02/04/2021 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Quán thanh xuân tháng 4 mang tới những ký ức một thời với âm thanh nôn nao của "tiếng còi tầm". Miền ký ức vừa gian khó vừa thân thương ấy sẽ được kể lại một cách tươi mới, sống động và vẹn nguyên cảm xúc qua câu chuyện của các khách mời tham gia chương trình.
Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, ở những thành phố lớn, cứ mỗi ngày 4 bận tiếng còi tầm lại hụ lên gióng giả, ở cách 2-3 cây số vẫn nghe thấy. Với nhiều người nó còn như một tín hiệu báo giờ giấc chính xác và đó chính là thứ âm thanh “công nghiệp cổ kính” của một thời.
Với người công nhân tiếng còi tầm chính là một chỉ dấu của hạnh phúc. Tiếng còi buổi sáng báo hiệu ngày làm việc mới bắt đầu - có công việc chính là hạnh phúc. Tiếng còi buổi chiều muộn báo hiệu tan ca, đến giờ về nhà - có một ngôi nhà với người thân đang đón chờ, đó cũng chính là hạnh phúc.
Đó là chia sẻ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, người đã có hàng chục năm gắn bó với tờ báo Lao động, đã đặt chân đến mọi nẻo đường, viết hàng ngàn bài báo về những người công nhân của mọi lĩnh vực. Khán giả của Quán thanh xuân tháng 4 với chủ đề “Tiếng còi tầm” sẽ được nghe nhiều câu chuyện xúc động từ thực tế “lăn lộn” của nhà báo tâm huyết với ngành và với người này.
Điểm nổi bật của Quán thanh xuân chủ đề “Tiếng còi tầm” là trong hàng ghế khách mời có tới một nửa là công nhân “xịn”, trong đó có 2 anh hùng lao động (AHLĐ): AHLĐ Lê Thị Ngừng, nữ công nhân lái máy xúc EKG, hơn 10 năm gắn bó với công trường thủy điện Hòa Bình; và AHLĐ Lều Vũ Điều (sau này là Phó Chủ tịch thường trực TW Hội Nông dân VN) với 13 năm làm công nhân mỏ than Mạo Khuê (Đông Triều, Quảng Ninh).
Bản thân NSND Quang Thọ - người gắn liền với những ca khúc Cách mạng hào sảng và những ca khúc nổi tiếng về đất mỏ cũng có đến 8 năm làm thợ điện tại Mỏ than Cọc 6. Họ mang đến Quán thanh xuân hơi thở lấm láp nhưng không thiếu những rộn rã của thực tế đời công nhân thập kỷ 70-80.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể chuyện cọ sạch than ở những nhà tắm xếch-xy của công nhân vùng mỏ… Nhà báo Mỹ Hạnh chia sẻ về ký ức của chị - một cô bé nông thôn, nghỉ hè được ở với gia đình người anh trai với vai trò “trông con cho anh chị đi làm ca”.
Sống trong gia đình anh trai làm công nhân cảng Hải Phòng, chị dâu làm công nhân đông lạnh, Mỹ Hạnh cũng cảm nhận được lối sống giản dị, vô tư, đùm bọc của họ. Cô cũng ngẫu hứng hát ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ, có câu Cô gái vào ca 3, gợi nhớ hình ảnh tiếng còi tầm của đời công nhân.
Hình ảnh người công nhân đi vào văn hóa nghệ thuật không ít. Và nhắc đến mảng đề tài này, Quán thanh xuân đưa lại hình ảnh vở kịch kinh điển - viết riêng cho những người công nhân, vở Tôi và chúng ta của tác giả Lưu Quang Vũ.
Gắn liền với đó là NSND Hoàng Cúc, một trong những khách mời của Quán thanh xuân. Chị đã chia sẻ về nữ nhân vật mà mình hóa thân nhiều chục năm trước - cô Thanh, kíp trưởng phân xưởng 1 trong Tôi và chúng ta. Nữ nghệ sĩ đã có cả một quá trình đi tiếp xúc với anh em công nhân để lấy cảm hứng diễn xuất.
Trong chương trình Quán thanh xuân tháng 4, khán giả sẽ được thưởng thức những ca khúc Tôi là người thợ lò, Những ánh sao đêm, Trên công trường rộn tiếng ca, Điều giản dị, Mẹ yêu con, Thành phố trẻ qua phần thể hiện của NSND Quang Thọ, ca sĩ Khánh Linh, Thái Thùy Linh, NSƯT Tấn Minh, ca sĩ Phạm Thu Hà...
Quán thanh xuân tháng 4, phát sóng lúc 20h10 thứ Bảy, ngày 3/4 trên kênh VTV1.
Tiểu Phong. Ảnh: VTV
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất