01/03/2017 07:05 GMT+7
(lienminhbng.org) - Đối với nhiều người Paris cũng như hàng triệu du khách hàng năm đặt chân tới trên những con phố của thành phố Ánh sáng, những vỉa hè rộng mênh mông là một trong những nét đẹp nhất của thành phố. Người ta đi dạo trên đó, uống cà phê, ngắm đường phố và yêu Paris trên các vỉa hè.
Chó đại tiện ra hè phố đã trở thành một nỗi ám ảnh thường trực với nhiều người Paris và du khách, buộc thành phố phải đưa ra các quy định chặt chẽ về việc cho chó "đi bậy".
Theo đó, chó có thể được “đi bậy” trên hè, với điều kiện là sau khi thú nuôi đó “xong việc”, người chủ phải dọn ngay.
Câu chuyện về chó “đi bậy” ngoài phố là một ví dụ tiêu biểu về việc các đô thị lớn trên thế giới cũng có thể gặp phải các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến mỹ quan thành phố.
***
Ở Việt Nam, đầu tuần này, câu chuyện về “cuộc chiến” bảo vệ vỉa hè lại đang rộ lên, tại cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng, ở đô thị của một nước đang phát triển (và có những lúc luật pháp bị coi nhẹ), tất nhiên vấn đề ấy nặng nề và dai dẳng hơn nhiều.
Chó trên vỉa hè. Ảnh: Bạch Dương - Báo Thanh niên
Sự hỗn loạn, nhếch nhác của hè phố và cảnh quan đô thị nói chung từ lâu đã là một nhức nhối lớn xuất phát từ hai phía tưởng như đối lập với nhau, nhưng trên thực tế lại tương hỗ nhau. Đó là sự buông lỏng, thiếu dứt khoát trong quản lý (thậm chí có thể xuất hiện sự thỏa hiệp tại một số trường hợp). Các chiến dịch dọn dẹp vỉa hè, quy chuẩn bảng biển trên thực tế không có tác dụng, vì chỉ như bắt cóc bỏ đĩa và rồi đâu lại vào đấy.
Còn người dân thì sống tùy tiện do ý thức kém, do không gian sinh hoạt nhỏ, thậm chí do khinh thường các luật lệ đã đề ra. Với họ, vỉa hè là của chung, nghĩa là của tất cả, nhưng cũng có nghĩa là không của ai. Họ chiếm cứ các không gian chung cho riêng mình, biến vỉa hè thành nơi bán bún chả, nơi dỗ con tè, chỗ để quảng cáo, đổ rác, để xe, chợ cóc…
Một nền kinh tế vỉa hè đã được tạo ra từ nhiều thập niên, trở thành một thói quen ăn sâu bén rễ vào lòng đa số người đô thị. Họ điềm nhiên coi đây là nơi sinh hoạt và kinh doanh. Rất khó có thể thay đổi suy nghĩ ấy.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều người đã tỏ ra hoài nghi với những gì họ thấy tại quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, khi chính quyền ra quân làm sạch vỉa hè. Rất nhiều người không tin “cuộc chiến” này sẽ hiệu quả và kéo dài lâu.
Sự hoài nghi ấy rất có thể dẫn đến tư tưởng thách thức vẫn thường thấy mỗi khi nhà chức trách đưa ra các chiến dịch liên quan đến đô thị. Bởi, những năm qua, niềm tin của người dân thường vào các giới chức ở vấn đề quản lý đô thị rõ ràng đã sứt mẻ ít nhiều. Trong khi, quyền lợi của rất nhiều người bám vào việc tận dụng vỉa hè để sống và kinh doanh, bất chấp các quy định, đã tồn tại từ rất lâu.
Đó sẽ là hai yếu tố mang tính đối kháng với các cấp quản lí trong cuộc chiến này.
***
Tôi là một người hay đi bộ và thường xuyên đi bộ trên các vỉa hè quang đãng và rộng lớn ở các đô thị lớn của thế giới. Tôi rất mong được đi bộ một cách thoải mái và ung dung trên các con phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác nữa mà không sợ bị giật đồ, bị cản trở bởi những hàng quán, những kẻ tè bậy, những hàng xe đỗ lộn xộn xiên xẹo.
Và người Hà Nội cũng không chỉ muốn được đi bộ vào cuối tuần, khi chúng ta cấm xe quanh Bờ Hồ. Cũng như tại Thành phố Hồ Chí Minh, người ta không muốn dừng ở việc chỉ đi bộ trên đường Nguyễn Huệ.
Đã làm sạch và gọn vỉa hè, hãy làm cho trót, làm cho dứt điểm và mạnh mẽ, lâu dài. Đừng để, sau một thời gian, câu chuyện chỉ còn đọng lại ở các tuyên bố trên tít báo.
Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất