05/03/2016 06:19 GMT+7
(lienminhbng.org) - Trong rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nguyên nhân được cho là do người lái xe nhầm lẫn giữa chân ga và chân phanh, dẫn đến việc không thể kiểm soát được chiếc xe.
Hiện tại, các cơ quan chức năng chưa có số liệu thống kê một cách đầy đủ về số vụ tai nạn xảy ra tại Việt Nam do lỗi đạp nhầm chân ga và chân phanh, nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng, có thể thấy con số này là không hề nhỏ. Hầu hết các vụ tai nạn do nguyên nhân này xảy ra trong thành phố, khu vực đông dân cư, nơi nhiều phương tiện giao thông và thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng cả về người và tài sản.Đây là sự nhầm lần của con người, cụ thể là người lái xe, xảy ra trong một số tình huống nhất định như mất tập trung, tinh thần hoảng loạn hoặc không quen điều khiển xe lạ, nhất là các loại xe sử dụng hệ thống hộp số tự động. Điều này khác với việc hệ thống phanh của chiếc xe gặp trục trắc, dẫn tới mất khả năng hãm tốc độ.
Các hãng xe hàng đầu thế giới đã phát triển rất nhiều hệ thống giúp cho việc lái xe trở nên an toàn hơn, như tính năng cảnh báo sớm va chạm chẳng hạn. Tuy nhiên, gần như không giải pháp công nghệ nào giúp cho việc chống đạp nhầm giữa chân ga và chân phanh. Tất cả đều phụ thuộc vào người điều khiển chiếc xe.
Dưới đây là một số gợi ý có thể giúp cho việc vận hành một chiếc xe an toàn hơn, đặc biệt tránh được lỗi đạp nhầm chân ga và chân phanh.
Làm quen với xe
Trước khi ngồi vào một chiếc xe, nhất là những chiếc xe lạ, thì việc đầu tiên người lái cần làm là điều chỉnh vị trí ghế ngồi, độ cao thấp, điều chỉnh độ nghiêng của vô-lăng, điều chỉnh gương chiếu hậu sao cho tư thế ngồi thoải mái nhất, bàn chân phải kiểm soát tốt chân ga và chân phanh. Nên đạp thử chân ga, chân phanh vài lần để quen cảm giác về vị trí, độ nặng trước khi khởi động xe và khởi hành.
Vị trí gót chân phải
Chân phải được dùng để điều khiển cả chân ga lẫn chân phanh, áp dụng đối với cả xe sử dụng số sàn cũng như xe số tự động. Vị trí gót chân phải cần luôn để chạm sàn, ngay phía dưới bàn đạp phanh, để mỗi khi đạp phanh thì bàn chân, xương ống chân và đùi nằm trên một mặt phẳng. Khi chuyển sang đạp ga, xoay bàn chân sang phải khoảng 45 độ so với vị trí ban đầu, và đạp ga bằng mũi bàn chân.
Rời chân ga - rà chân phanh
Khi không đạp vào chân ga, người lái cần chuyển mũi chân phải về vị trí của chân phanh, sẵn sàng đạp phanh bất cứ lức nào. Trong nhiều trường hợp, do đặc tính của các xe số tự động, khi nhả chân ga thì xe sẽ giảm tốc độ từ từ, khi đó mặc dù không có nhu cầu giảm tốc độ bằng phanh thì việc cần phải làm vẫn là rà chân phải lên bàn đạp phanh.
Vị trí chân trái
Đối với các xe sử dụng số sàn, chân trái được dùng để đạp vào bàn đạp ly hợp (côn) trong trường hợp giảm tốc độ hay sang số. Nhưng với các xe số tự động, chân trái được giải phóng hoàn toàn. Đặc biệt lưu ý, không được phép lái xe theo kiểu chân trái đạp chân phanh, chân phải đạp chân ga, điều này cực kỳ nguy hiểm. Khi đi vào các đường gấp khúc cần đánh lái liên tục, chân trái có thể tỳ vào vào sàn xe, ở vị trí được bố trí riêng để giúp giữ cơ thể người lái chặt vào ghế.
Thao tác khi dừng xe
Trường hợp dừng chờ đèn đỏ thời gian lâu (trên 20 giây), người lái cần chuyển từ số D về số N và kéo phanh tay để tránh xe bị trôi. Khi đèn đỏ còn khoảng 5 giây thì bắt đầu thao tác để khởi hành xe (đạp phanh, vào số D và nhả phanh tay). Cần hạn chế sử dụng điện thoại trong lúc này, để tránh tình trạng mất tập trung, dẫn đến mất bình tĩnh khi chịu áp lực khởi hành gấp từ những xe phía sau. Khi dừng xe ven đường trong thời gian lâu hơn, ở vị trí an toàn thì cần chuyển về số P và kéo phanh tay.
Tập trung cao độ
Để không bị bất ngờ trước mọi tình huống, dẫn đến không đủ tỉnh táo để xử lý và có thể đạp nhầm chân ga và chân phanh, người lái xe luôn phải tập trung cao độ, tránh bị phân tâm bởi những thứ xung quanh như phong cảnh bên ngoài, một tình huống nào đó trên đường, hoặc do sử dụng điện thoại, xem phim hay nói chuyện với những người trong xe. Nguy cơ nhầm lẫn chân ga và chân phanh xảy ra cao hơn ở khu vực đỗ xe hoặc tại các điểm đường giao nhau, khi bắt đầu khởi hành hoặc lúc có nhiều phương tiện đến từ nhiều hướng.
Đi giày đế mỏng
Việc đi một đôi giày nhẹ, đế mỏng có thể giúp lái xe trở nên an toàn và thoải mái hơn. Ngược lại, đi dép có thể khiến bạn bị kẹt khi chuyển từ chân ga sang chân phanh. Đi chân trần có thể khiến bạn đau chân, cảm giác đạp chân ga và chân phanh không tốt, có thể gây trơn trượt. Các loại giày cao cổ sẽ làm cổ chân người lái thiếu linh hoạt, chuyển giữa chân ga và chân phanh không “mượt”. Giày cao gót có mặt tiếp xúc nhỏ, tư thế không vững, rất khó đạp chính xác vào đúng mặt bàn chân phanh hay chân ga. Bạn nên để sẵn một đôi giày nhẹ đế mỏng, hoặc tối thiểu là một đôi dép có quai hậu trong xe, để khi cần có thể sử dụng ngay.
Lái xe là một kỹ năng, đòi hỏi quá trình rèn luyện và tích lũy, cũng như phi công có chỉ số giờ bay làm thước đo. Dẫu vậy, trong mọi trường hợp, việc lái xe tập trung, tuân thủ đầy đủ các quy tắc an toàn vẫn là điều quan trọng nhất.
Đông Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất