05/03/2019 06:54 GMT+7
(lienminhbng.org) - Chỉ là một vụ tai nạn, vậy nhưng những gì diễn ra tại Sa Pa (Lào Cai) trưa 1/3 vừa qua lại đang được dư luận quan tâm đặc biệt.
Lưu thông bằng xe máy với tốc độ cao và không đội mũ bảo hiểm, một thiếu niên 15 tuổi (độ tuổi chưa được điều khiển xe cơ giới) tại đây đã đâm vào một xe ô tô con và một xe khách rồi tử vong. Trong nhiều giờ tiếp theo, hàng trăm người thân, bạn bè và hàng xóm của nạn nhân đã kéo tới hiện trường. Đưa ra mức bồi thường 400 triệu đồng, họ không cho di chuyển tử thi và các xe liên quan tới tai nạn.
Và câu chuyện chỉ bước đầu được giải quyết, khi một nửa số tiền ấy (200 triệu đồng) được hai chủ xe đưa ra.
Tất nhiên, không cần phân tích sự đúng/sai trong cách phản ứng của gia đình nạn nhân. Xa hơn, dư luận cũng đặt ra những câu hỏi về cách xử lý của lực lượng công an địa phương (có mặt tại hiện trường) khi để xảy ra cảnh “bắt vạ” này.
Hỏi, nhưng không khó để trả lời. Bởi, như nhận xét từ cộng đồng, trong câu chuyện này, không chỉ từ phía gia đình nạn nhân, cả chủ nhân của 2 chiếc ô tô lẫn lực lượng công an cũng đều chịu sức ép lớn từ một cách xử lý đã thành thông lệ bấy lâu nay.
Thông lệ ấy khá ngắn gọn: Xe lớn đền xe bé – người sống đền người chết. Có nghĩa, trong mỗi vụ tai nạn, phía thiệt thòi hơn vẫn luôn được người trong cuộc ưu ái đền bù.
Muốn hay không, cách nghĩ ấy vẫn đang tồn tại, như một tất yếu với truyền thống duy tình (hơn là duy lý) của người Việt.
***
Ở góc độ văn hóa, chúng ta vẫn thường cho rằng môi trường sống, điều kiện tự nhiên, biến đổi lịch sử… đã làm nên nét tính cách của từng cộng đồng, thậm chí là từng vùng miền. Và như cách lý giải phổ thông, những quốc gia xuất phát từ văn minh lúa nước như Việt Nam luôn đặt nặng tình cảm và sự cấu kết cộng đồng để phù hợp với phương thức sản xuất phức tạp này – trong khi những quốc gia xuất phát từ văn hóa du mục của phương Tây lại hướng đến sức mạnh cá nhân.
Sự duy tình của người Việt không xấu, thậm chí là phát huy tính tích cực trong đa số trường hợp. Nhưng, khi xã hội phát triển đến một giai đoạn nhất định và có sự phân chia về giai cấp, rõ ràng những hành xử theo tập quán truyền thống ấy phải đặt lùi xuống so với một hệ thống pháp luật được đề ra để quản lý cả cộng đồng.
Vậy nhưng ở rất nhiều trường hợp, với sự bén rễ quá sâu của cách hành xử cũ, câu chuyện lại diễn ra theo cái hướng “phép vua thua lệ làng” như dân gian thường gọi.
Giao thông, lĩnh vực gắn với vụ việc ở Sa Pa, chính là một trong những nơi mà cách xử lý duy tình của người Việt lại trở thành rào chắn cho việc pháp luật được thượng tôn.
Vì duy tình, nên người ta có thể lấy 2 chữ “mưu sinh” để biện bạch cho rất nhiều hành vi vi phạm giao thông của mình – để rồi khi bị xử phạt thì lại khơi gợi chữ “tình” từ đội ngũ công vụ bằng đủ lời xin xỏ, năn nỉ, ỉ ôi. Vì duy tình nên trong tiềm thức của rất nhiều người, người đi xe máy luôn nghèo khổ, thấp kém hơn đi ô tô – và tất nhiên là người chết, dù vi phạm giao thông, thì đáng cảm thông hơn người sống.
Chính bởi sự duy tình theo kiểu “lệ làng” ấy, không chỉ nạn nhân mà người đi đường, cảnh sát giao thông - hay thậm chí cả người không may bị cuốn vào vụ tai nạn – cũng vẫn thường muốn thỏa hiệp, để câu chuyện được giải quyết êm đẹp cho nạn nhân, bất kể chuyện đúng sai.
Để rồi, khi mãi bị “đóng đinh” bởi lệ làng ấy, những hệ quả tiêu cực lại tiếp tục được sinh ra, mà câu chuyện vừa rồi ở Sa Pa là một ví dụ điển hình.
Bây giờ, khi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã vào cuộc và yêu cầu điều tra rõ về vụ việc, chuyện đúng – sai của những bên gây ra tai nạn sẽ sớm được làm rõ trong một thời gian gần. Chắc chắn, dù ai đúng, ai sai, pháp luật sẽ được thực thi theo những quy định đặc thù .
Trong mong muốn của chúng ta, mọi câu chuyện liên quan tới pháp luật đều cần được xử lý theo cách đó, thay vì chịu ảnh hưởng từ những tàn dư lạc hậu của “lệ làng” từng ăn sâu vào cách nghĩ.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất