Lễ hội âm nhạc cổ điển lần đầu tiên ở Đà Lạt: Quảng bá thành phố sáng tạo UNESCO

10/03/2024 17:05 GMT+7 | Văn hoá

Sáng 10/3, Chương trình Lễ hội Âm nhạc cổ điển (Vietnam Classical Music Festival) chính thức diễn ra tại Thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO – Đà Lạt (Lâm Đồng). Sự kiện âm nhạc đặc biệt này quy tụ hơn 100 nghệ sĩ với 17 buổi diễn sẽ kéo dài đến hết ngày 17/3.

Lễ hội Âm nhạc cổ điển do Công ty Cổ phần lễ hội Việt Nam tổ chức nhằm hưởng ứng sự kiện Đà Lạt ghi danh vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc. Chương trình diễn ra tại 4 địa điểm ở Đà Lạt để những người yêu nghệ thuật, nhạc cổ điển và du khách có cơ hội trải nghiệm, thưởng thức âm nhạc.

Bắt đầu diễn ra Lễ hội Âm nhạc cổ điển tại Đà Lạt - Thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO - Ảnh 1.

Hồ Xuân Hương - trái tim của Đà Lạt là thắng cảnh nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp dịu dàng, lãng mạn. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Mở màn cho chuỗi sự kiện âm nhạc của lễ hội, sáng 10/3, chương trình hòa nhạc âm thanh của bộ kèn đồng (Sound of Brass) diễn ra tại Cung đường nghệ thuật đầu tiên ở phố núi Đà Lạt (đường Lý Tự Trọng) đã thu hút đông đảo công chúng tham dự, cổ vũ. Nhiều bản hòa tấu đã giúp khán giả khám phá âm nhạc cổ điển qua góc nhìn mới mẻ, có sự kết hợp của giá trị nghệ thuật truyền thống và thử nghiệm không gian biểu diễn độc đáo.

Chiều và tối 10/3, trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc cổ điển còn diễn ra hòa nhạc khai mạc Triển lãm "Đối thoại về thời gian" (tại Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa, phường 5, Đà Lạt) và hòa nhạc opera tại Phố bên đồi (Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng).

Những ngày tiếp theo sẽ diễn ra các chương trình biểu diễn âm nhạc hấp dẫn như phần trình diễn của tam tấu Sông Hồng giữa thành phố ngàn hoa (Song HongTrio in the Flower Town), hòa nhạc Hoàng hôn, độc tấu piano Beethoven - A Portrait… Thông qua các buổi trình diễn, công chúng được đắm mình vào những giai điệu mạnh mẽ, sôi động, cũng có lúc trầm lắng, trang nhã do nhiều nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn như Hanoi Brass Community, Trần Lê Quang Tiến, Trần Lê Bảo Quyên, KOSMOS Opera…

Trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra triển lãm "Đối thoại về thời gian" của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, một trong tứ trụ của hội họa Việt Nam thời hiện đại. Triển lãm giới thiệu đến công chúng những tác phẩm vẽ 12 con giáp phiên bản gốc lần đầu được công bố tại Đà Lạt. Cùng với đó là hội thảo chuyên đề "Nhạc cổ điển dành cho tất cả mọi người", các chuyên gia trong nước, quốc tế sẽ trao đổi về những vấn đề "nóng" của âm nhạc nói chung, âm nhạc cổ điển nói riêng.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm