21/02/2019 07:56 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Tối 20/2, tại di tích chùa Côn Sơn thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ khai hội truyền thống Côn Sơn và tưởng niệm 685 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334 – 2019).
Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đông đảo tăng ni, phật tử, nhân dân và du khách thập phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái nêu rõ: Từ thế kỷ XIV Côn Sơn đã trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Thiền phái Trúc Lâm - một thiền phái thuần Việt góp phần làm nên sức mạnh “Đông A”, điểm tựa tinh thần cho quân dân Đại Việt giữ vững nền độc lập, chủ quyền trước âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch. Nơi đây, mỗi độ Xuân về đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài lại nô nức trẩy hội, thắp nén tâm hương để tưởng nhớ vị tổ Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả.
Huyền Quang Tôn giả tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254 tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý. Năm 21 tuổi ông đỗ đầu khoa thi Giáp Tuất vào năm 1274. Đương thời, Huyền Quang là một trong những trí thức tài năng, nổi tiếng về thơ văn, đã làm việc tại Viện Hàn lâm nhà Trần và được giao tiếp sứ Bắc triều. Song, cũng như vua Trần Nhân Tông, ông đã từ bỏ chốn quan trường, tìm đến với tôn giáo, kiên trì học đạo và biên soạn kinh sách. Huyền Quang cùng với Phật hoàng Trần Nhân Tông đi đến mọi miền đất nước để thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị tổ thứ ba của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Cuối đời, ông về trụ trì tại chùa Côn Sơn, lập đài Cửu Phẩm Liên Hoa, biên soạn kinh sách truyền lại cho đời sau.
Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Ngày mất của ông trở thành ngày giỗ Tổ của chùa Côn Sơn hàng năm.
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia năm 1962. Đến năm 2012, khu di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong những năm qua tỉnh Hải Dương luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tại khu di tích Côn Sơn. Các công trình tiêu biểu đã và đang được tu bổ, phục dựng như: Nhà Tổ, cầu Thấu Ngọc, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, tả hữu tiền hành lang, gác chuông, hệ thống sân vườn, Lầu thờ Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát…
Ngay sau lễ khai hội, nhân dân và du khách thập phương đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc “Về miền địa linh nhân kiệt”.
Trước đó, sáng cùng ngày, tại sân đá Tam quan ngoại chùa Côn Sơn đã diễn ra Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ IX với sự tham gia của 210 pháo thủ của bảy đội thi của các huyện trong tỉnh. Liên hoan thu hút sự quan tâm thưởng thức, cổ vũ sôi động của nhân dân và du khách thập phương.
Mạnh Minh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất