05/01/2020 09:54 GMT+7 | Âm nhạc
(lienminhbng.org) - Đêm nhạc Le Chauffage 2 với chủ đề Le voyage d’amour - Hành trình yêu thương vừa diễn ra tối 3/1 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội với sự trình diễn của hai nghệ sĩ piano Trần Lê Bảo Quyên và nghệ sĩ violon Trần Lê Quang Tiến.
Nối tiếp thành công của Le Chauffage - Sưởi ấm số 1, hòa nhạc cổ điển thường niên của hai chị em Bảo Quyên và Quang Tiến đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả mộ điệu. Trong đêm Le Chauffage 2, Bảo Quyên và Quang Tiến chơi tất cả 5 tác phẩm và hầu hết đều là những tác phẩm rất khó.
Phần đầu đêm nhạc là màn solo của Quang Tiến với hai trong ba tác phẩm chơi cùng phần đệm piano của chị gái. Chàng trai 18 tuổi gây ngỡ ngàng với sự trưởng thành vượt trội, kĩ thuật điêu luyện trong tác phẩm Fantaisie brillante sur des motifs de l'opéra 'Faust' de Gounod của Henryk Wieniawski.
Bản nhạc viết năm 1870 này là một thách thức và niềm khao khát chinh phục với bất kỳ nghệ sĩ violon nào. Thế nhưng, sự tự tin và tinh thần đầy tươi trẻ, sự chiêm nghiệm mang tính bản năng và khả năng diễn giải tác phẩm bằng cảm xúc mạnh mẽ của Quang Tiến đã thuyết phục người nghe nhạc. Bảo Quyên cũng giúp em trai mình kể câu chuyện tình âm nhạc bằng phần đệm piano đầy ăn ý.
Phần hai của hòa nhạc là độc tấu piano của Bảo Quyên với hai tác phẩm: bản Ballade No.4 cung Fa thứ của Chopin và tác phẩm Piano Sonata cung si trưởng, S.178 của Liszt. Mặc dù thầy giáo của Quyên khuyên rằng, đây là bản nhạc mà người nghệ sĩ piano phải dành cả đời tập luyện, nhưng Bảo Quyên vẫn quyết tâm chinh phục.
Nếu ai nghĩ rằng bản nhạc này chỉ dành để trưng trổ “kho vũ khí kỹ thuật” của người chơi piano và nguồn nhiên liệu bên trong không đủ dồi dào thì không thể thành công, nhất là với nghệ sĩ trẻ, thì hẳn là họ sẽ thay đổi định kiến khi thưởng thức màn trình diễn của Bảo Quyên.
Nội lực mạnh mẽ của đôi bàn tay gầy nhỏ hòa quyện với dòng cảm xúc mãnh liệt thăng trầm biến hóa liên tục theo từng thiên cuốn hút khán giả vào 30 phút bất tận của tác phẩm âm nhạc lớn. Có thể thấy được cả những đốm mồ hôi lấm tấm trên mặt, trên cổ, trên bờ vai mảnh dẻ của Bảo Quyên. Và khi đứng lên chào khán giả, gương mặt của Bảo Quyên vẫn cơ hồ chưa thoát ra được thế giới xúc cảm của tác phẩm.
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc nhận xét: “Để trở thành nghệ sĩ lớn, Bảo Quyên - Quang Tiến còn cần thời gian hoàn thiện. Nhưng để chơi nhạc đầy tự tin và mạnh mẽ trong Nhà hát Lớn như đêm nay, tôi đã biết họ khổ luyện như thế nào”.
Sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình dòng dõi, là chắt ngoại của nhà văn Nguyễn Tuân và là cháu nội của vị tướng lừng danh Trần Văn Quang - một nhân vật văn võ song toàn của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, Bảo Quyên (sinh năm 1994) và Quang Tiến (sinh năm 2002) bộc lộ thiên hướng nghệ thuật từ nhỏ.
Mẹ của hai chị em - bà Xuân Hà - cho con tiếp xúc với âm nhạc cổ điển từ rất sớm qua các băng đĩa đặt mua từ nước ngoài. Khi con gái 5 tuổi, bà Xuân Hà gom góp tiền bạc mua một chiếc đàn piano, đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiệp âm nhạc cổ điển của Bảo Quyên. Bảo Quyên say mê với cây đàn piano. Cô đi một đường thẳng và dài từ thời thơ ấu tới lúc trưởng thành với vô vàn chông gai, thách thức.
Sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Bảo Quyên sang Đức du học. Từ 80 người dự thi vào Học viện âm nhạc Darmstadt, cô là thí sinh duy nhất đồng thời là người Việt Nam duy nhất trong trường được nghệ sĩ dương cầm Sabine Simon nhận hướng dẫn.
Giai đoạn đầu du học rất khó khăn với Bảo Quyên. Các sinh viên châu Á trong trường phần đa là con nhà giàu được học âm nhạc cổ điển từ khi còn nhỏ tại các nước như Đức, Áo. Để có thể khắc phục, bù đắp những thiếu sót của bản thân cũng như vượt qua mặc cảm tự ti, Bảo Quyên lao vào tập luyện ngày đêm, đến trường từ sáng sớm và rời trường vào lúc 1, 2 giờ sáng sau ca tập khuya. Sau 4 năm đại học, Bảo Quyên là 1 trong 8 thí sinh trúng tuyển hệ thạc sĩ chuyên ngành biểu diễn piano của Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Frankfurt.
Tuy việc học đại học ở Đức được miễn phí hoàn toàn, chi phí dành cho sinh hoạt lại không hề nhỏ. Bảo Quyên cố gắng tiết kiệm bằng cách thuê những căn nhà trọ giá rẻ, tự nấu ăn và mua quần áo ở cửa hàng secondhand. Hoàn cảnh sống tiện nghi tối thiểu cùng nhiều vất vả, gian nan, cô đơn đến tận cùng của cảnh du học xứ người không khiến Bảo Quyên nản chí.
Thay vì nóng vội, tham vọng về thành quả tức thời, danh tiếng, hào quang, Bảo Quyên kiên trì đi một con đường riêng, xa hơn và dài hơn với khát vọng về thành tựu: đó là thực tài và cống hiến. “Khổ luyện để con đường duy nhất để có thành tựu”, Bảo Quyên cho hay. Hiện cô đang học năm cuối Thạc sĩ chuyên ngành biểu diễn piano tại Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Frankfurt (Đức) với Giáo sư Florian Hoelscher.
Giống chị gái, Quang Tiến cũng được học piano từ 5 tuổi. Song cậu bỏ ngang. Đến năm 10 tuổi, Quang Tiến có cảm hứng với violon và được mẹ tìm đến nghệ sĩ Bùi Công Duy để nhờ cậy. Chỉ trong thời gian ngắn được thầy Bùi Công Duy dìu dắt, Quang Tiến đã liên tiếp giành những thành tích lớn: giải Nhất cuộc thi đàn dây quốc tế tại Thái Lan năm 2014, giải Nhất cuộc thi violon quốc tế tại Kazakhstan năm 2016, giải Đặc biệt dành cho nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm đương đại xuất sắc nhất tại cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky dành cho nghệ sĩ trẻ năm 2017.
Năm 2018, khi đang học dở lớp 11 tại Việt Nam, Quang Tiến sang Đức du học. Cậu nhập học văn hóa tại trường quốc tế Metropolitan School Frankfurt, đồng thời theo học hệ sinh viên trẻ chuyên ngành violon tại Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Frankfurt. Quyết định theo đuổi âm nhạc cổ điển ở tuổi 17 của Quang Tiến khiến gia đình bất ngờ. Bởi trước đó, cậu chưa xác định hướng đi cụ thể cho bản thân. Chưa kể, Quang Tiến học văn hóa rất xuất sắc với tất cả các môn đều đạt điểm A. Mẹ Quang Tiến bảo: “Đây là lựa chọn của ông Trời”.
Quang Tiến hiểu âm nhạc cổ điển là một con đường nhiều chông gai, lại chứng kiến sự lao khổ của chị gái, nhưng cậu vẫn quyết dấn thân. Hiện Quang Tiến đang theo học hệ sinh viên trẻ chuyên ngành violon tại Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Frankfurt (Đức) với Giáo sư Erik Schumann.
Được biết, vé của đêm nhạc Le Chauffage - Sưởi ấm 2 được bán hết chỉ trong 1 tuần phát hành. Ngoài số tiền bán vé, đêm nhạc còn nhận được sự ủng hộ, tài trợ của các cá nhân, đơn vị lên tới hơn 60 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được quyên góp cho quỹ Chia sẻ tình thương - một quỹ thiện nguyện độc lập đã hoạt động được 15 năm nay dành cho trẻ em thiệt thòi, thiếu may mắn. Hai nghệ sĩ cũng không nhận thù lao biểu diễn cho đêm nhạc.
“Âm nhạc cổ điển vốn đã đẹp. Sẽ còn đẹp hơn nếu làm được những điều có ý nghĩa, chia sẻ trách nhiệm xã hội với những hoàn cảnh thiệt thòi bằng âm nhạc cổ điển” - Trần Lê Bảo Quyên chia sẻ.
Bảo Anh. Ảnh: TT
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất