05/09/2016 08:00 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang khẩn trương xây dựng đề án Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD giai đoạn 2016 - 2020. Theo NHNN, trong các giải pháp đưa ra thì mua bán và sáp nhập (M&A) tiếp tục được khuyến khích thực hiện.
Hướng tới quy mô khu vực
Theo mục tiêu của đề án, đến năm 2020, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải có ít nhất 1 - 2 ngân hàng thương mại (NHTM) có quy mô và trình độ tương ứng với các ngân hàng trong khu vực để từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Vì thế, trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả triển khai đề án tái cơ cấu ngân hàng trong giai đoạn 2011 -2015, NHNN đang khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại TCTD, xử lý kiên quyết và dứt điểm các tổ chức yếu kém; đặc biệt chú trọng nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý, giám sát, cơ chế hỗ trợ cơ cấu lại các NHTM được mua lại. Từ đó, duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấy dưới 3%; kết hợp xử lý nợ xấu với triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.
Việc tái cơ cấu ngân hàng sẽ dẫn tới nhiều vụ mua bán và sáp nhập
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết, M&A là một giải pháp phổ biến, hiệu quả để xử lý các TCTD yếu kém, có nhiều lợi thế so với các biện pháp khác. Đặc biệt là có sự hỗ trợ can thiệp của NHNN để đảm bảo quá trình M&A không làm gián đoạn hoạt động của các TCTD, bảo toàn được quyền và lợi ích của cổ đông, khách hàng, tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn nhân lực.
Giai đoạn 2011 - 2015, số lượng TCTD đã giảm 19 tổ chức thông qua việc thực hiện M&A, giải thể, thu hồi giấy phép. Trong đó, có 9 ngân hàng, 2 TCTD phi ngân hàng và 8 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hiện nay, hệ thống ngân hàng vẫn còn có tới 12 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 4.000 tỷ đồng.
Đây là số vốn điều lệ khá khiêm tốn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, cần có nguồn vốn mạnh để đẩy mạnh các hoạt động cho vay và tài trợ thương mại cũng như để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phục vụ kinh doanh, cụ thể như hệ thống công nghệ thông tin. Vì thế, trong giai đoạn tới sẽ là giai đoạn để các ngân hàng này tiếp tục có cơ hội tái cấu trúc để có thể tiếp tục phát triển bền vững cũng như sẽ phải tìm lối đi riêng cho mình. Trường hợp huy động vốn từ cổ đông hiện hữu không khả thi, các ngân hàng buộc phải tìm các đối tác tương xứng để tiến hành hoạt động sáp nhập.
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Giám đốc dịch vụ tài chính - ngân hàng, EY Việt Nam, đây là lý do để xu hướng M&A trong thời gian tới sẽ diễn ra manh mẽ. Bởi trong thời gian tới, mức độ mở cửa của thị trường tài chính ngân hàng ngày cao các tổ chức tài chính nước ngoài với nguồn lực vốn dồi dào sẽ tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam, trong khi đó, chủ trương của NHNN là không tăng thêm số lượng ngân hàng. Do đó, việc ngân hàng nội với quy mô vừa và nhỏ bị ngân hàng ngoại thâu tóm là hoàn toàn có thể xảy ra.
Cần gỡ bỏ nhiều rào cản
Để việc M&A được thuận lợi, bà Nguyễn Thùy Dương cho biết, sẽ có nhiều ngân hàng buộc phải thoái vốn để giảm tỷ lệ sở hữu chéo giữa các ngân hàng với nhau. Bởi hiện nay, mặc dù đã có một vài thương vụ thoái vốn hoặc sáp nhập thành công, nhưng hiện tại vẫn còn một loạt các ngân hàng đang nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của ngân hàng khác hoặc công ty tài chính khác.
Ví dụ, Vietcombank hiện đang nắm giữ 7% cổ phần tại Ngân hàng Quân đội; 5,07% tại OCB và trên 8% tại Ngân hàng Sài Gòn. Vietinbank cũng đang nắm giữ 10,4% tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương và ABBank sở hữu 8,4% cổ phần tại Công ty tài chính EVN.
Trong khi đó, theo Thông tư 36, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu chéo giữa các ngân hàng, NHNN quy định các ngân hàng chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một TCTD khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó. Như vậy, những ngân hàng đang nắm giữ trên 5% buộc phải thoái vốn để đảm bảo tuân thủ theo quy định của Thông tư. Theo đó, dự kiến trong thời gian tới, khả năng thị trường sẽ chứng kiến nhiều cuộc mua bán cổ phần ngân hàng với nhau.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để nâng cao năng lực tài chính cũng như quy mô của ngân hàng bằng nguồn tài chính mạnh và minh bạch, thì việc nới cổ phần cho khối ngoại cũng là yếu tố cần quan tâm. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Hưng, đây là vấn đề rất thận trọng và có lộ trình phù hợp. Hiện NHNN đang nghiên cứu tổng thể các giải pháp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Vì giới hạn mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như giới hạn mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại các TCTD Việt Nam như hiện nay là phù hợp. Cụ thể, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam. Trong khi đó, một nhà đầu tư là tổ chức trong nước chỉ được sở hữu tối đa 15%.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu lo ngại, rào cản của việc tái cơ cấu ngân hàng đến từ chính nội lực các ngân hàng. Nguyên nhân các ngân hàng lớn mạnh không “mặn mà” trong việc “ôm” các ngân hàng nhỏ và kém hiệu quả. Ngay cả cổ đông tại các ngân hàng này, nhất là các cổ đông chiến lược, thường phản đối việc sát nhập với những ngân hàng yếu kém, trừ khi “bị” chỉ đạo thực hiện. Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa cho các ngân hàng phá sản.
Do đó việc duy trì hệ thống ngân hàng khó có thể rút gọn lại. Như vậy, số lượng ngân hàng bao nhiêu phù hợp không quan trọng, quan trọng là quản trị ngân hàng phải tốt để đủ sức cạnh tranh khi hội nhập.
Theo Hải Yên - Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất