07/08/2023 08:47 GMT+7 | Văn hoá
Lễ hội sông nước TP.HCM lần 1 diễn ra từ ngày 4 đến 6/8, tại nhiều địa điểm như cảng Sài Gòn, công viên bến Bạch Đằng, công viên Lam Sơn, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bến Bình Đông... Tối 6/8, chương trình Dòng sông kể chuyện đã khép lại lễ hội, với hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch, kinh tế cho thành phố.
Tại lễ khai mạc, ông Phan Văn Mãi (Chủ tịch UBND TP.HCM) nhấn mạnh lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng.
Đồng thời, đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông biển trên địa bàn thành phố, hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.
"Trên bến dưới thuyền" đúng nghĩa
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Toản (Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật) cho rằng, để có thể định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa, thì TP.HCM và các đơn vị tổ chức nên tăng tính nhận biết.
"Để hướng tới giá trị bền vững thì đô thị đó phải tạo ra giá trị. Mà muốn tạo ra được những giá trị như vậy thì đô thị phải có tính nhận biết; và tính nhận biết của TP.HCM chính là sông nước. Một đô thị sông nước, một dòng sông Sài Gòn tuôn chảy giữa lòng thành phố, ban ngày thì năng động, ban đêm thì thơ mộng".
Ông Toản nói tiếp: "Đó là sắc thái mang tính đặc trưng riêng biệt của thành phố này và khi giá trị nhận biết càng nâng lên cao, trân trọng giá trị thì có nghĩa là chúng ta đã tạo ra được sự ghi nhớ, yêu thương hướng về thành phố này; lúc đó ngành du lịch sẽ có chiều sâu, vì nó đong đầy hàm lượng của văn hóa, lịch sử".
Đối với lễ hội lần này, ông Nguyễn Kim Toản đánh giá cao khi lãnh đạo ban ngành đã đưa câu chuyện sông nước thành chủ đề chính. Người dân thể hiện sự trân trọng giá trị 300 năm "trên bến dưới thuyền", giới doanh nghiệp đường sông tự hào vì mình đang chung tay đóng góp cùng thành phố về một câu chuyện mà mọi người đang rất trân trọng.
"Nhiều người dân và doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi hành trình tạo ra sản phẩm có giá trị và cùng thụ hưởng những giá trị mà chuỗi hành trình đó mang lại" - ông Toản bày tỏ.
Giữa thời điểm không gian "trên bến dưới thuyền" đang dần biến mất theo tốc độ đô thị hóa của thành phố, thì lần tái hiện này của Sở Du lịch TP.HCM cùng các đơn vị tại 2 địa điểm là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 1) và bến Bình Đông (quận 8), đã nhận được sự quan tâm của người dân cũng như du khách.
Theo đó, tại mỗi không gian "trên bên dưới thuyền" có nhiều gian hàng trưng bày, kinh doanh sản phẩm đặc trưng vùng miền, các loại trái cây, khu vực ẩm thực, bánh dân gian, giới thiệu món ngon đậm chất miền Tây. Bên cạnh đó, cũng như không gian cho người dân và du khách trải nghiệm.
Đặc biệt, tại bến Bình Đông còn tái hiện khung cảnh sống động, nhộn nhịp với những lời ca, tiếng trống, tù và, pháo thăng thiên… Ngoài ra, còn có các hoạt động khác như nặn tò he, viết thư pháp, đờn ca tài tử, dân ca… cho đến âm nhạc hiện đại.
Tại khu vực quận 1, anh Lê Minh Sang (TP.HCM) cho biết rất hào hứng khi tham gia các hoạt động trải nghiệm tại gian hàng gốm Bát Tràng.
"TP.HCM cũng có nhiều làng nghề của cha ông, trong đó nhắc đến phải là lò gốm Hưng Lợi. Dù nó đã trở thành di tích, nhưng vẫn ở trong ký ức của rất nhiều người dân TP.HCM. Nay lễ hội tổ chức có không gian gốm tôi cũng muốn trải nghiệm nó như thế nào. Dù không khéo tay, nhưng sự trải nghiệm đem đến sự thú vị cho tôi và nhiều người"- anh Sang vui vẻ nói.
Tham quan và mua trái cây tại bến Bình Đông, chị Lê Phương Trang (TP.HCM) cho biết, đợt nào tại đây có lễ hội thì chị đều đến tham quan, mua vài món bánh hoặc trái cây.
"Đây mới là một không gian "trên bến dưới thuyền" đúng nghĩa. Mọi người vừa tham quan trên bến, vừa xem thuyền trên sông. Những lễ hội trái cây trước đâu có như vậy. Hy vọng không gian được phát huy nhiều hơn để du khách biết đến vùng đất mình có những điểm đặc sắc như thế nào"- chị Trang nói.
Điểm nhấn đáng nhớ
Có thể nói Dòng sông kể chuyện là điểm nhấn của Lễ hội sông nước TP.HCM lần 1. Chương trình nghệ thuật kết hợp giữa ánh sáng, âm nhạc, con người và dòng sông Sài Gòn.
Theo đạo diễn Lê Hải Yến, đây là chương trình nghệ thuật chưa từng có tại TP.HCM, khi quy tụ gần 700 diễn viên, chia thành 3 tốp: Không chuyên, bán chuyên và chuyên nghiệp. Đồng thời, chương trình huy động gần 100 con thuyền, xuất hiện trong 5 chương, gồm Khởi thủy - Khẩn hoang, Xây thành - Mở cõi, Trên bến dưới thuyền, Thương cảng phồn vinh, Rực rỡ thành phố bên sông.
Ngoài ra, chương trình còn sử dụng rất nhiều yếu tố về công nghệ 3D, các công nghệ kỹ xảo, thủ pháp nghệ thuật. Các công cụ kỹ thuật biểu diễn từ âm nhạc, vũ kịch, điện ảnh hoặc hệ thống nhạc nước, hệ thống ánh sáng được tính toán công phu, chi tiết theo từng tiết mục. Chương trình đầu tư hệ thống đèn laser công suất lớn, cùng màn trình diễn flyboard đặc sắc, kết hợp phần trình diễn drone show, pháo hoa trên trời cùng ánh sáng từ hàng chục tàu thuyền lớn trên sông và tất cả nhằm mục đích là chạm đến trái tim khán giả.
Đạo diễn Lê Hải Yến mong muốn kể câu chuyện lịch sử của Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM hàng ngàn năm, chứ không phải là 325 năm như mọi người vẫn thường nói. Chị và những nhà quản lý cũng muốn dùng chương trình này làm chiến lược để kích cầu cho sự phát triển của du lịch, kinh tế.
Đạo diễn Lê Hải Yến trải lòng: "Tôi kỳ vọng nó sẽ trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, đúng như cách thành phố đang kỳ vọng. Nó sẽ tạo ra được giá trị cho địa phương, vì chúng ta đang kể về cuộc sống, đời sống văn hóa, sự hấp dẫn của thành phố này đối với bạn bè quốc tế".
Chị nói thêm: "Trong tác phẩm này cũng có nhiều câu chuyện, nhân vật, con người, làng nghề… mà bây giờ đã bị thất truyền, nhưng những tinh hoa của nó thì rất đáng quý. Giúp chúng ta biết trân quý hơn những giá trị của văn hóa - lịch sử, để kế thừa và phát huy".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất