16/12/2015 07:09 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Sáng 15/12 tại TP. HCM, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức Hội thảo xuất bản và phát hành sách điện tử. Khái niệm này còn tương đối mới mẻ về mặt quản lý tại Việt Nam, dù thực tế sử dụng thì sách điện tử đã là một phần tất yếu của đời sống.
Theo một thống kê gần đây của Thư viện quốc gia Việt Nam: mỗi ngày nơi đây có khoảng 2.000 lượt yêu cầu sách in, thì có đến 6.500 lượt yêu cầu về sách trực tuyến. Trên thế giới cũng vậy, 10 năm trước (năm 2004) doanh số bán sách điện tử là 646 triệu USD, chiếm 6,4% thị phần, đến năm 2014 đã hơn 3,8 tỷ USD, chiếm 53%, hơn nửa thị phần sách thế giới.Phát triển phải nhờ ý thức thượng tôn pháp luật
Nếu việc xuất bản một sách in (sách truyền thống) được cho là khó khăn, phức tạp, thì việc xuất bản một sách điện tử ngoài những khía cạnh phức tạp về mặt quản lý, bản quyền thì nhiều vấn đề khác có thể cực kì đơn giản. Thứ nhất, về mặt công nghệ và kỹ thuật làm sách điện tử có vô vàn cách thức, chỉ bằng vài lệnh, máy tính sẽ thực hiện các thao tác còn lại, chẳng cần nhiều nhân lực.
Việc phát hành càng đơn giản hơn, gần như chia sẻ lên mạng là không thể thu hồi, tiêu hủy, vì sức phát tán và lưu trữ là vô biên. Cuối cùng, nếu đã có cơ sở kỹ thuật căn bản, làm sách điện tử khá rẻ, tính tương tác với độc giả lại rất cao.
Đến dự buổi hội thảo, ông Hồ Minh Đức (Phó Tổng Giám đốc Naiscorp) giới thiệu những máy quét sách có tốc độ “kinh hoàng”, một cuốn chừng 200 trang chỉ mất 5-10 thao tác thực hiện, mà không cần tháo gáy sách. Sau khi quét, máy có thể chuyển sang nhiều định dạng để lưu trữ, trong đó có định dạng văn bản, chỉnh sửa dễ dàng.
Ông Đức nói rằng với các máy như thế này, việc chuyển sách in thành sách điện tử dễ như trở bàn tay, ai làm cũng được, nên muốn vi phạm bản quyền thì khó mà ngăn cản được. Vấn đề còn lại là cơ chế quản lý vĩ mô cần linh hoạt để hiệu quả và ý thức thượng tôn pháp luật của người dân cần nâng cao.
Ông Nguyễn Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) nói rằng tình trạng vi phạm bản quyền trong xuất bản và kinh doanh sách điện tử hết sức phức tạp, vì nhiều lý do, trong đó có các rào cản về hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, khái niệm về xuất bản điện tử chưa thật sự cập nhật, nên việc quản lý còn khó khăn.
Việc vi phạm bản quyền với sách in, tuy tràn lan, nhưng chưa thấm vào đâu nếu so với sách điện tử, vì tính chất đa phương tiện, tinh vi và dễ dàng của nó. Thu thập, chia sẻ miễn phí hoặc thu phí cực rẻ là một đặc thù của sách điện tử tại Việt Nam trong 7-8 năm qua. Ông Nguyễn Minh Nhựt (Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ) nói rằng điều này dù vô tư hay cố ý đều đẩy các các nhà xuất bản, doanh nghiệp kinh doanh xuất bản điện tử vào tình trạng phải bù lỗ.
Theo thống kê của Cục An ninh Văn hóa Thông tin và Truyền thông (Bộ Công an), hiện trên mạng có khoảng 10 nhà xuất bản ảo chuyên xuất bản, phát hành sách điện tử tiếng Việt. Mà chiếu theo các quy định của pháp luật tại Việt Nam, các nhà xuất bản này đang hoạt động bất hợp pháp.
Triển vọng là rất lớn
Tuy phức tạp và thách thức là vậy, nhưng các đại biểu tham dự hội thảo cũng đồng ý với nhau rằng triển vọng của sách điện tử là rất lớn. GS-TS Vũ Văn Hùng (Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) dự đoán rằng nếu năm 2014 tổng doanh thu sách điện tử tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 14%, thì đến 2020 sẽ hơn 50% thị phần. Sách điện tử cũng đang làm thay đổi nhanh chóng vị thế, vai trò của người đọc, nên các nhà xuất bản cần có một liên kết hữu hiệu hơn để đáp ứng kịp.
Ông Hồ Minh Đức (Naiscorp) cho rằng mới nhìn thì tưởng sách điện tử phức tạp, nhưng thực ra khá đơn giản, chỉ cần đồng bộ hạ tầng kỹ thuật là quản lý, kinh doanh khá đơn giản, vì khoảng cách địa lý và vật lý gần như không còn hiện diện. Hơn nữa, khác với các mô hình kinh doanh sách truyền thống, sách điện tử cần có tư duy toàn cầu, vì việc giao dịch là bất kì đâu. Sách điện tử là xu thế và triển vọng khó có thể né tránh.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất