04/02/2015 06:37 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Với những người tài xế thường xuyên phải qua lại trên cung đường từ Beirut (Lebanon) tới Aleppo và Raqqa (Syria), lái xe dưới làn đạn không còn là chuyện lạ. Trong nỗ lực kiếm tiền nuôi gia đình tại một đất nước vẫn chìm trong nội chiến như Syria, họ thường xuyên phải khiêu vũ với tử thần.
Kính chắn gió trên chiếc xe khách của Mohammed đã nứt toác do hơi nổ của đạn pháo, tới mức anh phải dùng băng dính để khiến chúng gắn lại với nhau.
Tài xế xe khách dày dạn lửa đạn
Lỗ đạn xuất hiện chi chít hai bên thành xe. Những chiếc quạt và đèn đọc sách nằm gần nóc xe, phía trên các hàng ghế ngồi, đã bị xé rách, để cho thấy trong chúng không có chứa vũ khí hoặc vật liệu nguy hiểm. Tất cả những điều này cho thấy Mohammed đang làm không hề đơn giản hoặc nhẹ nhàng.
Mohammed (khoảng 40 tuổi), một người đàn ông gầy gò và hay giật mình, là tài xế xe khách đang hoạt động trên một tuyến đường nguy hiểm nhất thế giới. Cứ mỗi vài ngày Mohammed lại lái xe từ Beirut tới Aleppo (Syria). Hành trình của anh đi qua nhiều vùng lãnh thổ vẫn chưa phân định quyền kiểm soát rõ ràng. Cuộc nội chiến đã chẻ đôi đất nước Syria, với phía Tây vẫn nằm trong tay chính quyền Syria. Nhưng phía Đông đã bị các tay súng phiến loạn chiếm đóng. Nằm xen kẽ giữa 2 khu vực này là những vùng đất do quân chính quyền, quân chống đối và lực lượng Nhà nước Hồi giáo kiểm soát.
“Rất nhiều lần người ta bắn vào xe tôi” - Mohammed nói - “Tôi đã lái xe qua nhiều cuộc chạm súng và thấy binh lính hai bên đều bắn về phía mình, cả quân chính quyền lẫn các nhóm vũ trang”. Không phải chuyến đi nào của Mohammed cũng diễn ra trong an lành. Anh có một cái sẹo lớn ở trên mắt trái, hậu quả do một mảnh văng để lại. “Tôi đang chạy trên xa lộ thì đột nhiên lọt vào một cuộc giao tranh dữ dội” - anh kể - “Tôi đã mở cửa bên lái và chạy thục mạng. Nhưng một quả đạn pháo đã nổ gần tôi. Mảnh vỡ làm rách mặt và khiến tay tôi bị gãy”.
Những chuyến đi vào "thủ đô" của IS
Một trong những phép lạ nho nhỏ ở Syria là ngay cả khi chiến tranh diễn ra ác liệt, hoạt động vận tải công cộng vẫn không ngừng hoàn toàn. Các chuyến đi, thậm chí xuyên qua khu vực tiền tuyến, vẫn diễn ra. Người ta vẫn có thể mua vé xe đi từ Aleppo tới Raqqa.
Phần lớn Aleppo đã bị tàn phá. Nhưng người dân vẫn muốn tới đây để viếng thăm gia đình hoặc tìm xem tài sản của họ còn sót lại những gì. Hành trình của Mohammed đã cải thiện gần đây khi chính quyền Syria cho phép xe buýt chạy trên một tuyến đường quân sự xuyên qua tỉnh Latakia, nằm ở Tây Nam Aleppo. Tuyến đường mới giúp anh không phải chạy qua nhiều cung đường ở tiền tuyến. Nhưng những chiếc xe khách vẫn là mục tiêu ưa thích của các tay súng chống đối chính quyền và thậm chí là lính chính phủ. Họ muốn kiếm tiền nhanh từ tài xế và các hành khách.
Ở gần chỗ xe của Mohammed đậu là Abed, người đang ngồi sau tay lái một chiếc xe cũ nát khác. Mắt Abed trũng sâu trên gương mặt đầy râu ria. Anh để râu một cách không tự nguyện, chỉ bởi nó giúp cho công việc của anh. "Tôi phải để râu, nếu không các tay súng của IS sẽ không cho tôi vào trong khu vực của họ” - anh nói.
Tuyến đường Abed hoạt động chạy từ Beirut tới Raqqa ở Đông Bắc Syria, "thủ đô" của IS. Abed kể rằng trong hành trình tới Raqqa, anh phải dừng xe tại điểm kiểm soát cuối cùng nằm trên vùng đất do quân đội Syria kiểm soát để các hành khách là nữ giới có thời gian mặc áo choàng abaya và khăn trùm đầu niqab - các trang phục mà IS bắt buộc phụ nữ phải mặc.
Phần lớn khách hàng đi từ Raqqa tới Beirut là các gia đình có trẻ con hoặc người già đang chạy trốn cuộc chiến. Hoàn toàn không có đàn ông trong các chuyến đi này vì IS không cho phép họ rời đi. Họ phải ở lại chiến đấu cùng lực lượng này. "Nếu bạn đang ở Raqqa, là đàn ông và sinh sau năm 1985, tôi không thể bán vé cho bạn" - Abed nói - "Phụ nữ phải có đàn ông hộ tống và có lý do rõ ràng, cụ thể để rời Raqqa".
Không có lựa chọn khác
Trên đường chạy tới phía Tây Nam, khi đi qua các khu vực nông thôn Syria, nơi luật pháp không còn ngự trị, các xe khách thường bị tấn công. Đôi khi đó là quân phiến loạn. Đôi khi là quân chính quyền Syria. Vụ tấn công gần đây nhất nhằm vào xe của Abed diễn ra cách nay chưa đầy 3 tháng, khi các tay súng chặn đường và buộc tất cả hành khách xuống xe. "Họ yêu cầu mọi người đưa điện thoại di động. Khi ai đó chống đối, họ sẽ bắn xuống dưới chân và khiến nạn nhân sợ hãi. Đôi khi họ bắn chết người ngay tại chỗ" - Abed nói.
"Tình hình rất khó khăn. Mỗi khi rời khỏi nhà, tôi đều băn khoăn không biết mình có trở về nữa không" - anh nói. Cả Abed và Mohammed đều cho biết đã mất đi nhiều đồng nghiệp. Một số đơn giản là lên đường và biến mất vĩnh viễn. Nhiều khả năng họ đã bị bắt cóc. Người khác thì chết khi mảnh đạn pháo bay trúng xe anh. Có người bị lính bắn tỉa nã đạn trúng đầu.
Nhưng bất chấp những hiểm nguy ấy, Mohammed và Abed đều nói rằng họ không thể ngừng làm việc. "Nếu ngừng chạy xe, tôi sẽ nuôi gia đình ra sao" - Abed chia sẻ - "Công việc nguy hiểm thật, nhưng đó là lựa chọn duy nhất của tôi".
Tường Linh (Theo Telegraph)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất