18/02/2014 18:23 GMT+7 | Champions League
(lienminhbng.org) - Txiki Begiristain và Ferran Soriano đã tới Etihad với một triết lý mang theo từ Camp Nou.
Joan Laporta luôn thấy thú vị khi nhớ lại cuộc đối thoại của ông với Pep Guardiola vào mùa xuân năm 2008. Frank Rijkaard khi đó đã chắc chắn sẽ chia tay CLB vào cuối mùa và Chủ tịch Barca gọi HLV đội B lên để thông báo với chiến lược gia 38 tuổi chưa có chút kinh nghiệm ở đỉnh cao nào rằng ông là người được lựa chọn thay thế.
Đó không hề là một quyết định bốc đồng hay mang tính đánh bạc như nhiều nghĩ lúc đó. Thật ra, nó đã được cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng. Laporta đã xem xét mời lại Johan Cruyff, nhưng rồi ông quyết định tìm kiếm lại từ đầu. Giám đốc thể thao Begiristain từng chơi với Guardiola trong “Dream Team” của Cruyff, đã theo dõi rất kỹ Barcelona B và ngày càng thấy Guardiola là ứng cử viên số 1. Không chỉ vì xuất thân của ông: từng nhặt bóng ở Camp Nou, rồi đội trưởng, thủ lĩnh và người đào tạo trẻ. “Chúng tôi đã lựa chọn một triết lý”, Laporta tự hào nói sau này.
Ferran Soriano (phải) và Txiki Begiristain mang đến Man City triết lý của Barca.
Tuy nhiên, cho rằng Man City chỉ đơn giản sao chép mô hình Barcelona là có phần ngây thơ. Tương tự là ý tưởng cho rằng đưa về Soriano và Begiristain chỉ là một phần trong nỗ lực của Man xanh để lôi kéo Guardiola, dù rõ ràng họ có ý định đó. Rất nhiều phần việc xây dựng một triết lý mới, trẻ trung ở Man City đã được bắt đầu từ trước khi bộ đôi người TBN có mặt, bao gồm một Học viện bóng đá Man City hoành tráng và một Trung tâm đào tạo Etihad quy mô lớn.
Dẫu vậy, Sheikh Mansour đúng là thấy ở Barcelona một mô hình mà ông ưa thích: không chỉ là bóng đá, từ việc mở rộng ở quy mô quốc tế tới các thị trường mới, từ đào tạo trẻ tới việc tạo ra doanh thu, có nhiều điểm tương đồng. Man City thật sự muốn trở thành giống như Barcelona, được yêu mến và không muốn bị coi là nhà giàu sổi.
CLB cũng cần sự bền vững về tài chính, theo luật công bằng tài chính của UEFA. “Sự bền vững luôn là trung tâm trong việc đầu tư của Sheikh Mansour vào Man City”, thông cáo báo chí trong lễ khởi công học viện trẻ của CLB nói. “Tương lai dài hạn phụ thuộc vào việc tuyển mộ và đào tạo các cầu thủ trẻ”. Khi Sorriano còn ở Barcelona, ông tính toán rằng mỗi cầu thủ trẻ lên được đội 1 khiến CLB tiêu tốn chỉ 2 triệu euro. “Một khoản đầu tư khôn ngoan”, ông kết luận.
Khi Laporta giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch năm 2003, Barcelona đã trải qua 4 năm không danh hiệu, khoản nợ lên tới 186 triệu euro và quỹ lương chiếm 88% thu nhập của họ. Soriano đặt mục tiêu tối thượng là giảm tỉ lệ đó xuống còn 50%, một đích đến cũng đang được nhắm tới ở Man City. Thu nhập của Barcelona chỉ xếp thứ 10 trong số các đội bóng toàn cầu, và theo Soriano, họ đứng trước rủi ro trở thành một CLB “thường thường bậc trung”. Soriano khẳng định mọi CLB, mọi ngành kinh doanh, đều cần một tầm nhìn, đều phải biết nói không và sẵn sàng siết chặt đội ngũ. Thông điệp đó cũng đang được đưa ra với các thành viên của Man City lúc này.
Các khoản chi được cắt giảm, nhưng quan trọng hơn là Barcelona phải tăng doanh thu. Soriano nói về việc bắt đầu một “vòng xoáy đi lên”, trong đó ban lãnh đạo phải chấp nhận rủi ro: Barcelona cần những cầu thủ thu hút được sự chú ý từ truyền thông và giới làm tiếp thị, ở quy mô quốc tế. Chỉ 23% khán giả truyền hình của họ là trong nước và các CĐV luôn theo dõi bước chân của những cầu thủ lớn. Laporta lúc đó đã rất nỗ lực để đưa về David Beckham từ Man United.
Beckham đã không đến, nhưng đã có Ronaldinho và hóa ra Barca không chỉ đưa về một biểu tượng thương mại. Đó còn là một cầu thủ phi thường. Ngôi sao người Brazil giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA 2 năm liên tiếp. “Anh ấy đã thay đổi lịch sử CLB”, Xavi nói. “Anh ấy như là một chữ ký của ban quản trị, hơn là của chúng tôi”, Begiristain thừa nhận.
Barcelona cũng tìm cách giải thích và quảng bá khẩu hiệu “Més que un club” (Hơn cả một CLB) của họ ở phạm vi toàn cầu. Hợp đồng tài trợ với Unicef là một ví dụ, để giúp CLB có hình ảnh toàn thiện toàn mỹ trong mắt các CĐV. Cam kết chơi bóng đá đẹp là một phần quan trọng nữa. Nhưng như Soriano thừa nhận: “Cuối cùng vẫn là kết quả trên sân”. Vì thế, Sorian muốn có những cầu thủ khao khát thành công, chưa hề chiến thắng.
Barcelona thiết lập một danh sách 9 đặc điểm mà các HLV của họ cần phải đáp ứng, bắt đầu với “tôn trọng mô hình thể thao” của CLB, ám chỉ phong cách chơi bóng, tới “các giá trị” và “tầm quan trọng của đào tạo trẻ”. Với Begiristain, “tài năng” và lối đá kỹ thuật là điều tiên quyết. “Những màn trình diễn đẹp bắt đầu từ phía sau”, ông giải thích. “Ít ra thì các trung vệ phải biết chơi bóng”.
Khi Rijkaard gặp khó khăn ở mùa đầu tiên, Sandro Rosell, khi đó là một trong các phó Chủ tịch, vận động sa thải HLV người Hà Lan để đưa về Luiz Felipe Scolari, người nhiều khả năng sẽ từ bỏ bóng đá đẹp để chạy theo kết quả. Soriano nhớ lại: “Rossell và nhóm của ông ấy cho rằng kiểu bóng đá phong cách Barca khi đó đã lỗi thời. Chúng tôi thua Chelsea và họ nói: Thấy chưa? Chúng ta nên thuê HLV kiểu Scolari và đưa về những cầu thủ to con, mạnh mẽ hơn. Nhưng chúng tôi đã nói: Không, đó không phải là chúng ta, chúng ta chơi bóng đá đẹp và sẽ không nhượng bộ”.
Rijkaard được tiếp tục công việc của ông và giành 2 chức vô địch Liga cùng Champions League. Năm 2008, Soriano và các Giám đốc khác của Barca cho rằng khao khát đã không còn và họ bắt đầu tìm một HLV mới. Begiristain ưu tiên Guardiola, nhưng lúc đó chưa thể đoan chắc, bởi tiến trình tuyển lựa vẫn tiếp tục. Ông từng tới Lisbon để gặp Jose Mourinho, mang theo “danh sách 9 điểm”.
Cuộc gặp kéo dài 3 tiếng đồng hồ, với việc Mourinho trình bày ý tưởng chi tiết của ông về Barca và khẳng định sẽ đáp ứng yêu cầu về phong cách chơi bóng. Begiristain thấy ấn tượng, nhưng cũng nghi ngờ. Bản sắc bóng đá của Barca là rất quan trọng.
Man City chọn Manuel Pellegrini vì ông có nhiều điểm giống với Guardiola.
Xavi là một trong nhiều cầu thủ thấy những điểm giống nhau giữa Manuel Pellegrini và Guardiola. “Chúng tôi yêu cầu HLV mới xây dựng một đội hình và một triết lý bóng đá sẽ tồn tại trong 10 năm tới”, Soriano nói khi Man City bổ nhiệm Pellegrini. “Đó là một quyết định dài hạn đòi hỏi sự phân tích rất cẩn trọng. Tôi rất lo lắng về hình ảnh của chúng tôi trong mắt thế giới”.
“Một trong những lý do khiến tôi tới đây là Txiki”, Pellegrini nói. “Tôi chọn Man City vì tin rằng họ hiểu mô hình bóng đá của tôi. Các HLV phải mang vẻ đẹp của bóng đá tới cho các CĐV, nhất là ở một CLB đã đầu tư rất nhiều tiền để đưa về những cầu thủ giỏi nhất. Tôi không hề ảo tưởng, nhưng tôi tin rằng chơi bóng đá đẹp mắt sẽ mang tới những kết quả tích cực. Tôi không phải là kẻ hy sinh kết quả chỉ để chơi bóng đá đẹp”.
Soriano cũng đã đặt ra mục tiêu 5 danh hiệu trong vòng 5 năm. Begiristain đồng ý: “Barcelona hấp dẫn vì phong cách của họ, nhưng nếu không có những chiếc cúp, điều đó sẽ chẳng ý nghĩa gì”.
Trần Trọng
Theo Guardian
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất