng xì xầm rằng tôi tham ô cái trứng vịt. Càng nghĩ càng giận vì nghèo, tôi dắt vợ con lên Sài Gòn làm kinh tế”.

Nhà văn bán hết cơ ngơi ở An Giang lên Sài Gòn quyết tâm làm giàu bằng việc mua lại miếng đất có cái ao rau muống ở huyện Bình Chánh và khởi nghiệp VAC (Vườn - Ao - Chuồng). Làm nông nghiệp thời nào cũng vậy, khó mà giàu được. Nhưng may mắn thay, kinh tế mở cửa, mảnh đất VAC của ông nhà văn trúng giá. Từ mảnh đất này, ông nhà văn làm nông trở thành đại gia kinh doanh bất động sản.

Đang làm “quan văn” đứng đầu một tỉnh, mà dám bỏ hết để làm lại từ đầu như Văn Định kể cũng lạ, vì nhiều người sẵn sàng bám ghế đến chết chứ không dám “tay ngang” ra chốn thương trường như ông.




Nặng lòng với quá khứ

Hiện nay, Văn Định làm chủ một resort có tên Xóm Chài ở Phan Thiết sau bao nhiêu năm “chiến đấu” trên thương trường. Nơi này, bạn văn muốn ghé thăm hay lưu trú để viết lách, đều được ông hoan hỉ tiếp đoán. Tuy nhiên, số ông hình như không ở yên một chỗ để hưởng nhàn mà phải tất tả khắp nơi.

Mang danh là chủ doanh nghiệp, nhưng như nhận xét của nhà văn Lê Văn Thảo: “Văn Định là một con người Nam bộ “đặc sệt”. Lúc nào ta cũng thấy anh áo quần bạc phếch, đi đứng tất bật. Đang ở Long Xuyên thấy anh ở Cần Thơ. Rồi tuần sau gặp anh ở Cà Mau, ngồi chồm hổm trên ghế sa lông kể chuyện hàng giờ với một ông bạn cố tri hồi trong chiến khu, kể chuyện rừng đước, rừng mắm, các vùng giáp nước 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long. Không chuyện gì anh không biết”.

Lạ thêm một điều nữa, người sẵn sàng “làm mới” cuộc đời mình bằng một nghề khác nhưng lại viết văn rất “hoài cố”. Tập truyện Người đàn ông kể chuyện gồm 17 truyện ngắn, thì phần nhiều là chuyện ông viết về chiến tranh hoặc thời bao cấp, mà cả hai thời đoạn này ông đều trải qua rất nhọc nhằn. Như truyện Trở gió, ông viết về nạn “ăn cắp của công” và hà hiếp dân của chính quyền địa phương đã diễn ra hàng chục năm trước.

Nhà văn đau đáu trong Trở gió: “Cây súng trong tay người cách mạng là để đương đầu với giặc, xông lên bắn nó để bảo vệ nhân dân. Chớ chỉa vào mặt bà con mình là điều đáng ghê tởm”.

Đem chuyện “cái trứng vịt” khiến Văn Định cởi áo quan trường đi làm kinh tế hỏi nhà thơ Trần Hữu Dũng – người thân của nhà văn. Trần Hữu Dũng cười nói: “Chắc ổng nói trường hợp của người khác mà ổng biết được, chứ khi ấy Văn Định làm sếp lớn, ai dám phê bình ổng vì cái trứng vịt?!”.

Kể từ năm 1987 đến nay, Văn Định mới in lại sách, và hy vọng ông sẽ trình làng nhiều tác phẩm nữa sau khi đã giải quyết xong nợ áo cơm của kiếp người.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm