09/03/2022 16:29 GMT+7 | Hồ sơ - Tư liệu
(lienminhbng.org) - Mặc dù cả Nga và Ukraine đều không hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo cách của các nền kinh tế lớn của phương Tây và châu Á, nhưng cả hai đều là những quốc gia tiên tiến có mối liên kết nhất định đối với phần còn lại của thế giới.
Do đó cuộc khủng hoảng của hai nước này sẽ gây thiệt hại tầm vĩ mô, tác động đến chính nền kinh tế Nga và Ukraine cũng như tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu.
* Nga đối mặt thách thức kinh tế chưa từng có
Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/2/2022 thông báo tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây đã đồng loạt triển khai một loạt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Moskva.
Đòn đánh được xem là mạnh nhất là loại 7 ngân hàng thương mại lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cũng như trừng phạt Ngân hàng trung ương Nga, phong tỏa các tài sản của ngân hàng này ở nước ngoài. Các hành động này nhắm vào gần 80% tổng tài sản ngân hàng ở Nga và, theo Bộ Tài chính Mỹ, được cho là sẽ có tác động sâu sắc, lâu dài đến nền kinh tế Nga.
Kể từ sau sự kiện 24/2, đồng ruble của Nga đã giảm giá trị 30% và các nhà phân tích lo ngại giá trị đồng tiền Nga vẫn còn bất ổn.
Giá trị đồng ruble tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục mới so với đồng USD sau khi các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Rating S&P Global Rating và Fitch đều hạ mức xếp hạng nợ công của Nga.
Theo S&P Global Rating, Nga đã áp dụng các biện pháp mà tổ chức tín dụng này cho rằng có thể làm tăng nguy cơ vỡ nợ, trong đó có các biện pháp kiểm soát vốn do các nhà chức trách đưa ra nhằm mục đích bảo vệ đồng nội tệ ruble trước tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm trọng, trong khi bảo tồn các nguồn vốn dự trữ có thể được huy động trong trường hợp khẩn cấp.
Trong khi đó, theo Fitch, các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã làm gia tăng các mối đe doạ đối với sự ổn định tài chính vĩ mô và có thể làm suy yếu khả năng sẵn sàng thanh toán nợ công của nước này.
Hậu quả là có thể làm suy yếu cả tài chính đối ngoại và tài chính công của Liên bang Nga, cũng như hạn chế tính linh hoạt tài chính, làm giảm đáng kể tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và gia tăng rủi ro trong nước và quốc tế.
Chuyên gia chiến lược đầu tư Brian Jacobsen của Allspring Global Investments cho rằng khi tình hình căng thẳng càng kéo dài thì kinh tế Nga sẽ chịu thêm thiệt hại.
Fitch cho biết các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cấm mọi giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga sẽ có tác động lớn hơn tới các nền tảng tín dụng của nước này so với mọi biện pháp trừng phạt trước đó. Moody’s cũng cảnh báo những ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt này đang đi xa hơn so với những dự kiến ban đầu của hãng và sẽ ảnh hưởng tới các chỉ tiêu đánh giá xếp hạng tín dụng.
Không dừng lại trong lĩnh vực tài chính, các biện pháp trừng phạt còn được áp dụng đối với nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nga. Đáng chú ý trong số này là việc nhiều hãng tàu biển lớn như Maersk Line, Hapag Lloyd, MSC, Ocean Network Express… thông báo việc ngừng hoặc ý định ngừng khai thác tuyến đường với Nga. Với động thái này, hàng hóa nhập/xuất khẩu vào Nga sẽ bị nghẽn nghiêm trọng, từ đó làm đình trệ cỗ máy kinh tế.
Một hình thức trừng phạt khác đó là cấm vận công nghệ và trang thiết bị. Hai hãng chế tạo máy bay lớn Boeing và Airbus đã thông báo rút hỗ trợ kỹ thuật và ngừng cung cấp linh kiện thay thế cho ngành công nghiệp hàng không Nga.
Như vậy, trong thời gian tới, các máy bay của hai hãng trên trong thành phần đội bay thương mai của Nga sẽ khó có thể cất cánh do không được bảo trì thường xuyên hay thiếu linh kiện thay thế.
Điều này cũng đúng với một số lượng không nhỏ các nhà máy trên lãnh thổ Nga đang sử dụng máy móc, công nghệ phương Tây, do thiếu phụ tùng thay thế. Hãng VW nổi tiếng của Đức, hay các nhà sản xuất ô tô Volvo, Scania cũng thông báo ngừng sản xuất và xuất khẩu xe sang Nga, và cùng với tỷ giá USD tăng vọt, giá bán hầu hết các dòng xe ô tô tại Nga đã tăng mạnh, trung bình là 10%.
Giới quan sát nhận định các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây là rất ngặt nghèo, nhằm hủy hoại nền kinh tế Nga, và về lâu đài nó có thể khiến cho kinh tế Nga rơi vào khốn đốn nếu không có các biện pháp hóa giải. Viện Kinh tế Thế giới cho rằng cuộc chiến kinh tế sẽ khiến Nga phải trả giá, và càng kéo dài, Nga sẽ càng chịu nhiều thiệt hại. Theo tính toán của họ, các lệnh trừng phạt có khả năng làm suy giảm nền kinh tế Nga hàng năm tới gần 10%.
* Ukraine rơi vào khủng hoảng nhân đạo
Theo thống kê của Liên hợp quốc, hơn 1,7 triệu người đã phải rời khỏi Ukraine sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này vào ngày 24/2. Hơn 50% trong số đó đã xin tị nạn ở Ba Lan.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo nếu tình hình giao tranh kéo dài hơn, khoảng 18 triệu người Ukraine cần viện trợ nhân đạo và đây sẽ là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất ở lục địa châu Âu trong nhiều năm qua.
Nhiều quốc gia tại châu Âu đã công bố kế hoạch đón người tị nạn từ Ukraine, trong số này có nhiều nước vốn giữ lập trường cứng rắn với người nhập cư từ Syria và Afghanistan.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết cơ quan này đã làm việc với chính phủ các nước láng giềng Ukraine, kêu gọi họ mở biên giới cho những người muốn tìm kiếm an toàn và được bảo vệ. UNHCR cảnh báo số người tại Ukraine chạy sang các nước láng giềng “đang tăng lên theo cấp số nhân” và tình hình dự kiến sẽ trở thành “cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu trong thế kỷ này”.
Tại hội nghị bất thường của các bộ trưởng nội vụ Liên minh châu Âu (EU) hôm 27/2, lần đầu tiên các nước EU đã đạt đồng thuận giữa tất cả các quốc gia thành viên về việc cùng tiếp nhận người tị nạn chiến tranh một cách nhanh chóng và không quan liêu thủ tục giấy tờ.
EU ngày 3/3 nhất trí cung cấp sự bảo vệ tạm thời cho người tị nạn Ukraine trong cuộc họp cấp bộ trưởng nhằm khởi động một cơ chế bảo vệ tạm thời, vốn đã được khối này đề ra từ 2 thập kỷ trước đây khi xảy ra cuộc chiến tại Yugoslavia nhưng chưa bao giờ được áp dụng. Theo Quy chế Bảo vệ tạm thời, người tị nạn đến từ Ukraine và gia đình họ sẽ được cấp phép cư trú cũng như quyền đi làm và học tập trong năm đầu tiên, được gia hạn 6 tháng một lần với tổng thời gian 2 năm.
Hiện tại, công dân Ukraine có hộ chiếu sinh trắc học chỉ được phép vào khu vực Schengen miễn thị thực của EU và ở lại trong 3 tháng, không được phép làm việc. Cao ủy phụ trách các vấn đề nội vụ của EU, bà Ylva Johansson, cho biết đây là "một quyết định lịch sử" của khối này.
Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) và Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế hôm 1/3 đã ra tuyên bố chung, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ 273 triệu USD để hỗ trợ hàng triệu người tại Ukraine và những người đã chạy ra nước ngoài lánh nạn. ICRC cho biết mạng lưới nhân đạo lớn nhất thế giới cần khoản tiền trên để giải quyết các nhu cầu viện trợ nhân đạo đang cấp thiết và gia tăng từng giờ như hỗ trợ thực phẩm, nước sạch, chỗ ở, y tế, tâm lý.
Về thiệt hại kinh tế do xung đột với Nga, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine, ông Oleksander Kubrakov, hôm 7/3 cho biết cơ sở hạ tầng nước này đã thiệt hại khoảng 10 tỷ USD kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
Bên cạnh đó, nợ quốc gia của Ukraine cũng tăng cao, đồng thời làm sụt giảm niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7/3 đã phê duyệt gói hỗ trợ bổ sung trị giá 489 triệu USD cho Ukraine, sẽ giải ngân ngay lập tức và gọi đây là "Khoản hỗ trợ phục hồi sau tình trạng kinh tế khẩn cấp ở Ukraine". WB cho biết "cũng đang huy động khoản tài trợ không hoàn lại 134 triệu USD và khoản tài trợ khác 100 triệu USD, nâng tổng số tiền hỗ trợ là 723 triệu USD".
*“Cú đánh” vào kinh tế toàn cầu
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), những diễn biến tại Ukraine có thể gây rủi ro kinh tế đáng kể đối với khu vực và toàn cầu. Cuộc khủng hoảng diễn ra đúng thời điểm kinh tế toàn cầu đang hồi phục sau đại dịch và đe dọa làm chậm lại quá trình này.
Trong khi đó, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nhận định cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể gây tác động lớn đối với lĩnh vực thương mại, đặc biệt là thương mại nông sản và thực phẩm, và đẩy giá năng lượng tăng cao, qua đó ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Đồng quan điểm trên, tờ Financial Times cho rằng khủng hoảng Ukraine đe dọa nghiêm trọng đến sự lạc quan trên toàn cầu về triển vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Căng thẳng hiện nay được dự báo sẽ đẩy giá dầu và khí đốt lên cao và tiếp tục làm chậm quá trình phục hồi kinh tế, đặc biệt là ở châu Âu, dẫn đến lo ngại gia tăng về diễn biến lạm phát, đồng thời làm trầm trọng thêm vấn đề nan giải về thời điểm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga nhằm loại trừ nước này khỏi mạng lưới tài chính của mình. Các nhà quan sát cho rằng quyết định nhằm loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT có thể được coi là “lựa chọn cốt lõi” hay “lựa chọn cuối cùng” trong tổng thể các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga của các nước phương Tây. Kinh tế Nga chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, điều khiến giới chuyên gia quan ngại đó là những tác động tiêu cực và lâu dài đối với kinh tế thế giới. Việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT khiến các nước không thể thực hiện các khoản thanh toán liên quan đến năng lượng với Nga, kinh tế toàn cầu sẽ bị thiệt hại từ 0,5-1,0% GDP do lạm phát tăng nhanh.
Chi phí điện năng tăng cao đã khiến lạm phát tăng cao hơn, làm phức tạp thêm sự phục hồi sau đại dịch COVID19 và buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất. Tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng do hậu quả của đại dịch vẫn chưa được giải quyết và chi phí vận chuyển toàn cầu vẫn tăng cao.
Những căng thẳng từ xung đột Nga-Ukraine có thể là tương đối nhỏ nhưng chúng đè nặng lên các nền kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi sau những “trận cuồng phong” do đại dịch gây ra. Tại Mỹ - nền kinh tế hàng đầu thế giới, Cục Dự trữ liên bang nước này (FED) đang phải đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm, đạt 7,5% vào tháng 1/2022. Giá năng lượng tăng cao hơn có thể chỉ là tạm thời, nhưng vẫn gây lo lắng về vòng xoáy giá cả tiền lương.
Giá dầu hiện lên hơn 100 USD/thùng, mức cao chưa từng thấy trong hơn 7 năm qua. Các nhà nghiên cứu của Bank of America dự kiến giá dầu có thể tăng thêm 20 USD/thùng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.
Ngân hàng thế giới (WB) dự báo rằng trong ngắn hạn, thị trường năng lượng toàn cầu sẽ đã phải đối mặt với áp lực gia tăng do tình hình ở Ukraine. Nhật báo Les Echos dự đoán xung đột giữa Nga và Ukraine không chỉ gây ra bất ổn khu vực mà còn có thể mang lại những hậu quả toàn cầu khi tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng, bởi đây là hai quốc gia chủ chốt về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.
Việc các thị trường tăng hay giảm sẽ phụ thuộc vào diễn biến cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine. Tình trạng thiếu hụt cục bộ và giá cả tăng - dù là khí đốt, lúa mỳ, nhôm hay nickel - đều có thể tạo ra hiệu ứng domino trong một thế giới vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch.
Do phần lớn châu Âu phụ thuộc vào khí đốt và than nhiệt của Nga, nhà phân tích Matthew Hope của Credit Suisse cảnh báo, nếu xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu bị cắt giảm bởi một trong hai bên, sản xuất công nghiệp sẽ chậm lại đáng kể và gây ra mối đe dọa của một cuộc suy thoái toàn cầu. Bên cạnh nỗi lo về lạm phát, tình trạng thiết hụt các kim loại thiết yếu cũng có thể xảy ra, như đồng, nickel. Chúng sẽ tạo ra một sự gián đoạn khác cho chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã yếu đi rất nhiều trước các “cú đánh” của đại dịch COVID-19.
Minh Trà (Tổng hợp)/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất