04/01/2022 08:50 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - Bóng đá Việt Nam kỳ vọng vào một V-League khởi sắc, vận hành trơn tru và làm bàn đạp cho các đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu quốc tế trong năm 2022.
2 năm qua, dịch Covid-19 tác động lớn đến bóng đá thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. V-League cũng không ngoại lệ. Hàng loạt quyết định hoãn được đưa ra và cuối cùng, khi V- League 2021 trôi qua gần hết giai đoạn 1, BTC phải hủy giải đấu.
Một quyết định chưa từng có trong tiền lệ lịch sử bóng đá Việt Nam. Tuy vậy, vì an toàn và chưa có giải pháp căn cơ, phù hợp với thực tiễn, V-League đành rơi vào tình cảnh oái ăm. Thế nhưng, tình thế nay đã khác.
Bóng đá cũng như các môn thể thao khác dần sống chung với dịch bệnh. Các quy định nghiêm ngặt về tổ chức thi đấu được đưa ra để trái bóng tròn lăn đều. Đó chính là mấu chốt để chờ đợi vào sự đổi mới, cách làm đột phá trong năm nay.
Tuy vậy, để một giải đấu đi đến đích thành công, vai trò của các đơn vị điều hành, tổ chức rất quan trọng. Năm 2021, VFF cũng như VPF thiếu sự linh động, học hỏi và quyết đoán.
Quyết định hủy quá nhanh bị cho là thiếu tính sáng tạo, thực tiễn, để rồi, khi guồng quay bóng đá khu vực Đông Nam Á trở lại, Việt Nam lại hụt hẫng. Giải quốc nội không được tổ chức chính là sự thất vọng lớn dành đến VFF, VPF.
Ở đó, năng lực điều hành, tổ chức giải bị đặt dấu hỏi lớn. Và năm nay, VFF, VPF đứng trước thách thức lớn. Có quá nhiều bài học trong năm qua, và tất cả cần được rút tỉa, thay đổi, quyết đoán, có giải pháp phù hợp thay vì cứ hoãn và hủy.
Bên cạnh đó, chất lượng chuyên môn, tính cạnh tranh là điều đáng bàn. V-League 2022 sẽ chỉ có 13 đội bóng do Than Quảng Ninh bị cấm vì vi phạm tài chính và một số quy định liên quan khác.
Đó là bài học xương máu về xây dựng căn cơ một đội bóng ở Việt Nam. Từ vị thế thiếu gia, Than Quảng Ninh đã phá sản theo cách không một ai ngờ đến. Các CLB vẫn vậy, họ sống nhờ nguồn lực ông bầu, ít làm ra tiền từ các hoạt động bóng đá khiến thiếu đi sự ổn định.
Do đó, câu chuyện tìm ra các đại diện có tính ổn định lâu dài để tạo sự cạnh tranh lớn trong cuộc đua vô địch rất ít. Số lượng đội bóng có hoài bão vô địch không nhiều. Dư luận đang đặt dấu hỏi về tham vọng của nhà vô địch V-League 2019 Viettel.
CLB Viettel đã nói lời chia tay 2 trụ cột Quế Ngọc Hải và Trọng Hoàng. Họ vẫn chưa mang về tân binh nào có sức nặng. Đó là chưa kể, Hoàng Đức nhận được sự chèo kéo từ nhiều đội bóng khác.
HAGL vẫn có sự ổn định so với các đối thủ. Lực lượng nội binh dồi dào chính là sự khác biệt. Tuy vậy, đội bóng phố Núi thi đấu ở AFC Champions League. Điều này khiến thầy trò HLV Kiatisuk gặp phải những khó khăn nhất định trong việc cạnh tranh chức vô địch V-League.
Hà Nội vẫn luôn là ứng viên cho các cuộc đua vô địch. Song, Quang Hải cùng đồng đội không còn là chính mình. Sự ổn định hay nói cách khác, việc vô địch quá nhiều khiến động lực của họ không còn khát khao như trước.
Người hâm mộ có thể chờ đợi từ Bình Định với hàng loạt hợp đồng chất lượng. Tuy vậy, đội bóng đất Võ cần thời gian để kiểm chứng khi sự thay đổi nhiều về nhân sự có thể khiến tính ổn định không cao.
Rõ ràng, V-League 2022 trở lại là tín hiệu đáng mừng với bóng đá Việt Nam. Ở đó, VFF, VPF và các đội bóng cần nhìn về một hướng, với khát khao, động lực lớn để tạo sự bứt phá.
Gia Bình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất