Lễ hội Yến sào Khánh Hòa và sự tri ân tiền nhân

07/06/2014 14:45 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Khánh Hòa trong một năm chẵn, không có Festival Biển, thì Lễ hội Yến sào dường như là điểm nhấn, điểm khai mở mang tính truyền thống cho một mùa du lịch hè ở nơi “xứ trầm, biển yến” này. Nhưng hơn hết, đó là một sự tri ân của lãnh đạo và cán bộ Công ty Yến sào Khánh Hòa với những bậc tiền nhân.

Lịch sử nghề yến, nguồn gốc Lễ hội Yến sào ở Khánh Hòa

Yến sào là món ăn đặc biệt, mang tính huyền thoại nơi cung vua, phủ chúa xưa kia. Từ hàng nghìn năm trước, món yến sào đã được gọi là “nhất phẩm bát trân”, tức món đầu bảng trong 8 loại thức ăn quý nhất chỉ dành cho các bậc đế vương và khoản đãi đại khách, được các danh y xác nhận có công dụng đặc biệt bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực… Thậm chí, người xưa tin nó có tác dụng “cải lão hoàn đồng”. “Yến tiệc” là một từ dùng để đề cập đến ẩm thực chốn cung đình, với những món sơn hào, hải vị mà xét về độ quý hiếm, bổ dưỡng thì đứng đầu là yến sào (tổ chim yến). Vì thế, có thể nói, nghề khai thác yến sào là một nghề có truyền thống lâu đời, đem lại những giá trị lớn lao nhưng cũng vô vàn hiểm nguy.


Chim yến hàng Germani thiên nhiên làm tổ trên vách đá hoa cương tại đảo yến.

Chim yến hàng (Aerodramus fuciphagus) là loài chim phân bố ở vùng Đông Nam Á, trong đó phân loài Aerodramus fuciphagus germani là phân loài đặc hữu phân bố chủ yếu tại các tỉnh duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam. Đây là loài cho tổ chim yến đảo thiên nhiên có chất lượng cao hàng đầu thế giới và chúng thường làm tổ trong hang, nẻ vách núi các đảo. Quần thể phân loài chim yến này phân bố từ Quảng Bình đến Côn Đảo, Phú Quốc, trong đó Khánh Hòa là tỉnh tập trung số lượng quần thể chim yến đảo phát triển ổn định và lớn nhất nước. Sản lượng khai thác yến sào đảo yến thiên nhiên Khánh Hòa trong những năm gần đây đã vượt trên 3.300 kg/năm.

Theo tài liệu lịch sử còn lưu tại Khánh Hòa, vào năm 1328, trong một chuyến công cán phương Nam, Đề đốc thủy quân nhà Trần là Lê Văn Đạt cùng đoàn quân gặp bão lớn nên thuyền phải dạt vào đảo Hòn Tre. Tại đây, khi lương thực đã cạn, ông tổ chức cho quân lính tìm kiếm lương thực tại các đảo quanh vùng biển này. Tình cờ ông đã phát hiện các đảo yến ở vùng biển đảo Bình Khang, thuộc tỉnh Khánh Hòa ngày nay. Sau đó, với tầm nhìn chiến lược của một vị trướng, ông liền thành lập các đội thủy quân để tổ chức bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên quý báu này. Nghề yến sào nước ta cũng ra đời từ đó và ông được người đời sau suy tôn là Thủy tổ nghề yến sào Việt Nam.

Những người có công kế nghiệp Thủy tổ nghề yến là An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang (sinh năm Kỷ Hợi 1719, hậu duệ đời thứ 21 của Thủy tổ Lê Văn Đạt) và con gái là bà Lê Thị Huyền Trâm, sinh năm Quý Dậu 1753. Dưới thời Tây Sơn, bà Lê Thị Huyền Trâm được giao chỉ huy đội thủy quân tại Dinh Bình Khang kiêm tổng quản quần đảo Hòn Tre và các sở lưới đăng, các đảo yến. Bà đã tổ chức khai thác, xuất khẩu yến sào làm nguồn tài chính, hậu cần, quân nhu… cho nhà Tây Sơn. Năm 1788, bà được phong chỉ huy liên quân thủy bộ trấn thủ một số vùng biển trọng yếu.


Đền thờ Tổ nghề yến trên đảo yến Hòn Nội.

Ngày 10/5 năm Kỷ Sửu 1793, trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc và các đảo yến, Đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm cùng An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang đã anh dũng hy sinh. Người dân đã suy tôn bà Lê Thị Huyền Trâm là Bảo yến đảo chủ Thánh Mẫu, lập miếu thờ bà trên các đảo yến.

Từ đó, ngày 10/5 âm lịch hàng năm, người dân địa phương lại long trọng tổ chức cúng giỗ Thánh Mẫu Lê Thị Huyền Trâm và tướng sĩ Tây Sơn hy sinh năm ấy. Lễ hội Yến sào Khánh Hòa được tổ chức tại đền thờ Tổ nghề yến trên đảo yến Hòn Nội để ghi nhớ công ơn các bậc tiền bối ngành nghề yến sào và những người đã ngã xuống để bảo vệ quê hương.

Bước qua những bậc thang đá, ngôi đền thiêng liêng của những người làm nghề yến hiện ra dưới tán cây xanh. Tấm bia ghi tên những hậu duệ ngày nay góp công sức, vật chất xây đền rất dài. Đã có dăm sáu đời lãnh đạo đã nghỉ hưu theo thứ tự trên xuống. Chứng tỏ tấm lòng của họ với tiền nhân, với ông Tổ là rất lớn. Dự Lễ hội Yến sào Khánh Hòa 2013, đặt chân đến Hòn Nội, đến đền thờ Tổ nghề yến, chúng tôi có những cảm xúc rất lạ, nhất là khi được nghe những câu chuyện nghề yến vô vàn cảm xúc được kể từ những người trên đảo Hòn Nội. Giờ đây, chuyện giữ đảo, giữ chim yến đã là của nhà nhà, người người xứ trầm hương chứ không bột phát và thiếu tổ chức như trước.

Giữ gìn và phát triển nghề yến sào truyền thống

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề yến sào Khánh Hòa vẫn được duy trì và phát triển như ngày hôm nay là nhờ công lao của các bậc tiền bối đã truyền nghề cho lớp trẻ. Cứ như thế, từ đời này qua đời khác mà đội quân khai thác yến sào tồn tại.

Hơn 20 năm qua, công nghệ thu hoạch sản phẩm yến sào và quy trình quản lý hang đảo ở Khánh Hòa ngày càng được hoàn thiện ở trình độ cao trên nền tảng nghiên cứu khoa học và bí quyết kỹ thuật truyền thống. Công ty Yến sào Khánh Hòa đã được cơ quan thực thi công ước quốc tế về các loài động vật quý hiếm (CITES) khẳng định là nhà quản lý, khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên Yến sào tốt nhất Đông Nam Á. Công nghệ thu hoạch sản phẩm Yến sào và quy trình quản lý hang đảo yến của Công ty rất khoa học, được đánh giá vượt trội so với các nước khác.

Hiện nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa quản lý 32 đảo yến với 169 hang yến trải dài từ huyện Vạn Ninh đến Cam Ranh; với 4.685 cán bộ công nhân viên, 20 đơn vị trực thuộc và 3 công ty cổ phần thành viên; trên 900 nhà phân phối, đại lý trong nước và quốc tế, chiếm giữ thị phần khai thác yến sào từ các đảo yến thiên nhiên lớn nhất Việt Nam. Yến sào Khánh Hòa đã khẳng định vị thế thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế với nhiều danh hiệu, bằng khen cao quý của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và nhiều chứng nhận chất lượng từ các tổ chức uy tín trong và ngoài nước.

Khi nhắc đến vấn đề phát triển nghề yến từ nền tảng tiền nhân để lại, ông Lê Hữu Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết: “Công ty Yến sào Khánh Hòa phát triển vững mạnh như ngày hôm nay là nhờ công ơn lớn lao của các bậc tiền hiền, tiền bối đã tâm huyết xây dựng. Với lòng biết ơn sâu sắc, Các thế hệ lãnh đạo Công ty qua các thời kỳ, Hội cựu CB CNV qua các thời kỳ và toàn thể CB CNV Công ty Yến sào Khánh Hòa quyết tâm xây dựng, bảo tồn và phát triển ngành nghề yến sào ngày càng phát triển vững mạnh và trường tồn.”

Với chiến lược phát triển mang tính nhân văn sâu sắc, luôn hướng đến giá trị vì lợi ích cộng đồng, với tâm huyết nghề và cả niềm khát khao phát triển nghề yến, tri ân tiền nhân, chúng ta có thể tin Công ty TNHH nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa sẽ giữ gìn, phát triển nghề yến bền vững và khoa học.

Hôm nay, đảo yến Hòn Nội sẽ tỏa ngát khí thiêng. Nơi các hậu duệ sẽ bày tỏ lòng thành kính với các bậc tiền hiền, tiền bối đã sáng lập, phát triển ngành nghề yến sào.

Châu Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm