22/03/2021 07:48 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Khi lật lại các trang báo và quảng cáo chương trình ca nhạc suốt mấy năm giữa thập niên 1950, thật lạ lùng: Người Hà Nội hát nhạc tiền chiến và nhạc kháng chiến không có vẻ gì là mâu thuẫn nhau. Trong số những cái tên đó có Thanh Hằng - người sau này là NSƯT Lê Hằng.
NSƯT Lê Hằng (tên thật là Lê Lệ Hảo, sinh năm 1935 tại Thanh Trì, Hà Nội) đã qua đời tối 18/3 vì bệnh ung thư, thọ 86 tuổi.
“Người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa”
Tôi nhìn thấy ảnh Lê Hằng lần đầu tiên là bức ảnh cô năm 60 tuổi mà tôi chưa hề biết đấy là ai. Một người phụ nữ đẹp trang điểm đậm, mặc trang phục văn công, áo sơ mi đeo cà vạt màu cỏ úa. Tôi được chính Đoàn Chuẩn cho xem, mà lúc ấy tôi chỉ lờ mờ đoán là một “đối tượng” của ông. Câu chuyện tôi đã viết ra trong cuốn sách gần đây, ấy là đúng lúc bà Xuyên vợ ông đi ra. Lập tức nhanh như cắt, ông Chuẩn lấy tay hất tấm ảnh úp xuống. Đến lúc ấy tôi vẫn nghĩ, “tà áo xanh” của ông nhất định là một “người em gái miền Nam” đã di cư, ở Sài Gòn hay ở nước ngoài rồi.
Vào thời điểm giữa thập niên 1990 ấy, tôi tìm đến nhạc Đoàn Chuẩn có phần vì ca từ của ông tạo ra một khung cảnh hoàn chỉnhvới những mẫu hình người tình nổi bật giữa dòng nhạc tiền chiến đang được hát lại. Đó là những bầu trời xanh lơ của “Thu quyến rũ” hay “gửi gió cho mây ngàn bay”, trong ấy người đẹp luôn kiêu sa “khi nào em đến với anh, xin đừng quên chiếc áo xanh” hoặc có ra đi thì “màu son lên đôi môi, khăn san bay lả lơi trên vai ai”… Hệ thống ấy đậm đặc chất liệu tiểu thuyết.
Rồi sau này, khi tôi đọc kỹ những bản nhạc chép tay do chính Đoàn Chuẩn viết, dòng thời gian sáng tác và lời đề từ bắt đầu khiến tôi thắc mắc. Hóa ra rất nhiều bài được sáng tác sau thời gian Hà Nội được tiếp quản tháng 10/1954. Những bài mà tôi đinh ninh sẽ thuộc một không gian và thời gian “tiền chiến” như “ngày mai người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa, tình duyên đành dứt”. Ồ, chính là bài Lá đổ muôn chiều mà tôi say mê nghe Khánh Ly hát bao lần trong băng đĩa, đề rõ ràng “Viết cuối 1954 bước sang 1955”. Tôi chợt thắc mắc: Vậy Hà Nội thời điểm ấy như thế nào nhỉ? Sao vẫn có thể viết những bài tình tứ như Tà áo xanh, hay những bài tôi chưa từng biết khi ấy như Chiếc lá cuối cùng, Tâm sự, hoặc như Vàng phai mấy lá hóa ra còn có tên Bài ca bị xé, đã được Ánh Tuyết hát năm ấy. Những lời lạ lùng “Viết cho T.H” rồi “Em còn nhớ không? Chiều chia tay cuối cùng lúc tàn Thu trên quãng đường Trần Hưng Đạo tỏa hương hoa sữa thơm lừng và lòng chúng ta thì cay đắng vô cùng - Thu 1955”. Rõ ràng có một Hà Nội khác với “chúng ta ươm lại hoa sắc hương phai ngày xa, ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu” (Tiến về Hà Nội- Văn Cao).
Trong những cuộc giao lưu với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, người đã từng biết rất nhiều chuyện về giới nhạc Hà thành, cũng như những người Hà Nội chất nghệ rong chơi khác, họ đều nhắc đến cái tên Thanh Hằng với sự thán phục về vẻ đẹp đã khiến Đoàn Chuẩn đắm say. Tôi đã hiểu rằng, nàng thơ ấy vẫn còn sống đâu đây, cũng như một Hà Nội nào đó của thời đã qua mà tôi cần tìm hiểu.
Người không thể giấu sự lãng mạn
Khi tìm kiếm những thông tin về “tà áo xanh” bí ẩn, tôi đọc được một bài báo của tác giả Phan Phương ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam vài năm trước, có ảnh của Lê Hằng với cái tên cũ là Thanh Hằng cùng câu chuyện về tà áo xanh, tôi phấn khởi vô cùng vì đã có thể tìm được liên lạc. Hóa ra cô là người đã rất nổi tiếng với bài Trước ngày hội bắn.
Nhưng tôi không thể tự nhiên đến gặp Lê Hằng để hỏi về chuyện tình với Đoàn Chuẩn, điều mà bài báo kia đã cho biết, cô phủ nhận. Trong khi ấy, tôi đã gặp bà Xuyên, sinh thời bà thực là một người phụ nữ Hà Nội khá tế nhị, hơn nữa ở hoàn cảnh ấy, đã có 5 mặt con với ông Chuẩn, chẳng dễ gì chấp nhận các “tà áo xanh” ngoài gia đình như vậy.
Tôi đã bắt đầu câu chuyện về không khí Hà Nội thời ấy, thời ai nấy hồ hởi muốn cống hiến cho đời sống mới. Cô Hằng kể chuyện xưa khá cởi mở (trừ ban đầu hễ nói đến Đoàn Chuẩn và rạp Đại Đồng là cô cảnh giác!). Bắt đầu là câu chuyện cô vào nghề hát là nhờ nhạc sĩ Tu My, người phụ trách phần nhạc cho những vở rối điện ảnh của họa sĩ Mạnh Quỳnh. Các vở này cần diễn viên lồng tiếng và hát những bài hát, chẳng hạn nhân vật công chúa trong vở Thạch Sanh sẽ hát bài Tan tác của Tu My.
Nhạc sĩ phát hiện ra cô gái Lê Lệ Hảo 18 tuổi hát rất hay. Ông lập tức huấn luyện cô học hát để dự cuộc thi hát do đài phát thanh Hà Nội tổ chức vào mùa Hè năm 1953. Cuộc thi năm ấy, với nghệ danh Thanh Hằng, cô giành chức thủ khoa với bài Đêm Xuân dạ khúc của Phạm Duy. Sau đó, cô thành ngôi sao nổi nhất Hà thành, trong khi các giọng ca Thái Thanh, Tâm Vấn đã di cư vào Nam từ trước.
Cuộc nói chuyện về những bài hát xưa rất rôm rả. Có lúc mấy cô cháu ngồi cố nhớ xem bài hát gì của Hoàng Trọng có tên 4 từ mà hồi đó cô rất hay hát. Bà già 83 tuổi nói đã khó khăn nhưng nhất quyết không bỏ cuộc, nhíu mày bóp tay khổ sở rồi òa lên sung sướng khi mình đọc danh sách tên các bài của Hoàng Trọng tới chỗ Nhạc sầu tương tư! Cô nhắc lại bằng cái giọng khàn đục mà như reo lên: Nhạc sầu tương tư! Như thể nhắc đến một bài hát rất vui vẻ. Như thể giữa 60 năm không có phút quên lãng khi các bài hát chìm vào bụi thời gian.
Rồi cô nhắc đến bài Tình ca của Phạm Duy. Và buột miệng hát câu "Tôi yêu bác nông phu". Cô kể chuyện nguyên mẫu bài Tan tác của ông thầy nhạc Tu My là một cô bán phở ở Thanh Hóa, nhưng "là-người-Hà-Nội-tản-cư-về”! Cái điệu cười mủm mỉm và nhấn nhá của cô thật ấn tượng, cô nhắc đến 2 lần chuyện Tu My thích ăn phở, “mà nhà cô ấy bán phở, mà cô ấy ở Hà Nội về”...
Người chọn ở lại Hà Nội
Cô kể mình thích ăn bún ốc, rồi loanh quanh chuyện mặc áo dài thế nào, rồi cô bất ngờ nói mình thích mặc áo màu xanh… “Màu áo xanh là màu anh trót yêu” đây rồi! Tôi đã ghi hình lại cuộc nói chuyện này, và công bố trong đêm nhạc ra mắt cuốn du khảo Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca của mình năm 2018. Cả khán phòng rạp Đại Đồng cũng như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người đã tổ chức những đêm nhạc ấy, vô cùng thích thú với “sự thanh xuân của người nghệ sĩ trong bộc lộ niềm say mê với ký ức âm nhạc”, như nhận xét của người bạn đồng sở thích yêu nhạc tiền chiến, tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu.
Lê Hằng đã chọn ở lại Hà Nội mà không di cư vào Nam, nơi cô hoàn toàn có thể trở thành một ngôi sao của Sài Gòn, và cô cũng chia tay mối tình “yêu không đành mà dứt cũng không đành” với chàng nhạc sĩ hào hoa Đoàn Chuẩn, để rồi chọn ngã rẽ khác của cuộc đời. Cô vào văn công Sư đoàn 312, sau là Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc cho đến khi về hưu, sống cả tuổi xuân cùng những chuyến lưu diễn vùng núi và biên giới…
Từ một ca sĩ của dòng nhạc tiền chiến lãng mạn, cô thành công với những bài ca nhạc cách mạng mới, mà vẫn được hâm mộ. Ở những bài ca mới, dù là “Lời anh vọng mãi ngàn năm” hay “và hai cây súng đang ngồi bên nhau”, Lê Hằng vẫn là con người của chất liệu trữ tình, khi cất lên giọng ca có âm trung ngọt ngào, mềm mại.NSƯT Tuyết Thanh đã kể, khi cùng học nữ chuyên gia người Nga vào thập niên 1960, giảng viên đã tấm tắc khen Lê Hằng có chất giọng “sáng như bạc” và “hãy học tập Lê Hằng!”.
Nhiều người đến giờ đã biết và tâm đắc với chùm 6 bài hát Đoàn Chuẩn viết cho Lê Hằng, nhưng tôi muốn biết cô như là một đại diện của một thế hệ người xưa, như cha mẹ mình, đã vượt qua những khó khăn hoàn cảnh và cả rào cản tự thân để sống đến hôm nay. Nhan sắc và giọng ca là một chuyện đương nhiên, nhưng tâm thế sống tốt cho đời lại là điều lớn lao hơn nhiều.
Lê Hằng với tôi đã trở thành một nhân vật vượt ra khỏi vai trò nguyên mẫu của những bài tình ca, cô là đại diện của một Hà Nội thuở ấy, đã hào phóng cho đi để giữ lại những gì chung thủy nhất của những cảm xúc lãng mạn. Vào mùa Xuân năm 1955 ấy, dư âm của Tà áo xanh chẳng phải vô cớ là “Hoa tàn, nhạc bay theo không gian”…
Lễ viếng NSƯT Lê Hằng diễn ra vào 9h30 ngày 22/3 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, linh cữu sau đó được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Hà Nội. |
Nguyễn Trương Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất